Hơn 12 năm canh tác tại mảnh đất này, lần đầu tiên chị Vi Thị Hậu (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) chứng kiến sự bất thường của địa chất.
Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 6/10, chị Hậu cho biết, tình trạng sạt trượt bắt đầu có dấu hiệu từ 10 ngày trước. Sau mỗi đêm, các vết nứt ngày càng mở rộng khiến gia đình chị lo lắng, loay hoay không biết xử lý ra sao.
Khoảng 3 ngày trở lại đây, tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng, có một số đoạn sụt lún sâu từ 1m đến 2m.
Nhiều cây sầu riêng và cả hồ tiêu trên đồi đất sản xuất của người dân đổ nghiêng ngả, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Chị Hậu lo lắng: "Cả nhà chỉ trông chờ vào mảnh đất này. Hiện nay nhiều cây sầu riêng đã cho thu hoạch 7-8 năm, một số cây năm nay mới cho thu chính nên khi xảy ra tình trạng sạt trượt, chúng tôi rất lo sợ".
Tại hiện trường, phóng viên ghi nhận hàng loạt vết nứt lớn nhỏ trên mặt đất, có vị trí đất sụt lún sâu hơn 1,5m, gây thiệt hại về hoa màu. Đặc biệt, do ảnh hưởng của khối đất sạt trượt nên hệ thống nước tưới ngầm bị đẩy lên khỏi mặt đất, nhiều đoạn bị biến dạng.
Ngoài phần đất rẫy của chị Hậu, 2 hộ dân khác có đất liền kề cũng bị sụt lún nghiêm trọng. Trên bề mặt đất xuất hiện rất nhiều vết nứt, kéo dài trên diện tích khoảng 9 hecta.
Theo ghi nhận, tình trạng sụt lún đã khiến 2 công trình nhà ở của người dân có tổng diện tích khoảng 140m2 bị hư hại. Tuyến đường bê tông dẫn từ đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê vào trong nhà của người dân (dài khoảng 300m) bị hư hỏng, biến dạng nhiều đoạn.
Dù chưa thống kê cụ thể nhưng UBND xã Nhân Cơ ước tính con số thiệt hại không nhỏ. Để bảo đảm an toàn, chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân sinh sống trong khu vực sụt lún di dời đến nơi ở mới.
Ông Lê Đình Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ, cho biết sau khi xảy ra sự cố, cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức kiểm tra, đo đạc các vết nứt.
"Để bảo đảm an toàn cho người dân, địa phương rất mong tỉnh Đắk Nông và huyện Đắk R'lấp mời chuyên gia để đánh giá nguyên nhân và có giải pháp khắc phục", ông Khánh nói.
Theo tìm hiểu, khu vực xảy ra các hiện tượng địa chất bất thường nằm ngay tại khu vực thi công tuyến đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê (dự án tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng).
Chính quyền địa phương lo lắng tình trạng sạt trượt diễn ra như hiện tại sẽ ảnh hưởng tới việc thi công và chất lượng tuyến đường.
Trong thời gian vừa qua, tình trạng sạt, trượt xảy ra ở nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tại các nơi có địa hình đồi dốc, khu vực đất sản xuất nông nghiệp của người dân.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, người dân cũng cần chủ động phòng chống, nhận biết các dấu hiệu bất thường của địa chất để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.