Kazuki Matsumoto (tên thường gọi là Kiki), chàng trai đến từ Nhật Bản, là một trong những vị khách nước ngoài dành nhiều tình cảm với Việt Nam.
Trước kia, anh từng có thời gian làm việc tại nhà hàng, sinh sống ở Hàn Quốc 2 năm, rồi mới chuyển tới Việt Nam. "Nghề tay trái" của anh hiện là một blogger, chia sẻ nhiều trải nghiệm của mình ở vùng đất mới.
Chàng trai người Nhật từng tâm sự, anh sống ở Việt Nam khoảng 6 năm. Sau một khoảng thời gian không nhỏ gắn bó với mảnh đất hình chữ S, anh không biết mình đã dành tình yêu cho nơi này từ lúc nào.
"Ban đầu, tôi chỉ định sống ở Việt Nam 6 tháng rồi sẽ về quê. Nhưng 6 năm sống ở đây vui quá khiến tôi quyết định không về Nhật nữa. Tôi yêu mọi thứ ở đây, từng tự mình du lịch từ Bắc, Trung và Nam, thậm chí nghiện nhiều món ăn Việt", anh tâm sự.
Nhớ lại lần đầu tới Việt Nam du lịch, Kiki ngồi sau một chiếc xe máy công nghệ. Nhắm mắt lại và hít thở mọi thứ, anh nhận thấy "mình mê bầu không khí này quá", nên muốn dành thêm nhiều thời gian trải nghiệm cuộc sống. 6 năm trôi qua, Kiki cho biết những cảm nhận ban đầu "hoàn toàn đúng đắn" nên muốn gắn bó với nơi này lâu hơn nữa.
Trong lần trải nghiệm mới đây, Kiki muốn tới chợ Bến Thành để mua đồ và xem liệu có bị "hét giá" hay không.
Đây là một khu chợ nổi tiếng của thành phố, thu hút khách nước ngoài bên cạnh các di tích như Nhà thờ Đức Bà hay Bưu điện TPHCM. Chợ được xây từ năm 1912, hoàn thành vào cuối tháng 3/1914, đi vào hoạt động gần 110 năm. Chợ có diện tích khoảng 13.000m2 với tháp đồng hồ ở cửa chính, được nhiều người xem là biểu tượng của thành phố.
Vừa đi vào trong, lướt nhanh qua các sạp hàng, vị khách người Nhật nhanh chóng được các tiểu thương chào mời. Anh tới chợ vào thời điểm buổi trưa nên hầu hết các gian hàng bắt đầu nghỉ ngơi. Tuy nhiên vừa thấy khách đi qua, nhiều tiểu thương rất nhiệt tình hỏi han. Thậm chí, có người còn chào mời anh bằng tiếng Nhật và tiếng Anh khá thành thạo.
Ban đầu, anh ghé qua một cửa hàng chuyên bán áo phông. Chiếc áo được tiểu thương bán với giá 380.000 đồng và quy đổi luôn sang tiền Yên cho khách dễ mua.
Thấy Kiki còn chần chừ, người bán hàng nhanh chóng giảm giá, đưa ra con số "tốt hơn" để khách sớm chốt hàng. Tuy nhiên, do thấy chất lượng áo không đẹp lắm nên anh không mua nữa mà chuyển sang quầy khác. Mặc dù vậy, anh vẫn chào chủ quán bằng thái độ rất lịch sự và thân thiện.
Tại quầy túi xách và balo, Kiki ưng ý một chiếc balo nên hỏi giá người bán hàng. Cô gái báo giá 2,5 triệu đồng nhưng vẫn bảo khách "cứ trả giá thoải mái". Vị khách người Nhật thử đưa ra con số 1,4 triệu đồng xem thái độ người bán thế nào. Rất nhanh chóng, vị tiểu thương đồng ý bán cho anh với lý do "trông khách dễ thương quá".
Do không sẵn tiền mặt, Kiki định chuyển khoản thì người bán nài nỉ khách "bo" thêm 100.000 đồng vì "hôm nay là ngày sinh nhật của mình". Nam blogger vui vẻ đồng ý và thậm chí còn nói rằng sẽ "giới thiệu thêm để cửa tiệm đông khách".
Dù đã đi một quãng khá xa nhưng vị khách người Nhật vẫn bị tiểu thương ở quần bán áo ban đầu chạy ra mời gọi và hứa giảm giá xuống còn 150.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên vì không có nhu cầu nên anh lịch sự từ chối.
Đến quầy bán quần short, chủ hàng nói giá 320.000 đồng, anh trả giá 100.000 đồng và vẫn được "chốt đơn". Người bán còn mời chào khách mua thêm áo phông cùng một vài món hàng khác.
"Cảm ơn chị đã giảm giá cho em", Kiki thân thiện nói với người bán hàng.
Điểm dừng chân cuối cùng, vị khách Nhật muốn tìm mua đôi tất chân. Anh tỏ ra rất sốc khi cô gái bán 3 đôi tất với giá 700.000 đồng và liên tục hỏi xác nhận xem nghe có chuẩn không. Thấy thái độ của khách, người bán đưa ra lý do "chất lượng tất rất tốt nên giá cao".
Dù được tiểu thương hỏi muốn mua giá bao nhiêu, nhưng con số 700.000 đồng quá cao nên Kiki bối rối không biết "trả giá nào mới đúng".
"Thế 150.000 đồng 3 cái nhé", người bán hàng chủ động hạ giá và nài nỉ.
Tuy nhiên, nam blogger "vẫn chưa hết sốc" nên quyết định "trốn luôn" và không mua bán gì nữa.
"Mình chuồn thôi. Dù biết là người kinh doanh, nhưng họ nâng giá lên gấp 5, 10 lần thì hơi quá. Như chiếc balo lúc nãy, giá có thể đã tăng 2 lần nhưng còn chấp nhận được", vị khách người Nhật nhận xét.
Cuối cùng, anh ra về với những món đồ đã mua được, nhưng vẫn thiếu tất chân. Với chuyến đi này, anh nhận thấy "hơi đáng tiếc vì bị chặt chém", nhưng cho rằng "đó là một phần cuộc sống ở Việt Nam".
"Mệnh giá tiền Việt có nhiều con số 0 nên dễ khiến khách nước ngoài bối rối. Chắc các tiểu thương nghĩ thế nên mới thản nhiên tăng thêm một số 0 khi báo giá tiền cho khách. Bởi vậy, nếu mua hàng ở những nơi không niêm yết giá rõ ràng, khách cần cẩn thận nhé", Kiki đưa ra lời khuyên.