Dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại 26 địa phương đã lên tới 65.000 tỷ

02/10/2024 19:16

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 25/9 dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại 26 tỉnh, thành phố đã lên tới 65.000 tỷ đồng, với hơn 94.000 khách hàng bị ảnh hưởng.

Thông tin trên được đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại Toạ đàm “Khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 – Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp” do Báo Tiền Phong tổ chức mới đây.

Bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – cho biết NHNN đang trong quá trình lấy ý kiến các bên liên quan dự thảo thông tư mới quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Đối tượng áp dụng tại thông tư này gồm: TCTD, khách hàng của TCTD trên địa bàn 26 tỉnh, thành phố gặp khó khăn trong việc trả nợ do thiệt hại bởi bão số 3; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3 được thực hiện theo quy định tại thông tư này; các nội dung khác liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực hiện theo quy định tại các văn bản khác có liên quan.

Dự thảo thông tư đã được gửi đi lấy ý kiến các bên liên quan, NHNN sẽ tổng hợp các ký kiến trước ngày 3/10/2024.

Cùng với đó, NHNN sẽ phối hợp với Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng quyết định về khoanh nợ, thời gian khoanh nợ tối đa là 2 năm, nguồn lãi trả trong thời gian khoanh nợ sẽ do ngân sách địa phương bố trí. Trong trường hợp địa phương gặp khó khăn thì sẽ có báo cáo cụ thể để có chính sách hỗ trợ từ phía trung ương đến địa phương.

Sau khi có quyết định của Chính phủ và thông tư mới, NHNN cũng sẽ tiếp tục có những chỉ đạo, đôn đốc triển khai trên toàn hệ thống và khảo sát, đánh giá tại từng địa phương.

“Đây cũng là một phần trong kế hoạch hoạt động của ngành ngân hàng trong giải pháp giúp các địa phương, doanh nghiệp và người dân khắc phục hậu quả bão số 3”, bà Hà Thu Giang nói.

w athdtjyg 3939.jpg
Một cơ sở kinh doanh tại Hạ Long, Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra. (Ảnh: Phạm Công).

Đối với những khoản vay theo gói vay ưu đãi nông nghiệp, nông thôn, Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết đã có cơ chế đầy đủ từ trước đó, các TCTD sẽ vận dụng theo cơ chế để thực hiện.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 sửa đổi, bổ sung Nghị định 116 năm 2018, trong đó có quy định đầy đủ các chính sách về xử lý rủi ro trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh; TCTD chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hạ lãi vay cũng như cho vay mới để khách hàng có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết, không chỉ trong giai đoạn khó khăn hiện nay, ngay cả khi đất nước phải ứng phó với hậu quả do đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp phát triển kinh tế xã hội, điển hình như việc NHNN ban hành Thông tư 02 về cơ cấu nợ, chính sách đang được thực hiện một cách hiệu quả, có hiệu lực đến hết 31/12/2024.

Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc cho biết, NHCSXH cũng thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay đến hạn trả nợ (triển khai đối với các món vay phát sinh nợ đến hạn từ tháng 9/2024). Thời hạn thông thường tối đa là 12 tháng đối với các khoản cho vay ngắn hạn và tối đa 1/2 thời hạn cho vay đối với các khoản cho vay trung và dài hạn.

“Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vay vốn của các địa phương, NHCSXH sẽ xây dựng phương án bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, cân đối nguồn vốn thực hiện để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 10/2024. Dự kiến trình bổ sung khoảng 4.900 tỷ đồng”, Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận cho biết.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại 26 địa phương đã lên tới 65.000 tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO