Độc đáo lễ Làu Khà của người Thái ở Nghệ An

Nguyễn Phê| 10/11/2023 10:46

Vào tháng 9 Âm lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Thái, ở bản Đồng Kho - Đồng Thờ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) lại làm lễ Làu Khà.

Theo các bậc cao niên tại địa phương, trong lễ Làu Khà những người có uy tín trong dòng họ làm một mâm cơm với đầy đủ sản vật của mình làm ra; còn con cháu đan giỏ bằng tre, nứa, cài lông gà.

Khi mọi thứ xong xuôi, các bậc cao niên tiến hành làm lễ với tổ tiên, chuyển ý nguyện của người dân lên cho Ngọc Hoàng với mong ước mưa thuận, gió hòa, ăn nên làm ra, mùa màng tốt tươi, con cái đầm ấm...

Độc đáo lễ Làu Khà của người Thái ở Nghệ An - 1

Người Thái ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An chuẩn bị những tấm phên nứa có cài lông gà để làm lễ cúng (Ảnh: Nguyễn Phê).

Ông Lô Văn Đức (70 tuổi, trú ở bản Đồng Kho - Đồng Thờ, xã Nghĩa Dũng), cho biết nghi lễ được truyền lại từ đời cha ông. Lễ được hiểu đơn giản là con cháu họ làm mâm cơm, sắm đồ để tổ tiên mình lên trời làm nhà cho Ngọc Hoàng.

Theo truyền thuyết, vào ngày 9/9 Âm lịch, người đầu tiên của dòng họ Lô qua đời lên thiên đàng đúng ngày Ngọc Hoàng đang xây dựng cung đình. Vì người họ Lô lên không mang theo đồ đạc gì nên Ngọc Hoàng đã cho trở về hạ giới để lấy tre, gỗ lên xây nhà.

Độc đáo lễ Làu Khà của người Thái ở Nghệ An - 2

Ông Lô Văn Đức ngồi khấn làm mâm cơm cho ông bà tổ tiên dịp lễ Làu Khà (Ảnh: Nguyễn Phê).

Người cha kể lại việc trở về lấy gỗ lên làm nhà cho Ngọc Hoàng, người con mới nói với cha rằng cứ đến mùng 9/9 Âm lịch hằng năm sẽ làm mâm cơm, kiếm những cây tre để cha lên trời làm nhà cho Ngọc Hoàng.

Kể từ đó, cứ đến ngày 9/9 Âm lịch, con cháu họ Lô lại làm mâm cơm, kiếm tre làm lễ Làu Khà.

Trong ngày làm lễ Làu Khà, con cháu trong nhà sẽ tập trung làm mâm cơm. Đặc biệt phải đan tấm phên nhỏ bằng tre, nứa có cài lông gà xung quanh. Ngoài ra còn chặt thêm một ít cây nứa, gói thêm ít gạo, tiền để trong đôi quang gánh nhỏ.

Độc đáo lễ Làu Khà của người Thái ở Nghệ An - 3

Sau bữa cơm trưa, ông Đức mang đôi quang gánh có chứa thức ăn, cây tre treo ở ngoài vườn (Ảnh: Nguyễn Phê).

Ông Lô Văn Tú (64 tuổi) cho biết, đôi quang gánh chứa ít cây tre để tổ tiên đưa lên làm nhà cho Ngọc Hoàng; còn thức ăn và tiền đem đi đường, đói khát thì nghỉ chân ăn uống.

Sau khi gia đình ăn uống xong thì đôi quang gánh này sẽ được treo ở một góc nào đó trong nhà hoặc đem ra vườn. Cột nhà sẽ treo tấm phên nhỏ cài lông gà để báo hiệu rằng ông bà tổ tiên đã lên trời.

Độc đáo lễ Làu Khà của người Thái ở Nghệ An - 4

Việc treo tấm phên nứa có cài lông gà lên cột nhà có ý thông báo rằng ông bà tổ tiên đã đi lên trời (Ảnh: Nguyễn Phê).

"Trong vòng một tháng (từ 9/9 đến 9/10 Âm lịch), những gia đình nào làm lễ Làu Khà sẽ không được xây dựng bất cứ công trình nào như nhà cửa, chuồng trại. Còn công việc mưu sinh hằng ngàyvẫn diễn ra bình thường", ông Lô Văn Tú chia sẻ.

Ông Lô Văn Pháp (38 tuổi, Trưởng bản Đồng Kho - Đồng Thờ), cho biết, bản có hơn 350 hộ. Hằng năm trong bản có khoảng 70 hộ họ Lô làm lễ Làu Khà. Các gia đình thường mời anh em, bạn bè đến nhà ăn uống hát hò dịp lễ Làu Khà thắt chặt thêm tình cảm anh em, hàng xóm láng giềng.

Ông Hoàng Xuân Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Kỳ, cho biết, lễ Làu Khà đã được biết đến từ lâu của đồng bào dân tộc Thái ở xã Nghĩa Dũng. Lễ là dịp để con cháu nhớ về tổ tiên, đồng thời cũng là ngày anh em, hàng xóm gặp gỡ ăn uống, thăm hỏi lẫn nhau.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/van-hoa/doc-dao-le-lau-kha-cua-nguoi-thai-o-nghe-an-20231109150400350.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/van-hoa/doc-dao-le-lau-kha-cua-nguoi-thai-o-nghe-an-20231109150400350.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo lễ Làu Khà của người Thái ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO