"Ngoại Hoa" là cái tên thân mật mà Nguyễn Phan Thanh Phượng (25 tuổi) gọi cụ bà bán bột chiên gần 33 năm ở TPHCM. Chồng qua đời, bà một mình xoay xở với xe bột chiên, lo cho đứa cháu chỉ mới 11 tuổi đi học. Qua tháng năm, biển hiệu xe bột chiên của bà đã sờn cũ, rỉ sét, lại nằm khuất trong góc đường.
Tuần trước, Phượng cùng bạn mình là anh Nguyễn Phú Thịnh (29 tuổi) mang vác màu nước, lọ sơn, cọ vẽ… đến để làm mới lại biển hiệu. Đoạn video ghi lại hành động đẹp của cả hai đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, hiện có khoảng 15 triệu lượt xem trên nền tảng TikTok.
"May mắn mọi người yêu thích tác phẩm, chia sẻ rộng rãi nên bây giờ ngoại bán chạy hàng và về sớm nghỉ ngơi. Khi tụi mình vẽ xong bà rất vui, bà bảo cả đêm đó không ngủ được", Phượng hạnh phúc nói.
Phượng và Thịnh hiện sinh sống tại TPHCM, làm việc trong lĩnh vực mỹ thuật, truyền thông. Cả hai đã thực hiện dự án nho nhỏ mang tên Vẽ hạnh phúc, rong ruổi khắp con đường, ngõ hẻm để tìm những người bán hàng rong và giúp họ vẽ lại biển hiệu.
Phượng kể, ý tưởng này đến khi cả hai đi ngoài phố, thấy rất nhiều xe buôn bán hàng rong của các ông bà, cô chú lớn tuổi, các trường hợp tàn tật không có bảng hiệu hoặc bảng hiệu rất cũ kỹ, mờ nhạt.
"Chúng mình thấy các tấm biển rất khó đọc và không biết xe đó đang bán món gì để ủng hộ. Những xe hàng này đa số là của các cô chú, anh chị có hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày chỉ kiếm được từ 100.000-200.000 đồng. Mình và Thịnh đều nghĩ rằng, việc đặt làm mới tấm biển hiệu sẽ có phần khó khăn đối với các hoàn cảnh đó nên muốn giúp đỡ", cô gái 25 tuổi chia sẻ.
Có ngày, cả hai đã chạy xe suốt 3-4 tiếng để tìm đối tượng cần giúp đỡ. Với những chiếc xe hàng rong đã xuống cấp, dơ hay sơn bong tróc, Phượng buộc phải dành ra thời gian để vệ sinh, đảm bảo sơn trên bề mặt sẽ bền và sử dụng lâu dài.
Thịnh nhớ lại, vào những ngày mà anh gần như "cạn kiệt" năng lượng do di chuyển nhiều, sự niềm nở của những người bán hàng rong đã khiến anh có thêm động lực.
Cụ thể, cả hai đã gặp bà Yến, một người phụ nữ phải buôn bán mưu sinh từ sáng đến khuya nhưng vẫn luôn cười nói vui vẻ. Thịnh thay miếng bìa cũ rách thấm nước mưa của bà Yến thành tấm biển chắc chắn, được trang trí sinh động.
Cũng trong hành trình này, đôi bạn đã nhiều lần rưng rưng xúc động trước những hoàn cảnh khó khăn. Đó là em Thái Hoàng (21 tuổi) bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam nên trí tuệ như cậu nhóc 3-4 tuổi.
Hoàng và mẹ mình mưu sinh trên đường phố quận 1. Lúc nhóm Phượng đến, Hoàng len lén nhìn theo. Khi biển quảng cáo dần hoàn thành, Hoàng ngắm nghía các màu sắc, đường nét thật lâu rồi giơ ngón tay lên tỏ ý thích thú. Và dù cuộc sống có bao khó nhọc, mẹ Hoàng vẫn đưa em đến trường, yêu em như báu vật trên đời.
"Em ấy không hoàn hảo nhưng là tất cả với mẹ. Có bao nhiêu hy vọng, ước mơ cô ấy đã gửi hết vào con", Phượng xúc động nhớ lại.
Bất kể nắng mưa, sớm tối, Phượng và Thịnh luôn cố gắng hoàn thành các biển hiệu một cách tỉ mỉ, chỉn chu nhất. Sau tất cả, những gì cả hai có được chính là niềm hạnh phúc của người nhận.
Thịnh cho biết: "Mình thấy đa số các ông bà, cô chú thường cười rất tươi. Dù cùng là nụ cười nhưng mỗi chuyến đi gặp gỡ thì nụ cười đó lại là một niềm hạnh phúc khác nhau, mang những giá trị khác nhau".
Thông qua những video Vẽ hạnh phúc, cả hai muốn lan tỏa thông điệp tích cực về niềm tin, sự cảm thông và lạc quan. Đôi bạn hy vọng rằng, nếu ai đó xem được những khoảnh khắc xúc động này, họ sẽ mở lòng yêu thương nhiều hơn, tạo nên nhiều những giá trị nhân văn cao đẹp hơn nữa.