Dư nợ tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng

04/12/2023 14:12

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 30/9, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Chia sẻ tại Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” ngày 4/12, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm.

Đến 30/9, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong số 12 lĩnh vực xanh, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).

Hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

tín dụng xanh.jpg
Hội thảo tín dụng xanh. (Ảnh: Ngọc Tuân)

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, từ nguồn vốn tài trợ nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên cả nước, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La).

“Doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 30.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Dư nợ đạt 2.000 tỷ đồng với hơn 300 khách hàng”, bà Bình nói.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho hay, Việt Nam cần lượng vốn lớn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, như năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải…

Ước tính gần đây của IFC cho rằng đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, để tín dụng xanh phát triển cần tiếp hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong đó, có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

Ngọc Tuân

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dư nợ tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO