Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã có ý kiến chỉ đạo Công ty TNHH điện lực Jaks Hải Dương (Công ty Jaks Hải Dương, địa chỉ ở Kinh Môn, Hải Dương) tạm dừng hoạt động chuyển giao chất thải tro, xỉ bằng đường thủy.
Việc tạm dừng này để công ty khắc phục tình trạng bụi phát tán gây ô nhiễm môi trường khi chuyển tải tro, xỉ xuống tàu tại các cảng.
Tuy nhiên, ngày 31/8, UBND xã Lê Ninh (Kinh Môn, Hải Dương) cho biết, đơn vị có nhận được phản ánh về việc Công ty cổ phần Đông Hải 27/7 (đơn vị đối tác của Công ty Jaks Hải Dương) vẫn thực hiện vận chuyển, tiêu thụ tro, xỉ bằng đường thủy.
Sau khi nhận được phản ánh, UBND xã Lê Ninh đã trao đổi với Công ty Đông Hải 27/7 về nội dung trên. Phía công ty trình bày chưa nhận được văn bản nào từ Công ty Jaks Hải Dương chỉ đạo phải dừng hoạt động.
Để đảm bảo công tác quản lý và chấp hành nghiêm kết luận, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, UBND xã Lê Ninh đề nghị các công ty, lực lượng công an xã, cơ sở thôn, phối hợp thực hiện tốt một số nội dung.
Đề nghị Công ty TNHH điện lực Jaks Hải Dương, Công ty Đông Hải 27/7 chấp hành nghiêm tạm dừng hoạt động vận chuyển tro, xỉ, để giải quyết khắc phục hậu quả cho đến khi có thông báo kết luận hoặc có văn bản cho phép hoạt động trở lại.
Trong văn bản gửi Công ty TNHH điện lực Jaks Hải Dương do ông Đỗ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương ký nêu rõ: Yêu cầu công ty chấp hành nghiêm việc tạm dừng hoạt động chuyển giao chất tro, xỉ để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Giải thích về sự việc trên, đại diện Công ty TNHH điện lực Jaks Hải Dương cho biết, trước đây, việc vận chuyển, tiêu thụ tro, xỉ của nhà máy do một đơn vị là Công ty Đông Hải 27/7 thực hiện.
Đến năm 2023, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương về việc vận chuyển, tiêu thụ tro xỉ phải có từ 2 đơn vị trở lên. Do đó, phía công ty đã ký hợp đồng thực hiện công việc này với Công ty cổ phần Thương mại và Công nghiệp Cẩm Phả (Công ty Cẩm Phả).
Quá trình hoạt động sản xuất của nhà máy, tro, xỉ sẽ thải ra qua 6 silo. Từ những silo này, tro, xỉ được vận chuyển bằng băng tải dài hơn 4km (2 chiều) ra bãi tập kết cách đó hơn 2km. Tại bãi tập kết này, Công ty Đông Hải 27/7 sẽ vận chuyển tro, xỉ bằng ô tô ra cảng của công ty này đổ xuống tàu mang đi tiêu thụ.
Còn Công ty Cẩm Phả lấy tro, xỉ từ đáy silo trong nhà máy, rồi dùng ô tô chuyển ra cảng của Công ty Jaks Hải Dương để đưa xuống tàu mang đi tiêu thụ.
Ngoài ra, trong trường hợp hệ thống băng tải gặp sự cố, Công ty Đông Hải 27/7 cũng được phép lấy tro, xỉ trực tiếp từ các silo để chuyển ra cảng mang đi tiêu thụ.
Trong công đoạn đổ tro, xỉ từ ô tô xuống các tàu tại các cảng của 2 công ty trên đều phát sinh bụi, gây ô nhiễm môi trường.
Phía Công ty Jaks Hải Dương khẳng định, việc chuyển giao vận chuyển, tiêu thụ tro, xỉ của công ty là được phép và thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ tro, xỉ của 2 công ty đối tác phải đảm bảo an toàn cho môi trường.
Trước yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Công ty Jaks Hải Dương đã tạm dừng hoạt động chuyển giao vận chuyển tro, xỉ bằng cả đường thủy và đường bộ.
Công ty Jaks Hải Dương khẳng định, khi làm việc về nội dung trên với lãnh đạo thị xã Kinh Môn, công ty đã yêu cầu 2 công ty đối tác dừng hoạt động vận chuyển, tiêu thụ tro, xỉ.
"Theo hợp đồng BOT chúng tôi ký với Bộ Công thương, thì công ty có quy hoạch bãi tập kết tro, xỉ thứ 2. Nhưng hiện nay để bố trí quỹ đất cho bãi tro, xỉ thứ 2 rất khó. Bộ Công thương có chỉ đạo công ty tìm mọi cách tiêu thụ nhiều nhất có thể tro, xỉ để không phải làm bãi thải tro, xỉ thứ 2. Đó chính là lý do chúng tôi ký thêm với Công ty Cẩm Phả thực hiện vận chuyển tiêu thụ tro, xỉ", đại diện Công ty Jaks Hải Dương thông tin.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Công ty Cẩm Phả đã tạm dừng hoạt động vận chuyển, tiêu thụ tro, xỉ. Công ty này đang hoàn thiện đề án, nhập thiết bị về để khắc phục tình trạng ô nhiễm, sau đó sẽ báo cáo UBND tỉnh Hải Dương.
Công ty TNHH điện lực Jaks Hải Dương là chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương (Kinh Môn, Hải Dương) với tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD. Nhà máy được khởi công xây dựng từ năm 2011, với diện tích gần 200ha tại xã Quang Thành (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).
Nhà máy có 2 tổ máy phát điện được đưa vào hoạt động phát điện thương mại với công suất phát điện 1120MW, sử dụng nguyên liệu đốt là than.
Trước đó, Tập đoàn Jaks Resources Berhad của Malaysia đã hợp tác với đối tác mới là Tập đoàn tư vấn công trình điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group - CPECC) trong dự án liên doanh xây dựng nhà máy nhiệt điện tại tỉnh Hải Dương.