Từ đêm qua đến hôm nay (25/9), do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ghi nhận tại TP Hội An, tổng lượng mưa đo được là 171mm.
Trước tin áp thấp nhiệt đới, người dân ven biển Hội An thấp thỏm, lo lắng khi bờ biển địa phương bị đặt trong tình trạng báo động, đứng trước nguy cơ bị sóng lớn công phá.
Theo người dân ở khu vực này, 3 năm trở lại đây, từ khi tuyến đê ngầm chắn sóng dài hơn 800m được xây dựng tại đoạn bãi tắm Cửa Đại (thuộc phường Cửa Đại, TP Hội An), khu vực này đã chấm dứt tình trạng sạt lở.
Tuy nhiên, khu vực nằm ngoài đê chắn sóng, tính từ đoạn bãi tắm thuộc khối Thịnh Mỹ đến bãi tắm An Bàng (phường Cẩm An, TP Hội An), lại có nguy cơ sạt lở, khiến nhiều người lo lắng.
Ghi nhận vào chiều 25/9, tại khu vực ven biển thuộc phường Cẩm An, TP Hội An, có 3 xe múc cùng hàng chục người dân đang khẩn trương múc đất, đóng cọc tre… để gia cố bờ biển.
Ông Nguyễn Văn Tới (59 tuổi, TP Hội An) cùng nhóm thợ 7 người được chủ một khu lưu trú thuê "vá" bờ biển.
"Chúng tôi làm 2 ngày nay rồi, cố làm nhanh trước khi áp thấp nhiệt đới vào bờ. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, muốn chắc chắn và an toàn hơn thì cần bờ kè như ở bãi tắm Cửa Đại", ông Tới chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch TP Hội An, khu vực bờ biển phường Cẩm An nằm trong dự án chống xói lở bờ biển Hội An với vốn đầu tư lên đến 42 triệu Euro.
Trong khi chờ đợi dự án này triển khai, trước mùa mưa bão năm nay, lãnh đạo TP Hội An đã giao Phòng Kinh tế thành phố triển khai việc gia cố tạm thời bờ biển với mục đích hạn chế sóng biển gây sạt lở.
Quảng Nam cấm biển từ 7h ngày 25/9
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, tỉnh Quảng Nam cấm biển kể từ 7h ngày 25/9 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra công tác triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.
Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản.
Chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện và hạ du, nhất là các thủy điện nhỏ; sẵn sàng khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố.
Bảo đảm an toàn tàu cá, nuôi trồng thủy sản; an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công; bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.