Israel gia tăng việc tấn công vào dải Gaza sau khi quân đội nước này cho biết lực lượng mặt đất của họ đang “mở rộng hoạt động” ở khu vực này.
Hamas cho biết, lực lượng này đã đối đầu với quân đội Israel ở nhiều địa điểm khác nhau.
Paltel, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất ở Gaza, tuyên bố “ngắt hoàn toàn tất cả các dịch vụ liên lạc và Internet” do sự tăng cường tấn công của Israel.
Công ty cho biết: “Vụ đánh bom dữ dội trong giờ qua đã phá hủy tất cả các tuyến quốc tế còn lại kết nối Gaza với thế giới bên ngoài”.
Netblocks, công ty theo dõi kết nối internet trên toàn cầu, xác nhận sự cố mất thông tin và gọi đây là “sự gián đoạn lớn nhất về kết nối internet ở Gaza kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, có thể coi là sự cố mất toàn bộ hoặc gần như toàn bộ internet”.
Nhiều đơn vị truyền thông quốc tế mất liên lạc một phần với nhân viên của họ ở chiến trường. Lực lượng Israel nói với các hãng tin rằng Israel “không thể đảm bảo an toàn cho nhân viên của quý vị và đặc biệt yêu cầu thực hiện mọi biện pháp cần thiết cho sự an toàn của họ” (trích một bức thư được gửi cho Reuters và AFP).
Người đứng đầu bộ phận tiếng Ả Rập của RT, Maya Manna, cho biết bộ phận này không liên lạc được với các phóng viên và nhiếp ảnh gia hoạt động tại Gaza kể từ tối 27/10. Tin nhắn duy nhất đến từ một đài truyền hình RT trong khu vực mô tả một “vụ đánh bom rất dữ dội”.
“Tôi không biết phải làm gì với con cái và gia đình mình. Mọi người đều sợ hãi, tiếng la hét khắp nơi ở Dải Gaza”, Masoud, một phóng viên địa phương, nói với RT.
Theo một thành viên của NBC News, “tất cả internet, điện và mọi thứ đã bị cắt. Hoàn cảnh chúng ta đang gặp phải rất khó khăn, rất nguy hiểm. Chúng tôi đang bị pháo binh và máy bay tấn công dữ dội”, một người giấu tên cho biết.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng mất liên lạc với các nhân viênở Gaza. Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) cho biết không liên hệ được với một số đồng nghiệp người Palestine của họ.
Đại diện MSF cho biết: “Chúng tôi đặc biệt lo lắng cho các bệnh nhân, nhân viên y tế và hàng nghìn gia đình đang trú ẩn tại bệnh viện Al Shifa cũng như các cơ sở y tế khác”.
Israel từng cáo buộc Hamas biến các bệnh viện thành “trụ sở khủng bố” của họ, đặc biệt đề cập đến Al Shifa. Trong khi đó, Hamas tuyên bố rằng bằng cách cắt đứt liên lạc từ Dải Gaza, Israel đang cố gắng “che đậy tội ác chiếm đóng mà không có bất kỳ sự giám sát hay trách nhiệm giải trình nào” và cố gắng “tạo ra hình ảnh chiến thắng”.
Israel từ chối trước lời kêu gọi ngừng bắn ở Gaza của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
“Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn lời kêu gọi tồi tệ của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc ngừng bắn”, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Eli Cohen viết trên X, nền tảng trước đây được gọi là Twitter. Quan chức này cho rằng Israel có ý định loại bỏ Hamas giống như cách thế giới đối phó với khủng bố.
Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 27/10 đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Có 120 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, trong khi 14 quốc gia, trong đó có Mỹ và Israel, bỏ phiếu chống. 45 quốc gia khác bỏ phiếu trắng.