- Giá vàng: kết thúc tuần biến động
Giá vàng thế giới trong tuần qua (1-7/5) chứng kiến sự sụt giảm vào đầu tuần sau đó tăng đột biến vào giữa tuần, cuối tuần lao dốc trước áp lực bán chốt lời. Các chuyên gia kỳ vọng khi Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng di chuyển bền vững lên mức cao nhất mọi thời đại.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 7/5/2023, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2.016,54 USD/ounce.
Quy theo giá USD ngân hàng, chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới giao ngay có giá 57,18 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 9,17 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC trong nước.
Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 8/2023 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 2.043,9 USD/ounce, giảm 31,1 USD trong phiên.
Giá vàng thế giới trong tuần qua (1-7/5) chứng kiến sự sụt giảm vào đầu tuần sau đó tăng đột biến vào giữa tuần, cuối tuần vàng lao dốc trước áp lực bán chốt lời.
Đầu tuần (1-2/5), giá vàng thế giới giảm sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của nước này sụt giảm trong quý đầu tiên của năm 2023. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ chỉ tăng 1,1%, thấp hơn so với mức 2,6% của quý IV năm ngoái. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tăng 0,3% trong tháng trước, phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế. Trong 12 tháng qua, PCE tăng 4,6%, cao hơn dự kiến.
Hầu hết các nhà phân tích đều nhận định giá vàng có thể tiếp tục gặp khó khăn trước khi Fed chuẩn bị tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.
Giữa tuần (3-5/5) giá vàng tăng đột biến và giữ vững mức tăng trưởng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc cuộc họp FOMC trong tháng này và như dự kiến, Fed đã tăng lãi suất cuối kỳ lên 1/4%. Điều này đưa lãi suất chuẩn của Fed vào khoảng từ 5% đến 5 ¼%.
Thời điểm cuối tuần (6-7/5) giá vàng giảm mạnh trước áp lực bán chốt lời của các nhà đầu tư. Bộ Lao động Hoa Kỳ đã công bố báo cáo việc làm trong bảng lương phi nông nghiệp cho thấy thị trường lao động Mỹ đang phát triển mạnh mẽ cũng như phục hồi sau khi Fed tăng lãi suất lên hơn 5% chỉ trong hơn một năm nhằm làm chậm nền kinh tế. Báo cáo đã đánh bại các ước tính và cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục vững mạnh với 253.000 việc làm mới được thêm vào trong tháng 3. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4%, giảm 0,1% so với tháng trước và tiền lương được tăng.
Mặc dù giá vàng giảm, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, kỳ vọng Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng di chuyển bền vững lên mức cao mọi thời đại. Những yếu tố như: khủng hoảng ngân hàng, đồng USD tiếp tục suy yếu, nhu cầu vững chắc của ngân hàng trung ương, lạm phát dai dẳng và bất ổn địa chính trị đang diễn ra sẽ hỗ trợ giá vàng trong dài hạn.
George Milling-Stanley, Giám đốc chiến lược vàng tại State Street Global Advisors, cho biết ông kỳ vọng nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn của các nhà đầu cơ sẽ làm lu mờ bất kỳ đợt tăng lãi suất nào nữa từ Fed.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 7/5, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP.HCM ở mức 66,35-67,05 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm ngày 6/5.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 66,40-67,10 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở chiều mua và giảm 100.000 đồng ở chiều bán.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng 9999 tại Hà Nội ở mức 66,40-67,10 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở chiều mua và giảm 100.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 6/5.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 66,42-67,08 triệu, giữ nguyên ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm ngày 6/5.
- Hãng hàng không kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay, Bộ Tài chính lên tiếng
Trong quá trình xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Cục Quản lý giá đã nhận được ý kiến kiến nghị bỏ quy định khung giá trần nội địa với dịch vụ vận tải hàng không
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không. Đây là quan điểm của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nêu trong văn bản gửi đến Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Cục Hàng không Việt Nam và một số cơ quan liên quan.
Cục Quản lý giá có phản hồi nêu trên bởi trong quá trình xây dựng Luật Giá (sửa đổi), đã nhận được ý kiến kiến nghị bỏ quy định khung giá trần nội địa với dịch vụ vận tải hàng không của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt.
Theo Cục Quản lý giá, Luật Hàng không dân dụng hiện hành quy định hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.
Do đó, cơ quan quản lý giá thuộc Bộ Tài chính đề nghị Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Tài chính báo cáo Bộ GTVT có ý kiến, đề xuất cụ thể kèm theo đánh giá tác động đối với các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như kiến nghị của các doanh nghiệp hàng không.
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất bỏ trần giá vé máy bay nội địa được đưa ra. Nhiều lý do đưa ra cho rằng, giá trần là "vòng kim cô" nên cần được tháo gỡ để tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không. Ngược lại, không ít ý kiến lo ngại khi bỏ trần giá vé sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, có nguy cơ thao túng giá vé.
Thời gian qua, trong bối cảnh ngành du lịch đang triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thì giá vé nhiều chặng bay nội địa được cho là quá cao, dù không vượt trần nhưng khiến một bộ phận khách hàng khó tiếp cận.
Trước đó, Bộ GTVT dự kiến tăng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (trần giá vé máy bay) nội địa trung bình 3,75% so với mức hiện hành, từ quý II/2023. Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có trần giá vé tăng từ mức 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng/lượt; đường bay từ 1.280 km trở lên có mức tăng cao nhất, từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng/lượt... Với mức điều chỉnh này, đường bay nhộn nhịp với tần suất khai thác cao nhất là TP HCM - Hà Nội sẽ có mức trần 8 triệu đồng/lượt khứ hồi, chưa gồm thuế, phí.
- Chính phủ đồng ý phương án giảm thuế VAT
Ngày 6/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 72/NQ-CP về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT. Theo đó, Chính phủ nhất trí với đề xuất giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023 theo đề nghị của Bộ Tài chính để trình Quốc hội thông qua.
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT) như đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình báo cáo Quốc hội về dự thảo Nghị quyết nêu trên theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chủ động báo cáo, giải trình với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023.
Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Về mức giảm thuế GTGT, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT.
Cũng theo Bộ Tài chính, thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho Ngân sách Nhà nước (NSNN) cũng như nền kinh tế.
Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 06 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Trong năm 2022, giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng. Giải pháp này được các doanh nghiệp đánh giá cao vì có hiệu quả trực tiếp, thiết thực.