Việc học sinh chỉ chăm chăm học những môn để thi vào lớp 10, thi đại học mà bỏ bê những môn học còn lại không còn xa lạ trong ngành giáo dục. Các năm gần đây Bộ GD&ĐT liên tục đưa ra những đổi mới, cải cách trong chương trình giáo dục để hạn chế tình trạng này, thế nhưng có lẽ những nỗ lực chưa thực sự hiệu quả mà còn vô tình chất thêm gánh nặng, áp lực cho học sinh.
Mỗi một môn học trong nhà trường đều có mục đích riêng trong việc giáo dục tư duy và nhận thức của học sinh. Ví như môn Thể dục nhằm rèn luyện sức khỏe cho học trò. Nếu xem nhẹ môn học này thì thể chất học sinh yếu, thiếu sức khỏe, không đủ năng lượng để học tập, vui chơi.
Hay môn Âm nhạc, Mỹ thuật thường được xem là môn “phụ” nhưng đây lại là những môn nền tảng quan trọng giúp các em phát triển tài năng sáng tạo, mắt thẩm mỹ, từ đó tăng cường sự tự tin, khả năng giao tiếp và kỹ năng hợp tác trong học tập.
Vấn đề học lệch, học tủ là câu chuyện muôn thuở với quan điểm trái chiều từ phụ huynh, học sinh đến những nhà quản lý giáo dục. Cần thẳng thắn thừa nhận việc học sinh quá chú trọng đến một vài môn học Toán, Văn, Anh cũng là học lệch.
Bộ GD&ĐT đưa ra lý do sợ học sinh học lệch nhưng chính Bộ cũng đang tổ chức thi lệch với ba môn Toán, Văn, Anh để làm thước đo đánh giá học sinh, sao không phải thi đa dạng môn thi hoặc cho học sinh được tự chọn môn thi theo năng lực bản thân và định hướng nghề nghiệp khi lên bậc THPT, đại học.
Quá chú trọng vào một số môn Toán, Văn, Anh về lâu dài sẽ khiến phông nền kiến thức cơ bản bị thiếu hụt, khi tiếp xúc ngoài môi trường học đường với đa dạng những vấn đề dễ gây bối rối, hoang mang.
Việc học tất cả các môn như đã chỉ ra là rất quan trọng, nhưng giữa việc học và bắt học tốt lại là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Mỗi một đứa trẻ có một năng khiếu cũng như niềm yêu thích với lĩnh vực, môn học nhất định. Cho nên có những môn mà với em học sinh này là dễ tiếp thu, thú vị thì với em khác thì lại khô khan, nhàm chán, không thể nạp vào đầu dễ dàng là điều hoàn toàn bình thường và dễ hiểu.
Người lớn, phụ huynh, thầy cô và những nhà quản lý giáo dục cần phải có định hướng đúng đắn để các em học sinh phát huy được năng khiếu bản thân thay vì giữ khư khư cái quan niệm thâm căn cố đế “xấu đều hơn tốt lõi”.
Thực tế, một bác sĩ giỏi không cần thiết phải biết số đo của gia tốc ánh sáng hay trọng lực của trái đất. Một vận động viên giỏi có thể không biết cách tính diện tích tam giác nội tiếp đường tròn. Và dĩ nhiên việc không biết quỳ tím đổi màu đỏ khi gặp dung dịch axit và hóa xanh khi tiếp xúc với dung dịch bazơ sẽ chẳng thể cản trở một người trở thành nhà văn tài năng.
Trong chương trình giáo dục đã có những thang điểm đánh giá mức độ đạt của mỗi môn học, các em chỉ cần đạt điểm này là qua môn. Việc học đạt ở những môn các em không giỏi, không có hứng thú là điều đáng khích lệ.
Chấp nhận việc chỉ đạt mức điểm đạt ở một số môn học giúp học sinh đỡ áp lực học hành khi phải dàn trải quá nhiều thời gian để gánh thêm những môn không thích. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giúp các em có thêm thời gian để tập trung phát triển, học tập những thế mạnh của bản thân.
Con trai lớn của tôi hiện làm kiến trúc sư, tôi luôn tự hào về con cũng như như nghề nghiệp ấy. Để có được công việc như hiện tại con tôi đã nỗ lực rất nhiều cho giấc mơ kiến trúc sư của thằng bé từ những năm còn học trên ghế nhà trường ở cấp 2, cấp 3.
Thay vì chọn trở thành học sinh giỏi các môn Toán, Văn, Anh… tôi định hướng cho con học Toán, Mỹ thuật để phục vụ cho mục tiêu vươn tới đam mê. Các môn học còn lại con tôi vẫn học và duy trì ở mức trung bình cho đến khá. Tôi hay thầy cô giáo cũng như chương trình giáo dục thời điểm đó chẳng ai thấy điều này là bất cập. Và thực tế chứng minh rằng chúng tôi đúng khi tạo nên “sản phẩm” giáo dục tốt.
Hay với đứa con gái út của tôi hiện nay đang học lớp 9 trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài những môn dự kiến sẽ thi chuyển cấp vào năm tới, con tôi luôn trong tình trạng căng như dây đàn bởi những môn học khác nữa.
Kể từ khi nghe tin Bộ GD&ĐT dự thảo bốc thăm môn thi vào lớp 10 để tránh học lệch, học tủ con tôi càng như ngồi trên đống lửa bởi lo lắng không biết phải học tập như thế nào với từng ấy môn học trong khi quỹ thời gian không giãn ra thêm chút nào.
Con tôi vốn thiên nhiều về các môn xã hội, cháu thích đọc sách và có niềm đam mê lớn với lịch sử, địa lý. Ngược lại, với những môn học tự nhiên cháu có phần khó tiếp thu hơn. Tôi luôn nhắc con không được bỏ bê những môn mình không thích nhưng cũng không ép con hay đặt nặng thành tích học tập những môn này với con.
Với chương trình thi, đánh giá của từng môn học nhẽ ra khi đã đạt đủ điểm qua thì phải mặc nhiên là cháu không học lệch, học tủ cớ sao lại phải chọn đưa vào việc thi cấp 3 để tránh việc học tủ, học lệch. Là phụ huynh ai cũng mong muốn con mình học hành giỏi giang, thế nhưng lựa chọn việc đánh đổi niềm yêu thích, hạnh phúc của con lấy những điểm số thì tôi sẽ chọn cho con niềm vui.
Suy cho cùng, thành công, giỏi giang cũng chỉ để sống cuộc sống hạnh phúc thôi. Chứng kiến cảnh con vạ vật với những môn học không yêu thích tôi xót xa vô cùng. Tôi không hoàn hảo, bạn cũng không hoàn hảo cớ sao lại bắt con chúng ta phải hoàn hảo khi giỏi tất cả các môn.