Chiến thắng pháp lý và chính trị
Tuần đầu tiên mãn nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump dường như đã kết thúc tốt đẹp ở Quốc hội. Hôm 26/1, chỉ có 5 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối việc tuyên bố luận tội một cựu Tổng thống là vi hiến, trong khi đó đảng Dân chủ sẽ cần ít nhất 17 phiếu của đảng Cộng hòa để kết tội ông Trump tại Thượng viện.
"Ông ấy rất hài lòng, bởi vì ông ấy cũng nghĩ điều đó không công bằng và vi hiến, và ông ấy biết điều đó có nghĩa là mình ít có cơ hội bị kết án", một người bạn thân của Trump cho biết, theo Newsweek.
Giờ đây, "công dân Trump" cảm thấy tự tin rằng mình sẽ có trong tay cả một chiến thắng về mặt pháp lý và chính trị.
Trong bối cảnh hiện tại, cựu Tổng thống đang giải quyết hai bài toán: làm thế nào để đối phó với phiên tòa ở Thượng viện sắp tới và làm thế nào để duy trì ảnh hưởng chính trị của mình tới 4 năm sau. Ông nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các thành viên trong gia đình, bạn bè và các cố vấn.
Luật sư riêng của Trump, Rudy Giuliani, cựu chiến lược gia chính trị Nhà Trắng Steve Bannon, và một số người khác đang muốn ông không chỉ bảo vệ mình trước cáo buộc cho rằng ông đã kích động cuộc bạo loạn ngày 6/1, mà còn sử dụng chính phiên tòa Thượng viện như một cơ hội để nhắc lại các cáo buộc về gian lận bầu cử. "Hãy cho mọi người xem hóa đơn", là cách Bannon nói, ám chỉ những bằng chứng gian lận mà nhóm Trump tuyên bố có.
Những người ủng hộ cách tiếp cận gây chiến này đã tăng khi Trump hoàn thiện đội ngũ pháp lý cho phiên tòa. Luật sư Butch Bowers của Nam Carolina, một chuyên gia về luật bầu cử, đã được giới thiệu cho ông Trump.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, nhóm luật sư do Bowers dẫn đầu đã rút lui khỏi việc biện hộ cho ông Trump, do không thống nhất được chiến lược biện hộ.
Trong khi đó, con gái Ivanka và con rể Jared Kushner của cựu Tổng thống, cùng với bạn bè và một số cố vấn không chính thức, phản đối mạnh mẽ cách tiếp cận trên. Họ tin rằng nó sẽ làm tồi tệ thêm hình ảnh về đám đông những người ủng hộ Trump, những người đã tụ tập ở Washington cho cuộc biểu tình "ngăn chặn đánh cắp cuộc bầu cử".
Nhóm này tin rằng có nhiều cách khác — và còn nhiều thời gian — để theo đuổi vấn đề cải cách luật bầu cử trong tương lai, và họ đang thúc giục cựu Tổng thống dẫn đầu động thái hướng tới điều này.
Theo nhóm này, trong khi chờ đợi, ông Trump nên cố gắng tranh luận về mặt pháp lý liệu Thượng viện có thể thực sự xét xử một Tổng thống đã rời nhiệm sở hay không. Và sau đó ông chỉ đơn giản là nên đối đầu với những người muốn luận tội tại Thượng viện, nhấn mạnh việc ông chưa bao giờ xúi giục những người ủng hộ mình gây ra bạo lực.
Nhóm pháp lý của ông sẽ chỉ ra - như những người ủng hộ khác đã nêu - rằng ông muốn mọi người tuần hành "một cách hòa bình và yêu nước" tới Điện Capitol để phản đối việc chứng nhận số phiếu đại cử tri đoàn.
Theo dự đoán của nhóm này, không có cách nào đảng Dân chủ có đủ 17 phiếu bầu của Đảng Cộng hòa để Trump bị kết tội. Thượng nghị sĩ Rand Paul, người đề nghị tuyên bố phiên tòa là vi hiến cho biết: “Phiên tòa luận tội đã kết thúc ngay khi bắt đầu".
Người bạn ở Palm Beach của Trump nói thêm: "Tổng thống sẽ lại được trắng án và sau đó ông ấy sẽ sử dụng hai lần trắng án của mình như một huy hiệu danh dự với những người ủng hộ".
Chọn người kế thừa tranh cử?
Sau đó thì sao? Trước ngày 6/1, Trump có nhiều khả năng nghĩ đến chuyện tái tranh cử vào năm 2024, sử dụng chủ đề "cuộc bầu cử bị đánh cắp" làm điểm khởi đầu cho chiến dịch mới. Song, cuộc bạo động ở Capitol và những hệ lụy chính trị có thể đã khiến ông phải suy nghĩ lại.
Khi được hỏi về kế hoạch cho năm 2024 là gì, cựu Tổng thống trả lời đầy "bí hiểm", giống như trong bài phát biểu chia tay của ông: "Chúng tôi sẽ trở lại bằng cách nào đó".
Trump đang cân nhắc nhiều khả năng, trong đó có việc trao "chủ nghĩa Trump" cho người khác, theo hai người bạn của ông. "Nếu ông ấy không tranh cử, ông ấy cũng có thể dành sự ủng hộ cho một người giống như người thừa kế của Trump", người bạn nói.
Cho đến gần đây, một cái tên thường xuyên xuất hiện là cựu Thống đốc Nam Carolina và cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. Tuy nhiên, cựu Tổng thống được cho là đã tức giận khi bà Haley xuất hiện trên chương trình truyền hình của Laura Ingraham vào cuối tháng 1, chỉ trích ông vì các sự kiện xảy ra ở Quốc hội và nỗ lực "lật kèo" kết quả bầu cử trong hai tháng trước đó. Ông Trump có thể coi đây là hành động không trung thành và không còn ủng hộ Haley trong tương lai.
Trong khi đó, Thống đốc trẻ tuổi của Florida, Ron DeSantis, được xem là khá giống Trump ở một số điểm như nóng nảy với báo chí, ủng hộ việc giữ cho nền kinh tế mở cửa trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, cũng còn quá sớm để chắn chắn ông Trump sẽ đứng sau cái tên này trong năm 2024.
Đối với ý tưởng tái tranh cử, những người ủng hộ chỉ ra một cuộc thăm dò gần đây của NBC News cho thấy 87% cử tri Cộng hòa vẫn đang ủng hộ Tổng thống Mỹ thứ 45, ngay cả sau ngày 6/1. Họ phủ nhận việc "thương hiệu" của ông đã bị tổn hại.
Ngoài ra, xung quanh việc làm gì hậu nhiệm kỳ, một số cố vấn muốn Trump tập trung vào việc khiến các cơ quan lập pháp bang do đảng Cộng hòa kiểm soát đảm bảo những thay đổi luật bầu cử do đại dịch gây ra sẽ không được hệ thống hóa trong tương lai — đặc biệt là việc sử dụng rộng rãi các lá phiếu gửi qua thư. Nhưng tính khả thi của ý tưởng này không được đánh giá cao.
Một số bạn bè suy đoán rằng ông có thể cố gắng thành lập một công ty truyền thông — có thể là một công ty truyền thông xã hội để cạnh tranh với Facebook và Twitter, nhưng đây cũng được coi là một kịch bản "nói dễ hơn làm".