Đóng bảo hiểm xã hội hơn 31 năm, lương hưu hàng tháng tính thế nào?

Minh Hương| 08/06/2022 08:30

Bà Hoàng Anh hỏi: Tôi là giáo viên nữ, tháng 7.2022, tôi sẽ nghỉ hưu, tôi đóng bảo hiểm xã hội được 31 năm 3 tháng. Vậy tôi được hưởng lương hưu hằng tháng bao nhiêu phần trăm?

Về vấn đề này, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời - Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về mức lương hưu hàng tháng như sau:

2. Từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Khoản 2 Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc về mức lương hưởng lương hưu như sau:

2. Khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu trường hợp thời gian đóng đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm; từ 7 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

Như vậy, phần trăm lương hưu của bà được tính như sau:

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 31 năm 3 tháng, số tháng lẻ 3 tháng được tính là nửa năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội được tính lương hưu là 31,5 năm.

15 năm đầu tính bằng 45%.

Từ năm thứ 16 đến năm thứ 31,5 là 16,5 năm, tính thêm: 16,5 x 2% = 33 %.

Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45% + 33% = 78%. Theo quy định, mức tối đa mà người lao động được hưởng là 75% nên phần trăm lương lưu hàng tháng của bà sẽ là 75%.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đóng bảo hiểm xã hội hơn 31 năm, lương hưu hàng tháng tính thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO