Du xuân đầu năm với 4 lễ hội đặc sắc tại miền Nam

Nguyễn Bảo| 16/02/2024 09:44

Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên vào thời gian này, cả nước đều rộn ràng với những lễ hội khai xuân đầy thú vị. Tại khu vực miền Nam nói riêng, các tỉnh thành cũng náo nức tổ chức nhiều lễ hội lớn dành cho du khách cả nước.

Mùa xuân là mùa đánh dấu sự khởi đầu và đón nhận những điều mới mẻ. Những tia nắng vàng rượi ấm áp khẽ khàng xuyên qua từng nhành cây kẽ lá, điểm xuyết cho đóa hoa mới nở thêm phần rực rỡ, vẻ đẹp tươi mới của thiên nhiên trong những ngày xuân về càng làm cho tâm hồn con người thêm tràn trề hi vọng và niềm vui.

Như một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt, du xuân trẩy hội trong tiết tháng Giêng âm lịch không chỉ đơn thuần là một cuộc dạo chơi ngắm cảnh mà còn là dịp để mong cầu may mắn, tài lộc và bình an cho năm mới. Cũng trong khoảng thời gian này, tại một số tỉnh thành miền Nam thường tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc cho du khách cả nước du xuân hái lộc.

Tết Nguyên tiêu của người Hoa tại TP.HCM

Tết Nguyên tiêu năm nay sẽ rơi vào ngày 24/2 dương lịch, tức ngày 15/1 âm lịch. Đây là lễ hội có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa Chợ Lớn, mang ý nghĩa cầu mong một năm hạnh phúc, gia đạo bình an, đất nước yên ấm, mưa thuận gió hòa. Lễ hội còn có tên gọi khác là lễ Thượng nguyên hay thường được gọi bằng cái tên quen thuộc là “rằm tháng Giêng”.

Du xuân đầu năm với 4 lễ hội đặc sắc tại miền Nam - 1

Diễu hành nghệ thuật đường phố. Ảnh: Lê Vũ.

Hằng năm, vào ngày này, các tuyến đường quanh khu vực Chợ Lớn như Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm, Lão Tử, Lương Nhữ Học, Nguyễn Trãi, Trần Xuân Hòa hay tại Trung tâm Văn hóa Quận 5 thường xuyên có các hoạt động diễu hành nghệ thuật đường phố, múa lân sư rồng, đấu đèn, biểu diễn hát bội, hội chợ ẩm thực độc đáo mừng Tết Nguyên tiêu, thu hút nhiều du khách và người dân thành phố đến thưởng lãm.

Du xuân đầu năm với 4 lễ hội đặc sắc tại miền Nam - 2

Biểu diễn múa lân sư rồng mừng Tết Nguyên tiêu. Ảnh: Hoàng Tuyết.

Bên cạnh đó, tại các đền, miếu hay các hội quán người Hoa cũng thu hút một lượng lớn người dân đến hành lễ cầu sức khỏe và tài lộc.

Ngày 05/7/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Tết Nguyên tiêu của người Hoa Quận 5 là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây cũng là một trong 19 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu tại TP.HCM.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu là một trong những lễ hội văn hóa lớn nhất của tỉnh Bình Dương, thường diễn ra vào đêm ngày 13 đến rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Đây không chỉ là lễ hội lớn của cộng đồng người Hoa tại Bình Dương mà còn là một trong những nét đặc sắc giúp du lịch Bình Dương phát triển.

Du xuân đầu năm với 4 lễ hội đặc sắc tại miền Nam - 3

Hoạt động biểu diễn đặc sắc trong lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương. Ảnh: Mia.

Theo thống kê của tỉnh, dịp này có đến hàng trăm nghìn lượt khách từ các tỉnh Đông Nam Bộ lân cận tề tựu về đây chiêm bái. Lễ vật dâng cúng Bà thường có nhang đèn, vàng mã, heo quay và trái cây. Người cúng dâng lễ vật lên điện thờ, thắp nén nhang gửi gắm ước vọng của bản thân đến Bà, cầu mong sức khỏe đủ đầy, tài lộc như ý hoặc chuyện tình duyên đôi lứa.

Chùa Bà Thiên Hậu hay chùa Bà Bình Dương tọa lạc số 4 đường Nguyễn Du, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, là nơi thờ phụng Thiên Hậu Thánh Mẫu trong tín ngưỡng tâm linh của người Hoa. Trải qua hơn một thế kỉ tồn tại, đến nay, chùa Bà Thiên Hậu là một công trình tâm linh độc đáo, gắn liền với lịch sử phát triển của tỉnh Bình Dương.

Lễ hội núi Bà Đen của Tây Ninh

Giữa mảnh đất thiêng Tây Ninh, núi Bà Đen thu hút đông đảo người đến vãng cảnh ngày xuân không chỉ nhờ có nét đẹp mê hoặc của núi non hữu tình mà còn bởi các giá trị tâm linh sâu sắc.

Du xuân đầu năm với 4 lễ hội đặc sắc tại miền Nam - 4

Tượng Bồ tát Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi thiêng Bà Đen. Ảnh: ST.

Thông thường từ ngày mồng 4 đến rằm tháng Giêng âm lịch, núi Bà Đen lại nhộn nhịp với lễ hội núi Bà. Đây là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính với Linh Sơn Thánh Mẫu, vị thần được người dân Nam Bộ tôn kính. Lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với nhiều nghi thức truyền thống như lễ rước Bà, lễ cúng dâng, cầu an... thu hút hàng triệu Phật tử và du khách thập phương đến dự.

Du xuân đầu năm với 4 lễ hội đặc sắc tại miền Nam - 5

Đông đảo khách thập phương đến chiêm bái núi Bà Đen trong dịp lễ hội. Ảnh: Quỳnh Hoa.

Bên cạnh các giá trị tâm linh, lễ hội núi Bà Đen còn là điểm hẹn lí tưởng cho những du khách ưa thích khám phá và trải nghiệm với các hoạt động thú vị như “check-in” Linh Sơn Cổ Tự, động Ông Hổ hay ngắm nhìn toàn cảnh Tây Ninh hùng vĩ thông qua cáp treo hoặc cung đường leo núi.

Ngoài ra, du khách đến thăm núi Bà Đen dịp này cũng có thể dành thời gian tham quan công trình tôn tượng Bồ tát Di Lặc khổng lồ được ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên được ra mắt vào ngày 28/1.

Lễ hội Vía Bà tại Bình Định

Lễ hội Vía Bà còn được gọi là lễ hội Bà Đỗ Thị Tân, là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo ở Bình Định, diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại miếu Bà ở thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn.

Du xuân đầu năm với 4 lễ hội đặc sắc tại miền Nam - 6

Lễ hội Vía Bà độc đáo tại Bình Định. Ảnh: ST.

Theo truyền thuyết dân gian, cách đây gần ba thế kỷ, bà Tân được biết đến là người đỡ đẻ cho phụ nữ trong làng. Đôi tay nâng đỡ, tạo phúc cho nhiều người nhưng hễ ai muốn trả ơn đều bị bà từ chối. Vì kính trọng tài năng và lòng nhân ái của bà, vua Tự Đức đã ban cho bà danh hiệu “Ân đức độ nhân”. Khi bà qua đời, người dân trong làng cho dựng một ngôi miếu thờ ngay tại nơi bà từng sống, gọi là Miếu Bà hay Hội Sản Nương Thần Miếu.

Ngoài việc tưởng nhớ ơn đức của bà Đỗ Thị Tân, lễ hội Vía Bà cũng là dịp mà người dân Bình Định bày tỏ ước nguyện cầu cho quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no. Mặt khác, các gia đình hiếm muộn cũng nhân dịp này đến cầu tự.
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Du xuân đầu năm với 4 lễ hội đặc sắc tại miền Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO