Tại buổi họp báo do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức chiều 9-10, phóng viên Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và Cục Thể dục thể thao (TDTT) nhận định kỳ ASIAD 19 vừa qua, Đoàn thể thao Việt Nam thành công hay thất bại?
Bất thường
Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục TDTT, cho rằng kỳ ASIAD 19 vừa rồi Đoàn thể thao Việt Nam vừa có thành công nhưng cũng vừa có thất bại. Thành công là chúng ta đã đạt chỉ tiêu tối thiểu là giành HCV. Bên cạnh đó còn có các điểm sáng ở các đội tuyển bắn súng, bóng chuyền và một số nội dung khác.
Thất bại ở đây là mặc dù đang đứng số 1 Đông Nam Á về huy chương nhưng so với các quốc gia ở Đông Nam Á thì Việt Nam lại ít HCV hơn. Ngoài ra, một số VĐV được kỳ vọng rất cao nhưng thành tích lại không được như mong muốn.
"Việc này tôi nghĩ rất là bình thường. Chúng ta đứng vị trí số 1 Đông Nam Á nhưng vươn ra châu Á phải cần có thời gian. Trước chúng ta, Thái Lan, Indonesia đứng đầu Đông Nam Á rất nhiều lần và hàng chục năm rồi... Trên cơ sở đúc kết các kinh nghiệm từ kỳ ASIAD 19 vừa rồi cũng như các kỳ ASIAD trước, cùng những thành công ở những kỳ SEA Games vừa qua, chúng tôi phấn đấu ở các kỳ ASIAD tới sẽ có thành tích tốt hơn để đáp ứng mong mỏi của người hâm mộ" - ông Nguyễn Hồng Minh nói.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục TDTT, trả lời câu hỏi của phóng viên.
Kết thúc ASIAD 19, Đoàn thể thao Việt Nam đoạt 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, xếp thứ 21 trong 45 đoàn thể thao tham dự. Đoàn thể thao Việt Nam bị nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á bỏ xa, chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á tại ASIAD 19.
Việc nói "rất bình thường" dù Đoàn thể thao Việt Nam chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á của vị Phó Cục trưởng Cục TDTT đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người bày tỏ không tán thành với ý kiến này.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban TDTT, nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam nhiều kỳ đại hội, cho rằng với vị trí thứ 6 Đông Nam Á và đứng thứ 21 châu Á, kỳ ASIAD 19 vừa qua là thất bại với Đoàn thể thao Việt Nam.
Ông Nguyễn Hồng Minh bày tỏ trân trọng và cảm phục các VĐV đã nỗ lực hết sức trên đấu trường ASIAD. Những tấm huy chương của thể thao Việt Nam đã được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và sự nỗ lực rất lớn của các VĐV. Điều đó rất đáng trân trọng.
"Bên cạnh những điểm sáng, nhìn tổng thể thì kỳ ASIAD 19 vừa qua chúng ta không thành công. Chưa so sánh với các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc … mà chỉ so sánh với các nước khu vực Đông Nam Á, với vị trí thứ 6 khu vực, rõ ràng chúng ta đang có vấn đề.
"Thành công hay thất bại của thể thao xét về một môn đấu hay một VĐV thì có trận thua, trận thắng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, một đoàn thể thao đại diện cho một dân tộc tham dự sự kiện lớn lớn, liên quan đến vinh dự của đất nước mà lại thua những nước không được đánh giá cao trong khu vực là không bình thường.
Mục đích của thể thao thành tích cao là phải nêu cao được lá cờ của đất nước và là danh dự của đất nước, của dân tộc. Phải xác định rõ ràng như thế" - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao thuộc Ủy ban TDTT bày tỏ.
Phải "bắt đúng bệnh"
Về nguyên nhân thất bại, nguyên vụ trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng có nguyên nhân khách quan và chủ quan, tuy nhiên đừng chỉ nói về khách quan mà phải nhìn nhận, dám chỉ ra những nguyên nhân chủ quan như: Đầu tư kém; đường hướng, mục tiêu, quản lý có vấn đề…
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban TDTT, nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam nhiều kỳ đại hội. Ảnh: NVCC
Ban huấn luyện của các đội tuyển đều biết thực lực và đánh giá VĐV. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận thẳng vào thực tế rằng các VĐV của chúng ta vẫn có trình độ thấp so với các VĐV ở châu lục. Câu hỏi đặt ra là tại sao dẫn tới trình trạng này? Chúng ta cần phải xem xét lại chiến lược và việc thực hiện chiến lược.
Trong những năm qua, chúng ta luôn trăn trở vấn đề đầu tư cho các môn thể thao. Trước nay, kinh phí hoạt động của hầu hết các môn thể thao đều dựa vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó, các nước có nền thể thao phát triển đều đầu tư cho thể thao bằng nguồn xã hội hóa. Ở đó, vai trò của các liên đoàn thể thao rất lớn.
Ngay cả những nước như Trung Quốc cũng bắt đầu sử dụng nguồn xã hội hóa từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư cho những VĐV đỉnh cao thay vì bao cấp của nhà nước như trước đây.
"Tôi khẳng định rằng nếu dựa vào ngân sách nhà nước thì không bao giờ đáp ứng được nhu cầu của việc đào tạo và nâng cao trình độ của VĐV. Muốn đủ tiền, chúng ta cần có chủ trương, chính sách xã hội hóa thể thao. Thực tế, một vài môn thể thao ở Việt Nam đã tiếp xúc với nguồn xã hội hóa nhưng về cơ bản, phần lớn các đội tuyển vẫn hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước. Đó là một hạn chế cho sự phát triển của thể thao Việt Nam" - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban TDTT nhận định.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, ngành thể thao cần phải xem xét lại chủ trương và xác định vai trò của thể thao thành tích cao Việt Nam, đặc biệt là cần xác định mục tiêu, phát triển cho đấu trường SEA Games hay châu lục.
Trách nhiệm này thuộc về các nhà quản lý thể thao Việt Nam và Bộ VH-TT-DL. Đây là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về hoạch định chiến lược thể thao Việt Nam. Để hòa nhập quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam tại châu lục và thế giới, việc phát triển thể thao thành tích cao là điều vô cùng cần thiết.
"Bộ VH-TT-DL, Cục TDTT và các cơ quan chuyên môn cần phải sớm ngồi lại để "bắt bệnh", chỉ có "bắt trúng bệnh", nhìn nhận rõ các vấn đề đang tồn tại của ngành thể thao Việt Nam thì mới có hướng ra, mới có hy vọng về việc việc phát triển, những thành tích cao của ngành trong những kỳ đại hội tiếp theo. Nếu xem đây là "việc bình thường" thì sẽ mãi như thế, không phát triển được" - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban TDTT nói.