Điểm tin kinh doanh 9/3: Giá vàng: Thế giới gần 2.100 USD/oz, vàng miếng 82 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 70 triệu đồng/lượng

Việt Báo (Tổng hợp)| 10/03/2024 06:00

Cập nhật mới nhất tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại 3 ngân hàng “Big Four”; Giá dầu thế giới giảm sâu trong tuần qua

gia-vang-hom-nay-ngay-19-1-17056414879251938215727.jpg

- Giá vàng: Thế giới gần 2.100 USD/oz, vàng miếng 82 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 70 triệu đồng/lượng

Phiên ngày thứ Sáu, giá vàng nhận một cú huých mới từ báo cáo việc làm của Mỹ...

Giá vàng thế giới lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (8/3), tiến gần hơn tới mốc 2.100 USD/oz, khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sắp cắt giảm lãi suất. Giá vàng trong nước hôm 9/3 cùng đạt tới mức cao mới của mọi thời đại, với giá vàng nhẫn cán mốc 82 triệu đồng/lượng và giá vàng nhẫn vượt mốc 70 triệu đồng/lượng.

Đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày thứ Sáu ở mức 2.179,6 USD/oz, tăng 19,2 USD/oz, tương đương tăng gần 0,9%, so với đóng cửa phiên ngày hôm trước - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương hơn 65,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.

So với hôm 8/3, giá vàng thế giới quy đổi hiện tăng 500.000 đồng/lượng. Tuần này, giá vàng thế giới quy đổi tăng 3 triệu đồng/lượng. Trong nước, giá vàng miếng SJC bán lẻ tăng khoảng 1,4 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn bán lẻ tăng khoảng 3 triệu đồng/lượng.

Đầu giờ chiều 9/3, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 79,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 82 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 69,4 triệu đồng/lượng và 70,7 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, tăng 1,8 triệu đồng/lượng ở mỗi đầu giá.

Công ty Bảo Tín Minh Châu báo giá vàng nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long ở mức 69,48 triệu đồng/lượng và 70,78 triệu đồng/lượng, tăng 1,7 triệu đồng/lượng và 1,8 triệu đồng/lượng so với sáng hôm 8/3.

Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 79,5 triệu đồng/lượng và 82 triệu đồng/lượng, tương ứng giảm 200.000 đồng/lượng và tăng 300.000 đồng/lượng so với sáng 8/3. Nhẫn tròn SJC có giá 68,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,55-69,65 triệu đồng/lượng (bán ra) tùy trọng lượng sản phẩm, tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng 8/3.

Giá vàng thế giới đã liên tiếp lập kỷ lục trong tuần này, và mức giá đóng cửa ngày thứ Sáu là mức giá chốt phiên cao chưa từng thấy. Trong phiên, giá vàng giao ngay lập đỉnh cao mọi thời đại ở mức hơn 2.195 USD/oz, theo dữ liệu từ Kitco. Giá vàng bắt đầu “xô đổ” kỷ lục cũ thiết lập tháng 12 năm ngoái vào hôm thứ Ba.

- Lần đầu tiên trong lịch sử, Bitcoin vượt mốc 70.000 USD

Đồng tiền số lớn nhất thế giới Bitcoin (BTC) một lần nữa lập kỷ lục về mức cao mới, tăng trên 70.000 USD.

Vào khoảng 22h30 ngày 8/3 (tức lúc 10h30 sáng theo giờ Mỹ), giá Bitcoin lên tới 70.105 USD, xác lập mức cao nhất trong lịch sử, trước khi giảm trở lại vùng 68.000 USD.

Trước đó, cũng trong tuần này, BTC đã lập kỷ lục về mức cao mới trên 69.000 USD, vượt qua đỉnh giá 68.982,20 USD ghi nhận vào ngày 10/11/2021.

Động thái tăng giá của BTC bắt đầu vào khoảng thời gian thị trường chứng khoán Mỹ mới mở cửa. Với sự ra đời của các quỹ giao dịch trao đổi Bitcoin giao ngay (ETF) ở Mỹ, các động thái lớn liên quan tới tiền điện tử giờ đây có xu hướng diễn ra trong giờ giao dịch chứng khoán truyền thống.

Theo dữ liệu LSEG, dòng tiền ròng vào 10 quỹ ETF Bitcoin giao ngay lớn nhất của Mỹ đạt 2,2 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 1 tháng 3, với hơn 2 tỷ USD trong số đó được chuyển vào iShares Bitcoin Trust của BlackRock.

Trong một diễn biến liên quan, Ethereum (ETH) - đồng tiền số lớn thứ 2 thế giới theo vốn hóa thị trường, đã quay trở lại cột mốc 4.000 USD lần đầu tiên sau hơn 2 năm trong ngày 8/3. Lần cuối cùng ETH đạt mức cao lịch sử này là vào ngày 28/12/2021.

- Cập nhật mới nhất tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại 3 ngân hàng “Big Four”

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có hiệu lực đến ngày 11/3, khối ngoại đang sở hữu tỷ lệ như thế nào tại BID, CTG và VCB.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục biến động, việc theo dõi hoạt động của khối ngoại tại các ngân hàng TMCP lớn ( Big Four) luôn là điểm tựa quan trọng để các nhà đầu tư có thêm nhìn nhận chi tiết về tình hình cổ phiếu và thị trường.

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, có hiệu lực đến này 11/3, khối ngoại đang sở hữu các tỷ lệ sau đây tại ba ngân hàng "Big Four":

1. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán BID): Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 17,31% trên tỷ lệ 30% cổ phần được sở hữu tối đa.

Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã BID đã giảm 0,01% so với mức 17,32% của tuần trước.

2. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán: CTG): Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 27,47% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa.

Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã CTG tang 0,05% so với mức 27,42% của tuần giao dịch trước đó.

3. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB): Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 23,52% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa.

Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã VCB đã giảm 0,01% so với mức 23,53% của 1 tuần giao dịch trước đó.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua vào ngày 8/3, cổ phiếu của các ngân hàng trong "Big Four" đã có những biến động khác nhau. Cụ thể, cổ phiếu BID đã giảm 4,13% và đóng cửa ở mức 51.100 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu CTG giảm 3,63% và đóng cửa ở mức 34.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu VCB giảm 0,73% và đóng cửa ở mức 95.100 đồng/cổ phiếu.

bitcoin-halving.jpg

- Giá dầu thế giới giảm sâu trong tuần qua

Giá dầu đóng cửa phiên 8/3 giảm 1% và mức giảm khi tính chung trong cả tuần này thậm chí còn sâu hơn, do các nhà đầu tư cảnh giác với nhu cầu yếu của Trung Quốc, ngay cả khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung.

Giá “vàng đen” liên tiếp đi xuống trong hai phiên giao dịch đầu tuần, do thị trường hoài nghi về khả năng Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 và tâm lý ưa thích rủi ro của các nhà đầu tư đi xuống, bất chấp sự hỗ trợ từ đồng USD yếu.

OPEC+ gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sang quý II/2024 để hỗ trợ giá dầu, trong bối cảnh lo ngại về sức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và sản lượng gia tăng ở ngoài nhóm OPEC+.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 8/3, giá dầu WTI giảm 92 xu Mỹ (tương đương 1,2%) xuống 78,01 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc để mất 88 xu (tương đương 1,1%) còn 82,08 USD/thùng.

Dầu dầu Brent và dầu WTI giảm tương ứng 1,8% và 2,5% trong tuần qua.

- HSBC: Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục

Theo HSBC, các chỉ số chính trong lĩnh vực xuất khẩu đều cho thấy xu hướng phục hồi có thể tiếp tục, đặc biệt là chỉ số PMI và chỉ số chênh lệch giữa đơn hàng mới với hàng tồn kho.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC cho biết dữ liệu kinh tế của Việt Nam trong tháng 2 có thể gây nhiều câu hỏi về sự phục hồi thương mại, nhưng điều này hoàn toàn do ảnh hưởng từ các biến động liên quan đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Trong khi xuất khẩu tháng 2 giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, gần với dự báo của HSBC (-5,7%), tổng kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng đầu năm thực tế đã tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, hiệu ứng cơ sở cũng là một phần nguyên nhân khi tình trạng suy giảm thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam từ quý IV/2022.

Theo HSBC, nếu nhìn ra phạm vi rộng hơn, dữ liệu tích cực cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và ổn định trong thương mại của Việt Nam. Đặc biệt, có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi đang diễn ra trên diện rộng, với sự cải thiện nhẹ ở các lĩnh vực như dệt may và da giày cũng như máy móc.

Nhìn về tương lai, các chuyên gia tại HSBC cho rằng các chỉ số chính trong lĩnh vực xuất khẩu đều cho thấy xu hướng phục hồi có thể tiếp tục. Chẳng hạn, chỉ số PMI (chỉ số quản trị mua hàng) sản xuất mới nhất vẫn duy trì ở mức mở rộng nhờ sản lượng tích cực và đơn hàng mới, cũng như tình hình việc làm. Đồng thời, chỉ số chênh lệch giữa đơn hàng mới và hàng tồn kho cũng cho thấy sự cải thiện ổn định.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 9/3: Giá vàng: Thế giới gần 2.100 USD/oz, vàng miếng 82 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 70 triệu đồng/lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO