Chiều 26/4, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM tháng 4 và 4 tháng đầu năm, ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - đưa ra nhận định tình hình lạm phát đang "ngấm rất sâu" vào đời sống người lao động, một trong những dấu hiệu rõ nét là giá cả hàng hóa đang ngày càng tăng cao. Do vậy, chính quyền thành phố cần quan tâm đặc biệt đến người lao động, nhất là hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách.
Ngoài ra, ông Trần Hoàng Ngân cũng góp ý, cần quan tâm hơn đến việc triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
"Thành phố cần làm sao để doanh nghiệp, người lao động được tiếp cận gần hơn tới gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ này. Có như vậy nền kinh tế của TPHCM mới phát triển bền vững hơn", Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chia sẻ.
Ông Trần Hoàng Ngân cũng đánh giá cao việc TPHCM triển khai khánh thành các công trình nhà ở, khu lưu trú của công nhân trong dịp lễ 30/4 - 1/5. Vị chuyên gia cho rằng, dù công trình chỉ khoảng 1.000 chỗ ở, nhưng thể hiện thông điệp nói đi đôi với làm, quan tâm tới đời sống người lao động.
Về những vấn đề bất cập còn tồn tại, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM mong muốn, thành phố cần có thêm ý kiến với sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề ùn tắc giao thông.
Ngoài ra, qua các buổi tiếp xúc cử tri, các đại biểu vẫn nhận được nhiều phản ánh về tình trạng ngập nước tại khu vực kênh, rạch khi mưa hoặc triều cường. Ông Trần Hoàng Ngân đề xuất các Sở, ngành chú trọng hơn việc giảm ngập nước, cải tạo kênh, rạch, làm sạch khuôn viên công cộng.
Về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đánh giá địa phương đang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực. Điều này càng minh chứng cho luận điểm khi lĩnh vực y tế làm tốt các nhiệm vụ sẽ tạo đà cho phục hồi kinh tế.
"Tôi rất mừng vì qua theo dõi, số ca mắc Covid-19 tại TPHCM liên tục giảm những ngày qua, số ca điều trị trong viện chỉ còn 500 người. Trước đó, có thời điểm thành phố có tới 41.000 ca Covid-19 cần điều trị", ông Trần Hoàng Ngân cho biết thêm.
Trong tháng 4, TPHCM có tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 95.000 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đã giảm nhẹ 0,46% so với tháng trước (tháng 3 tình hình giá cả, nguyên vật liệu, xăng dầu, vàng bạc có nhiều biến động).
Ngành lưu trú và ăn uống tăng hơn 12% so với tháng trước, dịch vụ lữ hành tăng hơn 18% so với tháng trước. Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 4 duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 350.000 tỷ đồng, giảm 1,7% cùng kỳ. Mức giảm lũy kế qua các tháng đang hẹp và tiến đến mức kỳ vọng tăng trưởng dương.
Trong lĩnh vực ngân sách, tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 168.000 tỷ đồng, đạt 43,5% dự toán năm và tăng gần 14% cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng thu ngân sách địa phương đạt hơn 16.000 tỷ đồng, đạt 16,3% dự toán, giảm gần 15% cùng kỳ.