Điểm tin kinh doanh 9/5: Người Việt Nam mua hơn 17 tấn vàng trong quý 1

Việt Báo (Tổng hợp)| 09/05/2023 06:00

Đề nghị làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của EVN; Thanh tra việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu tại các ngân hàng

- Người Việt Nam mua hơn 17 tấn vàng trong quý 1

Theo một báo cáo vừa được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố, nhu cầu vàng tại Việt Nam giảm mạnh trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, còn hơn 17 tấn...

Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của WGC cho thấy nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu không bao gồm thị trường OTC thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường OTC đã nâng tổng nhu cầu vàng toàn cầu lên 1.174 tấn, tăng nhẹ 1% so với quý 1 năm 2022.

Riêng tại Việt Nam, từ 19,6 tấn trong quý 1/2022, nhu cầu tiêu thụ vàng đã giảm 12% còn 17,2 tấn trong quý 1 năm nay. Trong đó, nhu cầu vàng miếng giảm 10%, từ mức 14 tấn xuống còn 12,6 tấn trong 3 tháng đầu năm nay. Nhu cầu trang sức giảm 18%, từ 5,6 tấn xuống còn 4,6 tấn.

Giải thích cho sự suy giảm nhu cầu vàng ở Việt Nam, ông Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á -Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) đồng thời là Giám đốc phụ trách toàn cầu về ngân hàng trung ương của WGC - nói: “Sự suy giảm nhu cầu trang sức vàng ở Việt Nam một phần do tác động từ hiệu ứng cơ sở. Quý 1/2022 là quý có nhu cầu mua vàng trang sức trong nước mạnh nhất kể từ năm 2007. Việc mua trữ vàng trang sức trong quý 1/2023 đã có những dấu hiệu tích cực trong dịp Tết Nguyên đán, trước khi giảm dần vào tháng 2 và tháng 3 do giá vàng tăng”.

Trong bối cảnh đang diễn ra sự bất ổn trong ngành ngân hàng, căng thẳng địa chính trị liên tục và khó khăn kinh tế, vai trò của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đự kiến nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tăng trong năm nay, đặc biệt là khi rào cản từ đồng USD và việc tăng lãi suất đang giảm dần.

Theo số liệu được WGC đưa ra, trong quý 1 năm nay, giá vàng thế giới đạt bình quân 1.890 USD/oz, gần mức bình quân kỷ lục của giá vàng thế giới trong quý 1 hàng năm. Diễn biến phức tạp của vàng trong quý 1 thể hiện rõ sự đa dạng và tính toàn cầu của nhu cầu vàng.

Các ngân hàng trung ương đã mua ròng 228 tấn vàng cho dự trữ quốc gia, mức mua ròng kỷ lục trong dữ liệu thống kê quý 1 của WGC. Việc các ngân hàng trung ương liên tục mua ròng vàng khối lượng lớn phản ánh vai trò của vàng trong danh mục dự trữ ngoại hối trong thời gian thị trường biến động và rủi ro tăng cao.

- Đề nghị làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của EVN

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó có lĩnh vực năng lượng.

Trong báo cáo thẩm tra về kinh tế, xã hội vừa hoàn thành ngày 8/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó có lĩnh vực năng lượng.

Về giá điện, vào ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN, giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021, dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ tới hơn 26.462 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra phản ánh, một số ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện của EVN khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm. Cơ chế giá điện hiện nay là không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp (trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, nhưng chưa được xem xét, thay đổi.

Các ý kiến này cho rằng, chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.

“Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện”, báo cáo thẩm tra nêu.

- Thanh tra việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu tại các ngân hàng

Để ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tập trung thanh tra việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối TCTD.

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Thống đốc NHNN thừa nhận khó khăn trong xử lý sở hữu chéo và cho biết đã đưa vào kế hoạch năm 2023 nội dung thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối ngân hàng.

NHNN đang đưa ra nhiều biện pháp chống sở hữu chéo, chống thao túng, hạn chế việc chi phối và thâu tóm ngân hàng như: Thanh tra chuyển nhượng cổ phần ngân hàng và giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần nhóm cổ đông. Điều này sẽ ngăn lạm dụng quyền quản trị, chống lạm quyền cấp tín dụng.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động ngân hàng, trong đó nêu rõ kế hoạch thanh tra chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu tại các nhà băng để ngăn tình trạng sở hữu chéo trong năm nay.

- 'Ông lớn' xe điện Trung Quốc sắp xây nhà máy tại Việt Nam

Tờ Bloomberg đưa tin, tập đoàn xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD đang có kế hoạch sản xuất xe điện tại Việt Nam để bán tại Việt Nam cũng như các khu vực khác của Đông Nam Á.

Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 5/5 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn BYD, ông Wang Chuanfu, chia sẻ công ty đang có kế hoạch đầu tư xây dựng một chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho dự án sản xuất xe điện lần này.

Ngoài ra, ông Wang cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía Việt Nam để tập đoàn có thể sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Qua đó, BYD có thể đẩy nhanh tiến độ sản xuất xe điện nhằm cung cấp cho thị trường Việt Nam và phân phối cho các quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á.

Theo đánh giá của Reuters, sự xuất hiện của BYD tại Việt Nam có thể sẽ đem lại thách thức mới cho doanh nghiệp sản xuất xe điện trong nước là VinFast. Nhà sản xuất xe EV của Việt Nam cũng từng tung ra nhiều mẫu mã xe điện vào năm 2019 và có kế hoạch mở rộng thị trường sang Mỹ và châu Âu.

- Yêu cầu các ngân hàng giám sát việc cấp tín dụng 'sân sau'

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng cổ phần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sở hữu cổ phần, cấp tín dụng đối với cổ đông và người có liên quan.

Theo văn bản số 3205/NHNN-TTGSNH Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhà điều hành chính sách tiền tệ đã đưa ra một loạt yêu cầu với các tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát hoạt động cấp tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hạn chế phát sinh nợ xấu.

Trước đó, NHNN cũng đã đề xuất một loạt quy định nhằm giới hạn hoạt động cho vay "sân sau" cũng như giới hạn tỷ lệ sở hữu của các cổ đông tại ngân hàng trong dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 9/5: Người Việt Nam mua hơn 17 tấn vàng trong quý 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO