Đứa trẻ 3 tuổi bị lạc ở nhà ga
Theo SCMP, hành trình 12 năm tìm kiếm nguồn gốc của chàng trai tên Gouming Martens (sinh năm 1991) đang gây xúc động trên mạng xã hội.
Năm 1994, khi mới 3 tuổi, Gouming đi du lịch cùng bố mẹ từ nhà ở tỉnh Giang Tô về quê ngoại ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Đứa trẻ lạc bố mẹ tại nhà ga đông đúc.
Những người tốt bụng đã gửi Gouming đến trại trẻ mồ côi. Năm 1996, cậu bé được cặp vợ chồng người Hà Lan, Jozef và Maria Martens, nhận nuôi.
Họ đặt tên cho đứa trẻ là Gouming, theo tên mà trại trẻ mồ côi đặt cho cậu - Gou Yongming - để cậu có thể nhớ được mình đến từ đâu. Bố mẹ nuôi cũng ủng hộ Gouming tìm kiếm cha mẹ ruột của mình.
Năm 2007, cả gia đình Martens cùng trở về Trung Quốc tìm kiếm manh mối nhưng trại trẻ mồ côi đã biến mất. Tuy nhiên, Gouming không bao giờ từ bỏ hy vọng.
Anh đã dành 5 năm học tiếng Trung Quốc, làm công việc bán thời gian để trang trải chi phí cho 3 chuyến đi Trung Quốc trong những năm đại học.
Năm 2012, anh đăng ký tham gia chương trình tình nguyện nhằm giúp đỡ tìm kiếm gia đình bị thất lạc. Tại đây, anh được các tình nguyện viên hỗ trợ nhiệt tình.
Thời gian đó, Gouming nỗ lực hoàn thành chương trình học tại Đại học Leiden ở Hà Lan và tốt nghiệp Tiến sĩ ngôn ngữ học tại Đại học McGill ở Canada. Hiện anh làm việc tại Canada với vai trò là chuyên gia nhận dạng giọng nói AI (trí tuệ nhân tạo).
Tin vui đến với Gouming vào tháng 10 năm ngoái, khi các tình nguyện viên nói với anh rằng DNA của anh trùng khớp với người phụ nữ tên Wen Xurong ở Tứ Xuyên.
Hóa ra, suốt nhiều năm qua, vợ chồng bà Wen Xurong và chồng là Gao Xianjun chưa bao giờ ngừng tìm kiếm đứa con trai mà họ gọi là Gao Yang. Tuy nhiên, câu chuyện gia đình của họ là một bi kịch.
Bi kịch của gia đình
Ông Gao Xianjun nhớ lại năm 1994 khi để lạc mất vợ và con trai, ông đã bị một đám côn đồ tấn công.
Một kẻ lang thang đã lừa bà Wen về nhà và ép bà sinh con. Người đàn ông này đã bỏ rơi bà Wen sau khi bà sinh con.
Người phụ nữ đáng thương trở về quê hương ở Tứ Xuyên nhưng bị bệnh tâm thần, sau đó tái hôn và có một cô con gái.
Ông Gao Xianjun đi bộ suốt chặng đường từ Tứ Xuyên về nhà ở tỉnh Giang Tô cách đó 1.700 km, xin ăn và tìm kiếm con trai trong tuyệt vọng. Đến năm 2009, ông qua đời.
Năm 2017, anh trai của ông Gao Xianjun đã liên lạc với bà Wen, đề nghị bà đăng ký DNA của mình với cảnh sát và đăng thông tin tìm kiếm con trai lên chương trình tình nguyện.
Các thông tin của hai mẹ con trùng khớp sau khi các tình nguyện viên xem xét tỉ mỉ tất cả bài đăng. Đồng thời, họ gửi mẫu máu của hai người đi xét nghiệm DNA.
Tình cờ, ngày mà các tình nguyện viên nói với Gouming về thành công của cuộc tìm kiếm kéo dài 12 năm của anh, lại chính là ngày sinh nhật thật của anh, ngày 12/10 theo lịch Trung Quốc.
Thật không may, mẹ nuôi của Gouming đã qua đời không lâu trước khi tin vui đến với họ. Còn cha nuôi thì rất mừng cho anh.
Tháng 2, trong kỳ nghỉ lễ hội mùa xuân, Gouming đoàn tụ với mẹ ruột và các anh chị em cùng cha khác mẹ ở Tứ Xuyên.
Bà Wen, người mắc chứng rối loạn tâm thần, tỏ ra ổn định khi nhìn thấy Gouming. Bà liên tục gọi biệt danh của anh là Yangyang và hỏi: "Anh đã ở đâu?"
"Con ở đây rồi", Gouming nói.
Cha dượng của anh đã nấu cho anh những món ăn làm từ khoai tây khi biết đây là thực phẩm chủ yếu ở Hà Lan và Canada.
Gouming đến thăm mộ cha ở Giang Tô và gặp các cô chú. Bác của Gouming đưa cho anh số tiền được bồi thường khi nhà cũ của gia đình anh bị phá dỡ. Ông đã giữ số tiền này hơn 10 năm qua, chờ ngày đưa lại cho cháu.
Người bác cũng viết thư cảm ơn cha nuôi của Gouming vì đã "nuôi dưỡng cháu trai thành một tài năng đỉnh cao mà nhiều người khao khát trở thành" và "để anh trai tôi được yên nghỉ".
Gouming cho biết anh kiên trì tìm kiếm cha mẹ ruột không chỉ vì bản thân mà còn vì gia đình: "Tôi biết họ đang tìm tôi, đợi tôi về nhà". Anh nói sẽ trở lại Trung Quốc hàng năm.
Hành trình 12 năm của Gouming đã khiến nhiều dân mạng cảm động.
"Anh ấy có thể đã nghĩ rằng cha mẹ đã bỏ rơi mình, nhưng họ chưa bao giờ từ bỏ anh ấy", một người viết.
"Mặc dù khởi đầu câu chuyện không may mắn, nhưng cuối cùng anh ấy vẫn may mắn vì cả gia đình ruột thịt và gia đình nhận nuôi đều tràn đầy tình yêu thương", một người khác bình luận.