Dự báo dịch tay chân miệng đến Tết vẫn không giảm, bác sĩ đưa ra lời khuyên

YẾN PHƯƠNG| 19/11/2023 17:41

Theo Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng - Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, đợt dịch tay chân miệng năm nay với tác nhân gây bệnh chính là chủng virus EV71 - chủng virus gây bệnh độc nhất. Dự báo từ đây đến Tết, lượng bệnh vẫn không thuyên giảm.

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng - Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết, đối với những năm trước, dịch tay chân miệng chỉ bùng phát trong khoảng 2 tháng rồi ngưng, ví dụ từ tháng 3 - 5, hoặc từ tháng 9 - 12. Tuy nhiên, đợt dịch này lại bùng phát liên tục và kéo từ tháng 5 cho tới nay vẫn chưa dứt.

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, bệnh nhi mắc tay chân miệng nằm chen chúc ở hành lang. Ảnh: Mỹ Ly
Tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, bệnh nhi mắc tay chân miệng nằm chen chúc ở hành lang. Ảnh: Mỹ Ly

Cùng với đó, lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng cao, gấp 3 lần so với lúc mới bùng dịch. Từ khoảng tháng 10 đến nay, lúc nào tại Khoa Nhiễm của bệnh viện cũng có từ trên 200 bệnh nhi đang điều trị nội trú, thậm chí có ngày lên đến trên 300 bệnh nhi.

“Đáng nói, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng sẽ giảm xuống. Dự là từ đây đến Tết, lượng bệnh vẫn sẽ dao động ở mức này chứ không thể thuyên giảm”, bác sĩ Dũng thông tin.

Ảnh: Mỹ Ly
Dấu hiệu về dịch tay chân miệng mơ hồ, diễn biến nhanh và tỉ lệ bệnh nặng cao. Ảnh: Mỹ Ly

Theo bác sĩ Dũng, đợt dịch năm nay với tác nhân gây bệnh chính là chủng virus EV71, đây là chủng virus gây bệnh độc nhất. Những dấu hiệu về dịch tay chân miệng rất mơ hồ, diễn biến nhanh và tỉ lệ bệnh nặng cao.

“Có một số trường hợp điều trị tại Khoa Nhiễm, trẻ chỉ sốt nhẹ, nổi một vài bóng nước trong họng hoặc trong lòng bàn tay. Thậm chí có những ca không nổi bóng nước, nhưng chỉ trong thời gian khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ là chuyển biến nặng, từ mức độ 1 có thể lên nhanh tới mức độ 3, 4. Vậy nên không thể lường trước được”, bác sĩ Dũng nói.

Bên cạnh đó, thông thường bệnh tay chân miệng diễn biến trong vòng 7 ngày kể từ khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, với chủng virus EV71, trẻ mắc bệnh phải qua 10 ngày mới được xem là an toàn. Một số trường hợp, trẻ mắc bệnh khoảng 7 - 8 ngày nhưng vẫn có thể chuyển sang độ nặng.

Ảnh: Mỹ Ly
Nếu nghi ngờ thì nên đưa bé vào bệnh viện để bác sĩ khám và định mức độ. Ảnh: Mỹ Ly

Do đó, bác sĩ Dũng cũng đưa ra lời khuyên đến các phụ huynh, nếu nghi ngờ con mình bị tay chân miệng, phát hiện có nổi bóng nước trong lòng bàn tay, bàn chân thì nên đưa bé đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và định mức độ.

“Bởi đợt dịch này chuyển biến rất bất thường và âm thầm, vậy nên phải là những người có chuyên môn như các y bác sĩ mới có thể nhận biết được. Còn với người bình thường không am hiểu về chuyên môn thì sẽ khó theo dõi, đến khi phát hiện độ nặng mới đưa bé đến cơ sở y tế thì đã trễ rồi. Vì vậy, tốt nhất là nên đưa bé vào bệnh viện nằm để bác sĩ theo sát chặt chẽ”, bác sĩ Dũng khuyên.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dự báo dịch tay chân miệng đến Tết vẫn không giảm, bác sĩ đưa ra lời khuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO