Ca phẫu thuật đầu tiên thành công, cả bệnh viện như vỡ òa
Ngày 25.4.2024, Bệnh viện đa khoa Trung ương (ĐKTW) Cần Thơ đã tiến hành thực hiện ca ghép thận cùng huyết thống cho nam bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Bệnh nhân 34 tuổi, quê ở Bến Tre và nhận thận từ anh ruột của mình.
Ca phẫu thuật với sự tham gia của hơn 20 bác sĩ, phối hợp nhịp nhàng đồng bộ với sự hỗ trợ trực tiếp của PGS.TS.BS Thái Minh Sâm (Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh) và ê-kíp của Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 5 giờ phẫu thuật, ca ghép nối thận thành công trong sự mừng vui vỡ òa của ê-kíp cả 2 bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Trong buổi họp báo công bố về thành công của ca phẫu thuật tại Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ vào ngày 9.5, bà Phan Thị Minh Thu, mẹ của bệnh nhân không kìm được xúc động. Bà cho biết, hoàn cảnh gia đình không khá giả nên chỉ nghĩ điều trị được tới đâu thì hay tới đó, chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ có thể phẫu thuật cho con. Nhờ các bác sĩ tư vấn có chương trình ghép và được tài trợ một phần chi phí phẫu thuật, gia đình đã đăng ký ngay.
"Quá trình chuẩn bị và chờ đợi phẫu thuật, tôi rất hồi hộp. Đến khi con tỉnh trong khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, tôi rất mừng, rất vui sướng giống như con mình được sống lại. Tôi hy vọng các gia đình khác ở miền Tây, có người thân bị thận cũng sẽ may mắn như chúng tôi, được hỗ trợ, được tiếp cận điều trị để giảm đi nỗi lo vật chất, tinh thần", bà Thu bày tỏ.
Là thành viên trong ê-kíp phẫu thuật và đảm nhận khâu lấy thận từ người hiến, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Khoa (Phó trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ) thông tin: "Về mặt lấy thận, trên thực tế chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm, cá nhân tôi có 22 năm nhưng khó khăn nhất là mặt tâm lý, cả bác sĩ, bệnh nhân đều phải vượt qua.
Hiện tại, người hiến thận có vết sẹo nhỏ, không đau, 3 ngày sau mổ đã xuất viện. Riêng bệnh nhân nhận thận có sự phục hồi ngoạn mục, huyết áp ổn định, chức năng thận bình thường. Chúng tôi mừng cho bệnh nhân, bệnh viện và cho cả khu vực ĐBSCL".
Thêm cơ hội cho bệnh nhân miền Tây
Theo bác sĩ Nguyễn Phước Lộc (Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ), ca ghép thành công nhờ có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo, phối hợp đồng bộ của tất cả khâu.
"Các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá ê-kíp của chúng tôi rất tốt, khả năng sẽ được hỗ trợ thêm khoảng 10 ca nữa cho đến khi xác nhận có thể thực hiện độc lập. Như vậy, trong thời gian tới, dự kiến sẽ thành lập trung tâm ghép tạng ở Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ, trong đó ghép thận là chính. Đó là tin mừng cho bệnh nhân toàn khu vực" bác sĩ Lộc cho hay.
Được biết, hiện có thêm 3 cặp trường hợp khác đã đăng ký thực hiện các quy trình để hiến và ghép thận tại Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ. Các trường hợp này sẽ được tư vấn kỹ càng, đồng thời thực hiện các xét nghiệm sàng lọc, đánh giá khả năng phù hợp để xem xét chỉ định ghép thận trong thời gian tới.
Về quy trình đăng ký ghép thận, bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thanh Phong (Phó giám đốc Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ) thông tin, tại Bệnh viện có phòng khám tư vấn ghép thận, sẽ có đội ngũ tư vấn từ pháp lý đến chuyên môn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
"Tại nước ta, nhu cầu ghép tạng, đặc biệt ghép thận rất lớn, tuy nhiên nguồn hiến vẫn còn hạn chế và ở miền Tây cũng không ngoại lệ. Sau ca ghép thận thành công nói trên, hiện Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ đã trở thành trung tâm ghép thận thứ 26 tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng thông qua phương tiện truyền thông sẽ kêu gọi hiến tạng từ người chết não, giúp người có nhu cầu có cơ hội tiếp cận, điều trị tốt nhất ngay tại ĐBSCL", Phó giám đốc Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ chia sẻ.