Điểm tin Kinh doanh 9/1: Giá vàng: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt tăng

Việt Báo (Tổng hợp)| 09/01/2025 06:00

Thị phần môi giới 2024 - Chứng khoán VPS lung lay “ngôi vương”, “ngựa ô” TCBS tăng tốc; Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

cac-don-hang-online-tang-vot-tai-co.opmart.jpg

- Giá vàng: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt tăng

Giá vàng thế giới hôm 8/1 tăng lên mức 2.646 USD/ounce khi ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục tích trữ vàng. Trong nước, giá vàng miếng SJC tăng 200.000 đồng/lượng, giao dịch ở mức 85,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn SJC giao dịch ở mức 85,3 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường trong nước, sáng 8/1 giá vàng điều chỉnh tăng theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn DOJI cao hơn vàng miếng SJC.

Cụ thể, tại thời điểm 12 giờ ngày 8/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 84-85,5 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng so kết phiên trước đó. Chênh lệch mua-bán 1,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào 84 triệu đồng/lượng, bán ra 85,3 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng so kết phiên hôm 7/1.

Giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mua vào ở mức 84 triệu đồng/lượng và bán ra 85,5 triệu đồng/lượng. Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 84,5-85,7 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng miếng SJC lần lượt 500.000 đồng và 200.000 đồng/lượng.

Vàng PNJ giữ nguyên giá mua vào ở mức 84,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 85,5 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 100.000 đồng và 200.000 đồng/lượng so chốt phiên hôm 7/1.

Tính đến 12 giờ ngày 8/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng 10,5 USD so kết phiên trước đó lên mức 2.646,6 USD/ounce.

Giá vàng thế giới sáng 8/1 bật tăng trở lại khi được thúc đẩy một phần nhờ thông báo về việc ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục mua vàng. Chuyên gia phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrade nhận định rằng, việc Trung Quốc mua vào có khả năng sẽ hỗ trợ giá kim loại quý này.

Theo các báo cáo, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng thêm 300.000 ounce tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12, lên 73,3 triệu ounce. Điều này cho thấy nhu cầu tích trữ vàng của ngân hàng này đang quay trở lại sau 6 tháng tạm dừng vào năm ngoái.

Trong năm 2024, giá vàng đã tăng khoảng 27%, chủ yếu nhờ hoạt động mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng Trung ương trên thế giới và việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, trong ngắn hạn, đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá khi nền kinh tế Mỹ mạnh hơn khiến FED buộc phải điều chỉnh chu kỳ cắt giảm chậm hơn trong năm nay làm đà tăng giá của vàng bị kìm hãm.

Về tầm nhìn trung hạn, các nhà phân tích hàng hóa tại BMO Capital Markets nhận định, vàng sẽ vẫn là tài sản quan trọng trong danh mục đầu tư của nhà đầu tư vào năm 2025 và lưu ý rằng, khả năng xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy sự bất ổn về địa chính trị, tạo thêm động lực cho thị trường vàng.

Ngân hàng BMO dự đoán, giá kim loại quý này sẽ giao dịch ở mức trung bình khoảng 2.750 USD/ounce và đạt đỉnh vào mùa hè năm nay với mức giá khoảng 2.850/ounce.

Chuyên gia Chantelle Schieven, Trưởng phòng nghiên cứu tại Capitalight Research chia sẻ, bà vẫn lạc quan về vàng trong năm 2025. Bà Chantelle Schieven cho biết, giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng từ 2.500-2.700 USD trong nửa đầu năm và vượt qua mốc 3.000 USD/ounce vào nửa cuối năm nay.

Sáng 8/1, Chỉ số USD-Index ở mức cao 108,58 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,679%; chứng khoán Mỹ giảm điểm do các cổ phiếu công nghệ bị bán tháo; giá dầu thế giới tiếp tục tăng do lo ngại về nguồn cung, giao dịch ở mức 77,49 USD/thùng đối với dầu Brent và 74,72 USD/thùng với dầu WTI.

- Thị phần môi giới 2024 - Chứng khoán VPS lung lay “ngôi vương”, “ngựa ô” TCBS tăng tốc

Mặc dù vẫn giữ vị trí cao nhất về thị phần môi giới trên sàn HoSE nhưng vị thế của Chứng khoán VPS đang có dấu hiệu giảm sút qua các quý. Thay vào đó, loạt công ty chứng khoán đứng sau dần tăng tốc.

Năm 2024 vừa qua tiếp tục chứng kiến sự sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty chứng khoán trong việc thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ. Không chỉ miễn phí giao dịch, nhiều công ty chứng khoán còn thực hiện các chương trình ưu đãi margin, hoàn phí, đẩy mạnh hoạt động tư vấn… để thu hút khách hàng giao dịch. Bức tranh thị phần trên thị trường chứng khoán theo đó cũng có nhiều xáo trộn đáng kể.

Theo Bảng xếp hạng thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm quý 4/2024 và cả năm 2024 vừa được Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) vừa công bố, Chứng khoán VPS tiếp tục giữ “ngôi vương” trong quý 4/2024 với 16,45% thị phần.

Tuy nhiên, thị phần của công ty này đã tiếp tục giảm so quý 3/2024, xác lập chuỗi 3 quý giảm liên tiếp, chạm mức thấp nhất 2 năm trở lại đây.

Thay vào đó, 7/9 công ty chứng khoán đứng sau Chứng khoán VPS lại ghi nhận thị phần gia tăng. Điển hình là Chứng khoán SSI (9,19%), Chứng khoán Kỹ thương (TCBS, 7,7%), và Chứng khoán Vietcap (7,03%).

Ngược lại, 2 công ty chứng khoán còn lại trong top 10 chứng kiến sự sụt giảm thị phần là Chứng khoán VNDirect (5,08%) và Chứng khoán FPT (2,84%). Dữ liệu thống kê cho thấy thị phần của Chứng khoán VNDirect hiện chạm mức thấp nhất 10 năm trở lại đây. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này chịu tác động mạnh sau sự cố tin tặc quốc tế tấn công hệ thống thông tin, khiến các hoạt động giao dịch bị đình trệ kéo dài hồi cuối tháng 3/2024.

Tính chung cả năm 2024, Chứng khoán VPS đứng đầu bảng xếp hạng với 18,26% thị phần, nhưng giảm 0,8% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, Chứng khoán HSC, Chứng khoán Vietcap, Chứng khoán Kỹ thương là 3 công ty chứng khoán có thị phần tăng mạnh. Trong đó, Chứng khoán Kỹ thương gây chú ý khi năm 2024 là năm thứ 4 liên tiếp ghi nhận việc gia tăng thị phần, đạt mức 7,18% và xếp top 3 trong bảng xếp hạng. Từ năm 2020 trở về trước, Chứng khoán Kỹ thương đứng ngoài top 10.

- Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Theo số liệu từ Coin Metrics, Bitcoin - đồng tiền số giá trị nhất thế giới - đã trượt giảm khoảng 4% xuống ngưỡng 97.000 USD trong 24 giờ qua. Trong khi đó, Ether mất tới 8% giá trị và thị trường tiền điện tử nói chung - được đo lường qua chỉ số CoinDesk 20 - giảm 7%.

Cổ phiếu của các công ty liên quan đến tiền điện tử như Coinbase và MicroStrategy cũng lần lượt giảm hơn 8% và 9%. Nhóm công ty khai thác Bitcoin, bao gồm Mara Holdings và Core Scientific, chứng kiến mức sụt giảm khoảng 7% và 6%.

Những biến động trên thị trường tiền số diễn ra sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt. Điều này xuất phát từ dữ liệu của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho thấy lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong tháng 12, làm dấy lên lo ngại về tình trạng lạm phát kéo dài. Lợi suất trái phiếu tăng thường gây áp lực lên các tài sản có tính rủi ro cao.

Phần lớn các nhà đầu tư đều kỳ vọng rằng giá Bitcoin sẽ chạm mốc 200.000 USD vào năm 2025 khi chính quyền Trump 2.0 với quan điểm ủng hộ tài sản kỹ thuật số sẽ hỗ trợ cho thị trường. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể gây ra một số trở ngại.

Bitcoin đã đạt mức tăng trưởng 120% trong năm 2024. Nhiều ý kiến cho rằng những động lực từ năm 2024 sẽ tiếp tục được duy trì sang 2025, với khả năng Bitcoin có thể đạt đỉnh 200.000 USD vào cuối 2025, các nhà phân tích tại Bernstein cho biết. Dự báo này nằm trong một bức tranh tổng thể về những thay đổi lớn của thị trường tiền điện tử, được mô tả là giai đoạn bước vào "Kỷ nguyên Vô cực”, với trọng tâm là việc tiền số được chấp nhận rộng rãi trên khắp thế giới và tích hợp vào các hệ thống tài chính truyền thống.

thanh-toan-qr-co-muc-tang-truong-trung-binh-8-10-moi-thang-1-.jpg

- FLC muốn đổi đại diện pháp luật từ CEO sang chủ tịch

Sau biến động nhân sự thượng tầng hồi đầu tháng 12/2024, FLC muốn xin ý kiến về thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Theo tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản mới nhất, Tập đoàn FLC (Mã: FLC) sẽ xin ý kiến về việc sửa đổi điều lệ công ty. Nội dung chính yếu là thay đổi Khoản 1 Điều 3 về người đại diện theo pháp luật từ Tổng giám đốc thành Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Vấn đề này được Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền đề xuất theo tờ trình ngày 20/12/2024 và dựa theo nhu cầu thực tế, đặc thù trong tổ chức hoạt động, quản trị điều hành công ty, thuận lợi cho hoạt động quản trị kinh doanh.

HĐQT được ủy quyền điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung các điều khoản sau khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua, thực hiện thay đổi đăng ký kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước và pháp luật liên quan.

Diễn biến mới này xảy ra sau khi công ty có biến động nhân sự thượng tầng. FLC nhận được đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và xin rút khỏi HĐQT của ông Lê Bá Nguyên, đồng thời nhận được đơn từ nhiệm chức Tổng Giám đốc của ông Lê Tiến Dũng ngày 4/12/2024.

Ngay sau đó, tập đoàn thông báo thành viên HĐQT Vũ Anh Tuân sẽ ngồi ghế nóng Chủ tịch HĐQT và bà Bùi Hải Huyền - Trợ lý HĐQT trở lại làm Tổng Giám đốc của FLC.

HĐQT mới của FLC sẽ có 4 thành viên bao gồm Chủ tịch Vũ Anh Tuân và ba thành viên là ông Nguyễn Thanh Tùng, ông Đỗ Mạnh Hùng và ông Nguyễn Chí Công.

- Yeah1 vừa bị phạt thuế hơn 300 triệu đồng

Tập đoàn Yeah1 vừa bị phạt xử phạt và truy thu về thuế hơn 300 triệu đồng trong bối cảnh cổ phiếu giảm sàn liên tục.

Ngày 06/1/2025, Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG) thông báo đã nhận được Quyết định số 2782/QĐ-CCT ngày 31/12/2024 của Chi cục Thuế Quận 3 Về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Cụ thể công ty đã có hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu trên tờ khai thuế, các phụ lục kèm theo tờ khai thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế: chỉ tiêu trên tờ khai thuế GTGT tháng 12/2023 quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP; Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế GTGT phải nộp tháng 12/2022, từ tháng 3/2023 đến tháng 7/2023, 12/2023 quy định tại Điều 12 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/06/2008; Khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế TNDN phải nộp năm 2022, 2023 quy định tại Điều 9 Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008.

Với các vi phạm nêu trên, Tập đoàn Yeah1 bị phạt tiền hơn 52,7 triệu đồng. Đồng thời phải nộp bổ sung số tiền thuế còn thiếu là hơn 221 triệu đồng và tiền chậm nộp là hơn 43,9 triệu đồng.

Như vậy tổng số tiền Yeah1 bị phạt, truy thu và chậm nộp là hơn 317 triệu đồng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Kinh doanh 9/1: Giá vàng: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO