Đường phố tối om và xe cộ chật cứng. Mọi người đi bộ, mang theo các túi hành lý, không biết mình sẽ phải đi đâu nhưng chắc chắn không thể ở lại. Đây là cảnh tượng hôm 26/11 tại Nuweiri, trung tâm thủ đô Beirut của Lebanon vài phút sau khi quân đội Israel ban hành cảnh báo sơ tán đầu tiên.
Các phóng viên BBC kể, không lâu sau đó, họ đã nghe thấy một số tiếng nổ vang rền khắp Beirut. Tiếng súng cùng việc máy bay không người lái (UAV) của Israel quần liệng liên tục trên cao tạo thêm nhiều cảnh báo, thúc giục mọi người tìm nơi an toàn.
Sự leo thang căng thẳng diễn ra khi Lebanon đang chờ đợi quyết định của Israel về thỏa thuận ngừng bắn, hy vọng then chốt để chấm dứt hơn một năm xung đột giữa các lực lượng Tel Aviv với Hezbollah, phong trào vũ trang Hồi giáo được Iran hậu thuẫn. Trong thời gian chờ đợi, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thực hiện cuộc ném bom dữ dội nhất vào Beirut kể từ khi xung đột bùng phát tháng 10/2023.
Trong vòng 2 phút sau vụ không kích vào Nuweiri, các chiến đấu cơ Israel đã nhắm tấn công 20 mục tiêu Hezbollah ở vùng ngoại ô Dahieh, phía nam thủ đô Lebanon, nơi Hezbollah đang đóng quân.
Hiện tại, lệnh ngừng bắn đã chính thức được công bố và có hiệu lực từ 4h giờ địa phương (9h giờ Việt Nam) ngày 27/11. Nếu thỏa thuận được tuân thủ, đây sẽ là một cột mốc quan trọng trong cuộc xung đột kéo dài 14 tháng qua ở Lebanon. Giao tranh đã tàn phá quốc gia Trung Đông này, khiến hơn 3.700 người thiệt mạng và một triệu cư dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi xung đột bùng phát tháng 10 năm ngoái.
Ngân hàng Thế giới ước tính tổn thất về kinh tế đối với Lebanon là 8,5 tỷ USD. Quá trình phục hồi dự kiến sẽ mất nhiều thời gian và hiện không rõ ai sẽ trả tiền cho quá trình này.
Theo thỏa thuận ngừng bắn mới có hiệu lực, hàng nghìn lính Lebanon sẽ được triển khai về phía nam, sau khi quân đội Israel và các tay súng Hezbollah rút lui. Cách thức triển khai các binh sĩ Lebanon hiện vẫn chưa rõ ràng, trong khi quân đội nước này than phiền không có đủ các nguồn lực, bao gồm tiền bạc, nhân lực và trang thiết bị, để hoàn thành trọng trách.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là tài trợ, vốn có thể bắt nguồn từ một số đồng minh quốc tế của Lebanon. Liệu quân đội Lebanon có đối đầu với Hezbollah nếu cần không? Viễn cảnh đó sẽ khiến người Lebanon chống lại người Lebanon và đây luôn là rủi ro ở đất nước có sự chia rẽ giáo phái sâu sắc.
Theo một nhà ngoại giao, chính quyền Lebanon dường như đã chấp nhận rằng mọi thứ phải thay đổi. Có vẻ như chính quyền Beirut cần ý chí chính trị để làm như vậy.
Hezbollah cũng hứng chịu tổn thất. Nhiều nhà lãnh đạo của nhóm đã bị hạ sát, bao gồm cả thủ lĩnh lâu năm Hassan Nasrallah, trong khi cơ sở hạ tầng của nhóm bị tàn phá nặng nề. Nhóm vũ trang này sẽ ra sao sau xung đột vẫn còn là một câu hỏi khó.
Hezbollah suy yếu nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn như mong muốn của Israel. Ở Lebanon, nhóm không chỉ là một lực lượng dân quân, mà còn là một đảng chính trị có đại diện trong quốc hội và là một tổ chức xã hội thu hút sự ủng hộ đáng kể của người Hồi giáo dòng Shi’ite.
Các đối thủ có thể sẽ coi đây là cơ hội để hạn chế ảnh hưởng của Hezbollah. Trước cuộc xung đột, nhóm thường được mô tả là một nhà nước bên trong một nhà nước ở Lebanon.
Trong nhiều tháng, những người không ủng hộ Hezbollah cáo buộc nhóm đã kéo đất nước vào một cuộc xung đột không vì lợi ích của họ. Thỏa thuận mới có thể chấm dứt xung đột với Israel, nhưng nhiều người ở Lebanon lo ngại một cuộc xung đột nội bộ mới có thể xảy ra sau đó.