Định rõ kim chỉ nam cho tương lai bền vững

Minh Nhật| 05/09/2023 07:24

Trong Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới, việc thông qua Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV cũng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho ASEAN trong 20 năm tới, Tầm nhìn ASEAN 2045”, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho biết khi chia sẻ với báo TG&VN.

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi tham gia buổi Đối thoại về vai trò của lãnh đạo nữ, tại Học viện Ngoại giao ngày 3/4/2023.
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi tham gia buổi Đối thoại về vai trò của lãnh đạo nữ, tại Học viện Ngoại giao ngày 3/4/2023.

Thưa Đại sứ, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2023, đâu sẽ là những ưu tiên mà Indonesia nhấn mạnh trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 43?

Indonesia đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2023 trong thời điểm thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Từ góc độ địa chính trị và kinh tế, thế giới đang trải qua những thách thức đa chiều. Mặt khác, các quốc gia cũng đang tập trung giải quyết tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Giữa những thách thức, với tư cách là một tổ chức hợp tác khu vực hàng đầu và là ngôi nhà của hơn 670 triệu người, điều quan trọng là ASEAN phải phục hồi, tái thiết và đóng góp cho sự phát triển bền vững; từ đó duy trì vai trò thiết yếu và phù hợp với người dân ASEAN, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới.

Indonesia, với tư cách là Chủ tịch hiện tại của ASEAN, muốn đảm bảo rằng ASEAN sẽ phù hợp với thế giới. ASEAN cần tiếp tục là trung tâm tăng trưởng với xã hội mạnh mẽ. Thông qua Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan, ASEAN sẽ tiếp tục tiến lên để giải quyết tốt hơn các thách thức trong tương lai.

Thúc đẩy sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và hội nhập khu vực luôn có ý nghĩa quan trọng đối với Indonesia. Điều này được minh chứng trong quá khứ bằng việc thông qua Hiệp ước Bali I, II và III. Trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, việc thông qua Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV sẽ tạo nền tảng vững chắc cho ASEAN trong 20 năm tới, Tầm nhìn ASEAN 2045.

Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV sẽ trở thành kim chỉ nam dài hạn nhằm đảm bảo năng lực của ASEAN trước những thách thức trong tương lai; đồng thời đảm bảo tính bền vững của chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV sẽ khuyến khích hơn nữa sự hợp tác và tính bao trùm trong khu vực, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển chung của chúng ta.

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa khu vực ASEAN trở thành tâm điểm của tăng trưởng, hướng tới duy trì ổn định kinh tế trong khu vực, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia cũng tập trung lồng ghép việc thực hiện cụ thể Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) trong các cơ chế khác nhau do ASEAN dẫn dắt.

Hơn nữa, Indonesia đưa ra sáng kiến Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIPF): Triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) để tăng cường hợp tác trong khu vực và nuôi dưỡng ý thức cộng đồng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. AIPF tập trung vào ba vấn đề là Cơ sở hạ tầng xanh và Chuỗi cung ứng bền vững; Tài chính bền vững và sáng tạo; Chuyển đổi số và nền kinh tế sáng tạo. Tổng giá trị ước tính của các dự án thuộc AIPF (tính đến ngày 11/8) là 124,67 tỷ USD, với tổng số 233 dự án.

Là một phần của việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cần được tăng cường. Dưới sự dẫn dắt của Indonesia, ASEAN đã thể hiện cam kết thúc đẩy nhân quyền trong khu vực. Điều này đạt được thông qua thúc đẩy Đối thoại Nhân quyền và cam kết thực hiện quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, người lao động nhập cư và người khuyết tật.

Hơn nữa, để củng cố vị thế trung tâm tăng trưởng của Đông Nam Á, một số hợp tác khu vực ASEAN đã được tăng cường trong nhiều lĩnh vực như y tế, kết nối và chuyển đổi năng lượng, bảo đảm an ninh lương thực, số hóa ASEAN, kinh tế xanh, quản lý biến đổi khí hậu và thiên tai, nâng cao năng lực nguồn nhân lực.

Hành trình ASEAN 2023 có nhiều điểm nhấn, xin Đại sứ cho biết những nỗ lực của Indonesia trong thời gian qua để Cộng đồng ASEAN vượt qua thách thức và tiến về phía trước?

Sau đại dịch toàn cầu kéo dài ba năm, tốc độ tăng trưởng trong khu vực chúng ta vẫn cao hơn mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, mối đe dọa suy thoái vẫn còn tồn tại, có thể cản trở sự phát triển bền vững.

Do đó, điều quan trọng đối với Indonesia là tạo nền tảng cho những kết quả cụ thể trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023, vốn được khởi động từ năm 2021. Vào thời điểm đó, Indonesia đã thúc đẩy chương trình nghị sự của Nhóm đặc trách cấp cao (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 để không những tạo ra tầm nhìn mới mà còn xác định và đề xuất các cách thức nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN. Câu hỏi về năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN chắc chắn không chỉ giới hạn ở vấn đề củng cố Ban thư ký ASEAN và cũng cần nhấn mạnh vào việc nâng cao hiệu quả của các quy trình và phương thức làm việc của ASEAN.

Dựa trên những kiến nghị của HLTF, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 năm 2022, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Khuyến nghị nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN. Các khuyến nghị hiện đang được thực hiện vào năm 2023 và củng cố sự phát triển của Tầm nhìn ASEAN (sẽ được thông qua vào năm 2025). Đây là một trong những đóng góp của Indonesia vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN trong năm qua.

Các lĩnh vực đóng góp khác bao gồm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền thông qua Đối thoại Nhân quyền ASEAN, đẩy nhanh các cuộc đàm phán thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và lồng ghép Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Định rõ kim chỉ nam cho tương lai bền vững
Indonesia, với tư cách là Chủ tịch hiện tại của ASEAN, muốn đảm bảo rằng ASEAN tiếp tục là trung tâm tăng trưởng với xã hội mạnh mẽ. (Photo: Kominfo)

Đại sứ đánh giá như thế nào về sự tham gia của Việt Nam trong ASEAN và tiềm năng phối hợp giữa Indonesia và Việt Nam để thực hiện các mục tiêu chung của Hiệp hội?

Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong ASEAN, ủng hộ những nỗ lực chung của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á. Với lợi ích chung là duy trì hòa bình, ổn định để hợp tác và phát triển trong khu vực, Indonesia hoàn toàn ủng hộ sự hội nhập khu vực và nền kinh tế thế giới của Việt Nam thông qua tư cách thành viên đầy đủ của ASEAN vào ngày 28/7/1995. Sau khi trở thành thành viên, Việt Nam đã ký Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và là một trong những thành viên sáng lập Diễn đàn Khu vực ASEAN nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin, đối thoại và tham vấn.

Năm 2020, Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN, đánh dấu 25 năm là thành viên của ASEAN và là lần thứ ba Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Khó khăn của giai đoạn này là phải đối mặt với những thách thức lớn do đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động, đi đầu của mình, đặc biệt là trong việc kiểm soát đại dịch, đồng thời khởi động quá trình phục hồi sau đại dịch. Việt Nam đã thúc đẩy một số sáng kiến để vượt qua đại dịch như Quỹ ứng phó với dịch Covid-19 của ASEAN, Kho dự trữ vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN, Khung phục hồi toàn diện của ASEAN, cùng nhiều sáng kiến khác. Việt Nam cũng đã tái khẳng định vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN thông qua việc duy trì sự tham gia thực chất trong khu vực của các nước đối tác.

Về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, việc duy trì môi trường thuận lợi, thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của ASEAN. Việt Nam duy trì lập trường nhất quán ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Việt Nam cũng ủng hộ việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việt Nam cùng các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.

Sau 28 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc nhờ quy mô dân số, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiến bộ và chính sách đối ngoại tích cực. Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người là nước lớn thứ ba trong ASEAN, cùng với dân số Indonesia, cả hai nước chiếm 60% tổng dân số ASEAN. Indonesia và Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tốt hơn hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ chủ động hơn nữa trong vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng ASEAN giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Định rõ kim chỉ nam cho tương lai bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO