Người dân Quảng Bình xem cảnh quay phim Kong: Skull Island. Hình ảnh được đạo diễn Jordan Voigt Robert đăng tải trên Instagram.
Pháp giảm tối đa 50% thuế phí cho đoàn nước ngoài quay tại nước mình; Thái Lan cho phép cộng dồn các ưu đãi chiết khấu, thậm chí hoàn trả bằng tiền mặt... là một vài ví dụ về chính sách ưu đãi cho đối tác quốc tế khi sử dụng dịch vụ điện ảnh tại các quốc gia này.
Chia sẻ trong cuộc Hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh-Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng (thuộc khuôn khổ Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng), nhiều chuyên gia cho rằng xu thế này giúp đóng góp về mặt kinh tế, phát triển du lịch và là điều mà Việt Nam cần làm.
Luật Điện ảnh loại bỏ quy định cần có?
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú cho biết Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 đã bỏ ra ngoài một nội dung quan trọng.
Trong dự thảo 8, điều số 42 có nội dung quy định rõ rằng: Đoàn phim nước ngoài được ưu đãi về thuế, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, thuế vận chuyển đạo cụ vật liệu... Khoản 2 trong điều này cũng nêu Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm triển khai cụ thể hóa, hiện thực hóa nội dung này.
"Rất tiếc, khi Luật thông qua, điều 42 bị thay bằng điều số 5 rất vắn tắt... là Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng thuế, đất đai cho các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật," ông Hùng nói.
Đó là chưa kể những sự cố đầy quan liêu khác như thủ tục rườm rà, mất thời gian do "giấy phép con," khiến Việt Nam đã chứng kiến nhiều vụ việc "cầm vàng mà để vàng rơi."
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nhắc lại sự cố một đoàn phim Hollywood sang Việt Nam vào thời điểm khoảng những năm 2000, đã thuê trực thăng để khảo sát bối cảnh, đã hoàn thiện giấy phép và chuẩn bị quay thì bất ngờ phải ngừng lại toàn bộ vào phút chót nên sau đó đoàn buộc phải chuyển qua Thái Lan.
Người đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định các quy định cần được cụ thể hóa hơn nữa để thực hiện vừa đúng luật, vừa hấp dẫn cho đoàn nước ngoài, bởi lợi ích họ đem lại là không thể phớt lờ.
Hiệu quả về kinh tế-du lịch từ việc đón đoàn phim nước ngoài đã được chứng mình ở nhiều nước. Theo ông Stephen P. Jenner, Phó Chủ tịch Truyền thông Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA), một nghiên cứu gần đây tại Australia chỉ ra đầu tư vào công nghiệp phim có tỉ suất hoàn vốn rất lớn, 1 USD đầu tư cho ra 5,99 USD trong thời gian dài hạn.
Ông Yoshitaka Sugihara - Giám đốc chính sách công của Netflix Nhật Bản cho biết đã 4 dự án điện ảnh tại tỉnh Gunma được triển khai sau thời kỳ COVID, qua đã tạo việc làm cho 7.000 nhân công địa phương, đóng góp cho kinh tế qua cả các dịch vụ ăn uống, vận chuyển. Người dân tại đây đều rất tự hào về việc này và tích cực lan tỏa, quảng bá về phim.
Cũng theo ông Sugihara, một dự án do Netflix đầu tư tại đất nước "Mặt trời mọc" gần đây đã giúp thu hút 40.000 khách du lịch từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore và Phillippines.
Việt Nam cần làm gì để thành phim trường thế giới?
Theo người đứng đầu Hội Điện ảnh Việt Nam, rất nhiều nước như thuộc châu Á-Thái Bình Dương như Thái Lan, Hàn Quốc, New Zealand, Australia... đã có ưu đãi về thuế, chi phí (incentive) cho các đoàn phim nước ngoài.
"Chẳng hạn như Thái Lan thậm chí còn hoàn ưu đãi bằng tiền mặt, chiết khấu 15% tổng chi phí cho các hạng mục được giảm thuế, giảm thêm 5% nếu dùng nhân công địa phương và hoàn trả bằng tiền mặt. Còn ở châu Âu, ví dụ Pháp có những chính sách giúp giảm tới 50% chi phí thực tế... Điều này thể hiện sự quan tâm của chính quyền," ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nhận định.
Ông Stephen P. Jenner nói trên thế giới hiện nay có khoảng 100 chương trình ưu đãi do các nước ở các châu lục áp dụng, trong đó có những quốc gia gần gũi với Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Mông Cổ...
"Tôi rất ngạc nhiên với Mông Cổ. Không biết người ta sẽ quay gì tại đây? Nếu Mông Cổ làm được thì tôi nghĩ quốc gia nào cũng sẽ làm được," đại diện MPA nhận xét.
Quay lại Việt Nam, Luật Điện ảnh mới trên thực tế đã tạo rất nhiều thuận lợi nhưng chính sách ưu đãi cho đoàn phim nước ngoài thì chưa cụ thể.
Từ kinh nghiệm của mình, các chuyên gia cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này, bằng cách thành lập các ủy ban hội đồng địa phương nhằm giúp đỡ đoàn nước ngoài. Nhiệm vụ của ủy ban này là giới thiệu về điểm đến, ưu đãi, thủ tục tại địa phương, giải quyết vấn đề muôn thuở về "giấy phép con."
Song để làm được điều này thì con người cũng phải được đào tạo để làm tốt nhiệm vụ, cùng với cơ chế chính sách phù hợp, cụ thể của địa phương.
Ông Yoshitaka Sugihara cho rằng Việt Nam cần tổ chức những buổi họp, thảo luận nhằm xây dựng mối quan hệ giữa đoàn phim quốc tế với địa phương. Nhờ đó đội ngũ nhân sự, người làm phim địa phương có sự giao lưu học hỏi, tự nâng cao trình độ tay nghề để có thể tham gia, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng điện ảnh.
Một điều quan trọng là tận dụng được cảnh quan, địa điểm hấp dẫn của địa phương đồng thời sử dụng internet và các nền tảng xuyên biên giới để quảng bá những điểm đến này - kết nối người xem quốc tế với những khu vực, vùng miền cụ thể.
Đà Nẵng với Cầu Rồng và cảnh đẹp, khí hậu thuận lợi... được cho là điểm đến thuận lợi làm phim trường cho quốc tế. (Ảnh: TTXVN phát)
Về phía địa phương diễn ra hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng - bà Ngô Thị Kim Yến cho biết thành phố đang gặp "thiên thời-địa lợi-nhân hòa," khi vừa phát triển trở lại sau đại dịch, có Luật Điện ảnh sửa đổi mới tạo nhiều hành lang pháp lý thuận lợi hơn và sự ra đời của liên hoan phim quy mô quốc tế.
"Thành phố mong sẽ đón nhiều đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến khảo sát và chọn Đà Nẵng làm bối cảnh quay, cũng như huy động các doanh nghiệp địa bàn, cơ sở lưu trú và ấm thực, các danh lam thắng cảnh cùng góp sức để tạo cơ chế đôi bên cùng có lợi, thuận tiện cho cả nhà sản xuất lẫn các ngành công nghiệp phụ trợ địa phương," bà Kim Yến nói./.