Sáng 26/9, một nhóm khoảng 10 người đi xe đạp di chuyển vào làn cao tốc Võ Nguyên Giáp, hướng từ sân bay Nội Bài đi cầu Nhật Tân (Hà Nội) và va chạm với một ô tô đi cùng chiều. Khi bị tài xế nhắc nhở, nhóm người này hô nhau quây kín ô tô rồi đe dọa, xúc phạm người lái xe. Sự việc khiến tuyến đường Võ Nguyên Giáp ùn tắc.
Chuyện người đi xe đạp di chuyển vào tuyến đường này không phải lần đầu xảy ra. Tuy nhiên, việc những người này có hành vi gây rối, cản trở giao thông, đe dọa những người tham gia giao thông khác là điều hiếm gặp.
Sau khi sự việc được đăng tải trên mạng xã hội và các kênh thông tin khác, nhiều người tỏ rõ sự bất bình và yêu cầu xử lý nghiêm hành vi vi phạm của nhóm người này.
"Đề nghị các cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm. Nếu là công chức Nhà nước thì gửi giấy về cơ quan để yêu cầu kỷ luật Đảng. Tôi nghĩ những người này là người có tiền, có học thức, nhưng lại thể hiện thái độ coi thường pháp luật. Đây là hành vi cố tình vi phạm pháp luật, coi thường sự an toàn, mạng sống của chính họ và những người khác", độc giả Anh Duc bức xúc.
Có chung cảm nhận, tài khoản Ly Nguyen viết: "Thái độ coi thường pháp luật, xem thường sự an toàn giao thông, vô ý thức, cần phải xử lý mạnh tay".
Còn với độc giả Dung Nguyen Trung, dù là một người có thói quen đạp xe tập thể dục nhưng anh cũng tỏ rõ sự bất bình với hành vi của những người này. "Mình cũng thi thoảng đạp xe tập thể dục, nhưng không thể tùy tiện và vô ý thức như những người này. Các vị cho rằng sáng sớm ít người, không ảnh hưởng giao thông, nhưng rất nguy hiểm.
Nếu một lái xe nào đó buồn ngủ, đánh lái vào thì sao? Lúc đó lại than là đen đủi, có khi lại quen thói xe bé bắt đền xe to trong khi mình vi phạm giao thông rõ ràng. Lời khuyên cho các ông là hãy tự giác, có ý thức, tự bảo vệ mình trước khi muộn và ngộ nhỡ nhé".
"Cần khởi tố hành vi gây rối trật tự công cộng. Vi phạm pháp luật trắng trợn còn uy hiếp người khác", "Chắc cần có một vụ xử ở tòa làm gương thì ý thức mới tốt lên được", "Cái này gọi là gây rối trật tự công cộng, đủ căn cứ để xử lý hình sự rồi còn gì",... nhiều độc giả khác cũng bày tỏ sự bất bình, đề nghị xem xét xử lý hình sự nhằm răn đe, tránh những sự việc tương tự tiếp tục xảy ra.
Có cơ sở để xử lý hình sự hay không?
Giải đáp thắc mắc của nhiều người, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, hành vi đi xe đạp vào phần đường cao tốc nêu trên không phải lần đầu xảy ra. Đây là hành động thể hiện sự thiếu ý thức, có tính chất hết sức nguy hiểm, xâm phạm tới an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe hay thậm chí tính mạng của người khác.
Tuy nhiên, việc xử lý triệt để còn gặp nhiều khó khăn do mức phạt còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe.
Cụ thể, đối chiếu các quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Bộ luật Hình sự 2015, luật sư cho biết đối với hành vi đi xe đạp vào làn đường cấm, nếu không gây ra tai nạn hay va chạm để lại hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm chỉ có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 3, Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Khung hình phạt áp dụng là phạt tiền 300.000-400.000 đồng.
Tuy nhiên, ông Lực nhìn nhận đối với sự việc xảy ra ngày 26/9, hành vi của những người này không chỉ dừng lại ở vi phạm giao thông. Việc họ tụ tập, chặn đầu xe, chửi bới tài xế và gây ùn tắc đã xâm phạm tới an ninh trật tự xã hội. Do đó, cơ quan chức năng có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người này.
Trích dẫn Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư cho biết người nào gây rối trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự về hành vi này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng. Mức phạt là phạt tiền 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
"Về mặt khoa học pháp lý, nơi công cộng được hiểu là nơi tập trung đông người như công viên, rạp hát, bến xe, trên đường phố... có nhiều người qua lại hoặc cũng có thể là nơi trao đổi hàng hóa, nơi vui chơi giải trí của công dân.
Hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bao gồm những hành động, lời nói, cử chỉ gây mất trật tự, những hành vi càn quấy, hành hung người khác (chưa gây thương tích), chửi bới, xúc phạm cá nhân và gây hậu quả nghiêm trọng, gây lộn xộn, ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ví dụ như hò hét, chửi bới, đuổi đánh nhau, lôi kéo, kích động người khác cùng tham gia...", luật sư Lực phân tích.
Từ phân tích trên, luật sư Lực cho rằng có thể xem xét trách nhiệm hình sự trong sự việc này. Tuy nhiên, cần đánh giá chi tiết, tỉ mỉ, khách quan và thận trọng đối với mọi tình tiết nhằm tránh dẫn tới oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm (nếu có).
Hoàng Diệu