Gần 40 ca đỡ đẻ đặc biệt của các chiến sĩ kỵ binh trên đồi Bá Vân

24/07/2023 15:58

Những đêm ngựa đẻ, đơn vị như có hội. Từ cán bộ cấp tá tới các chiến sĩ đều xắn tay, thay phiên nhau túc trực ở chuồng ngựa, háo hức chào đón thành viên mới bắt đầu cuộc đời binh nghiệp.

Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng, Đoàn trưởng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Kỵ binh (Bộ Tư lệnh CSCĐ - K02, Bộ Công an) vẫn nhớ như in, cách đây hơn 3 năm - ngày 4-5/1/2020, Đoàn tiếp nhận hơn 100 chú ngựa từ Mông Cổ về Việt Nam.

Những đêm trước ngày về, trong cái lạnh buốt giá của sa mạc Gobi, anh Hưng và các đồng đội lo lắng đến mất ngủ.

Được giao nhiệm vụ mới, mặc dù đã công tác trên dưới 20 năm trong ngành, anh vẫn ngổn ngang những mối lo - liệu rằng đơn vị có hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó trong thời gian tới.

Cách đó 4 tháng, anh và các chỉ huy cao nhất của Đoàn vẫn đang công tác tại Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ. Từ ngày có chủ trương cho đến khi nhận bàn giao hơn 100 chú ngựa giống Mông Cổ, đoàn kỵ binh chỉ có 4 tháng để chuẩn bị mọi thứ về cơ sở vật chất, nhân lực, kiến thức…

Chính vì thế, Bộ Công an quyết định chọn khu vực đất nằm trên đồi Bá Vân thuộc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi (xã Bình Sơn, TP Sông Công, Thái Nguyên) làm “trụ sở chính” cho Đoàn CSCĐ Kỵ binh.

Ở đây, đoàn nhận được sự hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức từ các chuyên gia của Trung tâm - nơi có lịch sử hơn 60 năm chăn nuôi và nghiên cứu đại gia súc cho mục đích y học và thú y, trong đó chủ yếu nuôi 2 loài trâu và ngựa.

Ngoài ra, để sẵn sàng tiếp nhận và chăm sóc hơn 100 con ngựa, đoàn cũng nhận được sự hỗ trợ của 7 chuyên gia tới từ Mông Cổ trong thời gian đầu. Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, đoàn kỵ binh được như ngày hôm nay không thể thiếu sự giúp đỡ tích cực từ các chuyên gia về chăn nuôi, thú y tới từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên.

Đại uý Nguyễn Anh Vũ - Phó đội trưởng Đội Chăn nuôi thú y - cho biết, để có được đàn ngựa khoẻ mạnh như hiện tại, cả đoàn gần 200 cán bộ đã vượt qua rất nhiều thử thách, đặc biệt là giai đoạn đầu.

Thử thách đầu tiên mà anh và các đồng đội phải xử lý ngay sau khi đón ngựa về là chúng bị mệt vì thay đổi môi trường sống. Biểu hiện của đàn ngựa là hay nằm xuống, giống như ông cha ta từng nói “ngựa nằm là rất nguy hiểm”. Lúc này, các chiến sĩ phải liên tục hỗ trợ nâng ngựa dậy, dắt chúng ra ngoài để đi lại, tránh căng cơ, kích thích tiêu hoá.

“Tối nào tôi cũng phải xuống chuồng ngựa để canh chừng. Cứ khi nào ngựa nằm xuống thì tôi lại hỗ trợ nâng đứng dậy. Những hôm ngựa bị đau bụng do thay đổi môi trường, thời tiết, anh em phải thức đêm, bản thân tôi từng mắc võng ngủ cùng ngựa” - Đại uý Vũ chia sẻ.

Vấn đề quan trọng tiếp theo là nguồn thức ăn. Ở Mông Cổ, ngựa sống trong điều kiện chăn thả tự nhiên, ăn trên đồng cỏ bằng một loại cỏ họ đậu rất giàu dinh dưỡng. Về Việt Nam, cỏ có một số nhược điểm. “Ưu điểm của cỏ ở đây là mọc nhanh, nhiều. Tuy nhiên, về mặt dinh dưỡng thì nguồn thức ăn này cần bổ sung. Vì thế, các cán bộ cùng chuyên gia đã quyết định cho ngựa ăn thêm thức ăn tổng hợp”.

Sau hơn 1 tháng, các anh đã cơ bản đưa ra một thực đơn ổn định, đảm bảo đủ dinh dưỡng, đủ định lượng, giờ ăn, thức ăn phù hợp lứa tuổi… để áp dụng lâu dài.

Đến nay, có những con ngựa đã tăng 70-80kg so với ngày mới về. Mọi thứ từ bữa ăn cho tới cách xử lý ngựa bệnh đã được xây dựng thành một quy trình bài bản.

Từ hơn 100 chú ngựa được tặng ban đầu, trong hơn 3 năm qua, Đoàn CSCĐ Kỵ binh đã đỡ đẻ thành công gần 40 ngựa con, tăng số lượng đàn lên khoảng 140 con.

Đại uý Anh Vũ vẫn nhớ từng lần tự tay đỡ đẻ cho ngựa trong đêm. Với anh, mỗi chú ngựa sinh ra đều được nâng niu, chăm sóc giống như một đứa trẻ thực sự.

Khi từ Mông Cổ trở về, trong số hơn 100 con ngựa đã có 3 ngựa cái đang mang thai. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Mông Cổ, Đại uý Vũ phải nắm bắt ngay các kiến thức về sinh sản của ngựa.

2h sáng một đêm tháng 4/2020, cả đoàn thức trắng canh ngựa đẻ, như Đoàn trưởng Hưng ví von “mỗi lần ngựa đẻ là đơn vị như có hội”.

Giống như con người, ngựa con chào đời sẽ được cắt rốn, hút dịch trong khoang miệng, mũi, lau khô người... Nếu sau khi sinh, ngựa con không thể tự đứng dậy để bú mẹ thì các cán bộ sẽ hỗ trợ.

Đại uý Vũ vẫn nhớ kỷ niệm với chú ngựa con thứ 3 chào đời ở Đoàn. Đó cũng là lần sinh đẻ đầu tiên mà anh phải tự xoay xở mà không có các chuyên gia Mông Cổ và lần đầu tiên ngựa con là một “cô công chúa”.

Ca sinh nở diễn ra suôn sẻ, nhưng anh Vũ quan sát thấy ngựa mẹ rất ít sữa. Ngay lập tức, anh tham mưu với ban lãnh đạo “nuôi bộ” chú ngựa con này bằng cách cho uống sữa bột của trẻ sơ sinh.

Khi ra cửa hàng mua sữa bột cho trẻ từ 0-6 tuổi, anh Vũ bị hỏi “mua sữa cho con à?” - một kỷ niệm mà đại uý sinh năm 1992 sẽ không bao giờ quên.

Các cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau, cứ 3 tiếng pha sữa và cho ngựa bú bình một lần, y hệt trẻ sơ sinh. Anh em cũng tìm cách kích thích cho ngựa mẹ về sữa nhiều hơn bằng cách thay đổi chế độ ăn uống.

Rất may là chỉ sau 2 ngày, bên Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi có 1 ngựa mẹ mới sinh. Hàng ngày, Đoàn cử người sang vắt sữa ngựa mẹ bên ấy, xin mang về bên này cho ngựa con ăn. Sau 20 ngày kích thích sữa về, ngựa mẹ của Đoàn đã có đủ sữa cho ngựa con ăn.

Đặc tính của ngựa là loài bị săn mồi nên thường đẻ ban đêm. Vì thế, có những thời điểm, anh Vũ cùng các chiến sĩ phải ăn ngủ cùng ngựa suốt 2 tháng trời để canh ngựa đẻ, chăm sóc ngựa mẹ, ngựa con.

Ở những tháng cuối thai kỳ - thường là từ tháng thứ 9, thứ 10 - ngựa mẹ sẽ được tách ra, không chăn thả cùng đàn. Chúng được thả ở những địa hình bằng phẳng hơn để vận động nhẹ nhàng, được ăn chế độ riêng, đồng thời cũng được khuyến khích vận động để dễ sinh đẻ.

Hiện tại, đàn ngựa được chia thành 2 nhóm - một nhóm có nhiệm vụ tập luyện cho các mục tiêu chiến đấu, một nhóm chuyên dùng để phối giống, sinh sản.

Cứ thế, nhờ những kinh nghiệm và kiến thức được tích lũy sau mỗi lần thực hành, các cán bộ chiến sĩ của Đoàn ngày một tự tin hơn trong tất cả các khâu chăm sóc, chữa bệnh, phối giống, hỗ trợ ngựa sinh sản…

Đến nay, gần 40 ngựa con chào đời chính là thành quả chứa đựng rất nhiều mồ hôi, tâm huyết của các chiến sĩ sau hơn 3 năm.

Vui mừng nhất là khi những chú ngựa đầu tiên mang thai và sinh nở thành công ở đồi Bá Vân, bởi đó chính là dấu hiệu cho thấy rõ nhất sự thích nghi và phát triển tốt của một giống ngựa thuần chủng trong môi trường mới.

Cách đây khoảng 2 tháng, Đoàn đón một chú ngựa con đặc biệt - là thế hệ “cháu” đầu tiên của đàn ban đầu.

Việc mà Đội Chăn nuôi thú y của anh Vũ đang đặt mục tiêu trong giai đoạn này là lai tạo ra những giống ngựa mới, thừa hưởng những đặc tính nổi trội của ngựa bố mẹ để làm tốt hơn các nhiệm vụ theo hướng chiến đấu trong tương lai.

Đoàn đã lai tạo thành công một trường hợp là con của ngựa đực Mông Cổ và ngựa cái giống ngoại sẵn có ở Trung tâm. Ngựa con được thừa hưởng đặc tính bền bỉ, kỷ luật tốt của ngựa Mông Cổ và thể hình cao lớn của ngựa ngoại, hiện đã hơn 1 năm tuổi, đang phát triển khoẻ mạnh, với tốc độ còn nhanh hơn các con ngựa giống Mông Cổ cùng đàn.

Đại uý Vũ chia sẻ, mục tiêu của Đoàn trong thời gian tới là tìm ra công thức lai để phát triển đàn ngựa lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nhìn lại chặng đường hơn 3 năm qua, Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng cảm thán: “Đúng là muôn vàn khó khăn, với quá nhiều mày mò, vừa nghiên cứu vừa triển khai”. 

Những ngày tháng từ cán bộ cấp tá cho tới chiến sĩ thay nhau lo lắng, túc trực ở chuồng ngựa đã được đền đáp. Đàn ngựa gần 140 con hiện phát triển khoẻ mạnh, tăng cân và có khả năng sinh sản tốt, giống như ở môi trường bản địa.

Bài: Nguyễn Thảo

Ảnh: Phạm Hải - Văn Dân

Video: Đức Yên

Thiết kế: Nguyễn Cúc

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/gan-40-ca-do-de-dac-biet-cua-cac-chien-si-ky-binh-tren-doi-ba-van-2168654.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/gan-40-ca-do-de-dac-biet-cua-cac-chien-si-ky-binh-tren-doi-ba-van-2168654.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Gần 40 ca đỡ đẻ đặc biệt của các chiến sĩ kỵ binh trên đồi Bá Vân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO