Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Kỳ vọng về một bản sắc riêng mang tên Việt Nam!

Lai An| 02/04/2024 10:22

Chúng ta đều có mơ ước và mong muốn rằng những diễn đàn của Việt Nam khởi xướng về ASEAN sẽ có vị thế và được kéo dài trong nhiều năm tới.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Kỳ vọng về một bản sắc riêng mang tên Việt Nam!
Logo chính thức của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 - ASEAN Future Forum 2024. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

"Để được như Shangri-La hay Munich, thì còn một chặng đường dài và cần rất nhiều nỗ lực. Thế nhưng, chúng ta đi thì sẽ đến vì chúng ta có cố gắng, mục tiêu và sự quyết tâm", Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Phạm Lan Dung chia sẻ kỳ vọng về Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 khi trả lờiphỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam bên lề Họp báo quốc tế về sự kiện, chiều 1/4, tại Hà Nội.

Xin bà cho biết công tác chuẩn bị cho Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 đến thời điểm hiện nay?

Có thể nói, cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi rất khiêm tốn nhưng có thể tự tin nói rằng, công tác chuẩn bị cho Diễn đàn đã đi được 2/3 chặng đường. Những đầu việc quan trọng nhất như lên chương trình, quyết định về thời gian, địa điểm và đặc biệt là lên danh sách khách mời đều được tiến hành.

Có những công việc đã hoàn thiện, ví dụ như chốt được thời gian, địa điểm. Chúng tôi đã chốt danh sách khách mời và tiến độ mời cho đến nay đã có kết quả đối với những người quan trọng nhất.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Kỳ vọng về một bản sắc riêng mang tên Việt Nam!
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Anh Sơn)

Ban tổ chức vẫn đang nỗ lực để có thể đảm bảo tối đa lượng đại biểu và mong muốn mời họ tham dự ở những buổi hội thảo, tọa đàm, diễn đàn.

Chương trình Diễn đàn cũng đã được quyết định và chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ là chương trình cuối cùng, nếu có thay đổi thì chỉ là những thay đổi nhỏ.

Thông tin về thành phần khách mời có thể thấy rõ sức hấp dẫn của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. Bà đánh giá như thế nào về triển vọng Diễn đàn sẽ trở thành hoạt động thường niên, một điểm nhấn của Việt Nam, phát triển theo con đường của các sự kiện có tên tuổi ở khu vực và trên thế giới như Đối thoại Shangri-La (Singapore), Hội nghị An ninh Munich (Đức), Hội nghị Tương lai châu Á của Tập đoàn Nikkei (Nhật Bản)…?

Tất nhiên, chúng ta đều có mơ ước và mong muốn những diễn đàn do Việt Nam khởi xướng về ASEAN sẽ có vị thế và được kéo dài trong nhiều năm tới. Có những điều rất thuận lợi, như chủ đề Việt Nam đưa ra về tương lai ASEAN và những vấn đề của Hiệp hội luôn thu hút được sự quan tâm trong khu vực. Thêm nữa, đây cũng là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có những thách thức, như việc ASEAN có quá nhiều diễn đàn, cuộc họp ở các cấp khác nhau. Câu hỏi đặt ra là Diễn đàn này Việt Nam đề xuất sẽ có điều gì mới? Liệu có đem đến những điều gì khác lạ không? Tôi hy vọng việc tạo ra một kênh rất gần, đem ASEAN đến rất gần với người dân, thế hệ trẻ chính là điểm khác biệt quan trọng nhất.

Tương lai ASEAN là một vấn đề không mới nhưng cách thức tiếp cận rất mới. Đặc biệt, một kênh gần với người dân sẽ tạo nên một thực tiễn là không chỉ thế hệ trẻ mà giới học giả, doanh nhân... đều sẽ nói về câu chuyện này. Từ đó, tiếng nói, quan điểm và cách chia sẻ của họ được lắng nghe và đề cập trong những cuộc thảo luận chính thức của các chính trị gia.

Tôi nghĩ rằng, để được như Shangri-La hay Munich thì còn một chặng đường dài và rất nhiều nỗ lực. Thế nhưng, chúng ta đi thì sẽ đến vì chúng ta có cố gắng, mục tiêu và sự quyết tâm. Cách tiếp cận của chúng ta là quyết tâm hết sức mình còn kết quả đạt được như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chúng tôi tin tưởng và lạc quan, nếu không được như Shangri-La, như Munich thì cũng là một dấu ấn rất đặc biệt của Việt Nam.

Diễn đàn khu vực này là sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Đây cũng là đóng góp cụ thể của Việt Nam trong nỗ lực chung nhằm hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của Hiệp hội.

Bà đánh giá như thế nào về sự tích cực, chủ động của Việt Nam trong ASEAN?

Như tôi đã nói, ASEAN luôn được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Từ khi gia nhập Hiệp hội năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn nỗ lực và chứng tỏ là một quốc gia có trách nhiệm, chủ động trong việc nâng cao vai trò trung tâm của khối. Với nhiều đóng góp có ý nghĩa, Việt Nam đã có vị trí nhất định trong mắt bạn bè quốc tế, trong ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung.

Có lẽ giờ đây cũng không ai đặt ra câu hỏi tại sao lại là Việt Nam mà có lẽ câu hỏi đặt ra là Việt Nam làm thế nào để cống hiến, đóng góp tốt hơn nữa cho sự phát triển của ASEAN, để nâng cao hơn nữa vai trò chủ lực của Hiệp hội; và quan trọng là trong giai đoạn có nhiều biến động như hiện nay, Việt Nam nỗ lực và đóng góp như thế nào vào việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.

Bà đánh giá như thế nào về vai trò của hoạt động kênh học giả trong xây dựng định hương tương lai ASEAN? Học viện Ngoại giao đã có những đóng góp gì cho chính sách đối ngoại của Việt Nam trong Hiệp hội?

Các hoạt động của kênh học giả ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng định hướng tương lai của ASEAN.

Về tư vấn và hỗ trợ chính sách, kênh học giả cung cấp thông tin và nghiên cứu sâu về các vấn đề quan trọng và xu hướng trong khu vực, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, giúp định hình hướng đi và chính sách của ASEAN trong tương lai. Các cơ chế như ARF, ASEAN-ISIS, CSCAP đã khẳng định giá trị và vai trò quan trọng về tư vấn chính sách cho ASEAN.

Về trao đổi học thuật, giao lưu, các hoạt động kênh học giả tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, chuyên gia trao đổi kiến thức, ý kiến, đóng góp nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, thúc đẩy sự tin cậy và đoàn kết trong ASEAN.

Học viện Ngoại giao, với chức năng đào tạo và tham mưu cho Bộ Ngoại giao đã có nhiều đóng góp cho chính sách đối ngoại Việt Nam trong ASEAN.

Thứ nhất, Học viện Ngoại giao là cơ sở đào tạo về đối ngoại hàng đầu của cả nước, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ các nhà ngoại giao, cán bộ, chuyên gia về ASEAN, những người tham gia về quá trình xây dựng chính sách và triển khai các hoạt động đối ngoại trong Hiệp hội.

Thứ hai, Học viện thường xuyên cung cấp các báo cáo nghiên cứu về ASEAN để làm nguồn tham khảo, tư vấn chính sách cho Bộ.

Thứ ba, Học viện Ngoại giao có nhiều hoạt động hợp tác, nghiên cứu, trao đổi tri thức với các thành viên ASEAN, tham gia vào các cơ chế như ARF, ASEAN-ISIS, CSCAP, góp phần cung cấp khuyến nghị cho các quan chức cao cấp (SOM) và Bộ trưởng trong xây dựng chính sách chung của ASEAN. Các hoạt động giao lưu, hợp tác kênh 2 của Học viện cũng đã góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác giữa Việt Nam và các thành viên ASEAN.

Xin cảm ơn bà!

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Kỳ vọng về một bản sắc riêng mang tên Việt Nam!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO