Điểm tin Kinh doanh 8/10: Giá vàng: Neo cao

Việt Báo (Tổng hợp)| 08/10/2024 06:00

Cổ phiếu chứng khoán hút dòng tiền; Các ngân hàng dự báo dư nợ tín dụng tăng 13,2% trong năm 2024

gia-vang-7-10.jpg

- Giá vàng: Neo cao

Theo ghi nhận, hôm 7/10, giá vàng vẫn duy trì ổn định và neo ở mức cao, cao nhất 84 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 82 triệu đồng/lượng mua vào - 84 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đang là 82 triệu đồng/lượng mua vào - 84 triệu đồng/lượng bán ra.

Tương tự, giá vàng DOJI tại TP Hồ Chí Minh cũng đang mua vào với 82 triệu đồng/lượng và 84 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh đang được mua vào ở mức 82,70 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 83,60 triệu đồng/lượng.

Vàng PNJ tại Hà Nội giao dịch ở mức 82,70 triệu đồng và bán ra ở mức 83,60 triệu đồng/lượng.

Giá vàng Bảo Tín Minh Châu duy trì ổn định so với hôm 6/10, niêm yết lần lượt ở mức 82 triệu đồng/lượng mua vào và 84 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng Phú Quý SJC cũng ổn định ở cả hai chiều, giao dịch lần lượt ở mức 82,30 triệu đồng/lượng mua vào và 84 triệu đồng/lượng bán ra.

Như vậy, giá vàng miếng SJC duy trì ổn định ở cả hai chiều nhưng vẫn neo ở mức cao, 84 triệu đồng/lượng bán ra. Chênh lệch giá mua và bán vàng miếng đang dao động ở mức từ 1,7 đến 2 triệu đồng/lượng, biến động nhẹ hơn so với cuối tuần trước.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn trong nước hôm nay vẫn neo ở mức cao.

Theo đó, giá vàng nhẫn SJC 9999 giao dịch mua vào 82 triệu đồng/lượng, bán ra 83,3 triệu đồng/lượng.

DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 82,85 - 83,6 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.

- Nihon M&A Center Holdings thành lập AtoG Capital thúc đẩy mở rộng khu vực ASEAN và giao dịch M&A xuyên biên giới

Nihon M&A Center Holdings (Nihon M&A Center) vừa công bố thành lập ASEAN to Global Capital (AtoG Capital), một công ty con chuyên về quản lý quỹ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng sang khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Quỹ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch M&A xuyên biên giới. AtoG Capital đã khởi động quan hệ đối tác đầu tiên tại Malaysia với CK MAC Global Sdn. Bhd., một công ty thương mại chuyên về máy móc điều khiển số bằng máy tính (CNC) và dịch vụ hậu mãi, hiện đang hoạt động tại Malaysia và Singapore.

Thông qua quỹ này, AtoG Capital tập trung thúc đẩy các cơ hội M&A xuyên biên giới giữa các công ty Nhật Bản và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong khu vực ASEAN. Sáng kiến này nhấn mạnh cam kết của công ty trong việc hỗ trợ các SME tái cấu trúc hoạt động, từ đó tạo điều kiện cho các quan hệ hợp tác thành công với các doanh nghiệp Nhật Bản.

AtoG Capital sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong quy trình thoái vốn hai giai đoạn, hỗ trợ tái cơ cấu nội bộ và sau đó hỗ trợ bán cổ phần thông qua dịch vụ tư vấn của Nihon M&A Center. Quỹ này sẽ đảm bảo sự phù hợp với các tiêu chuẩn kinh doanh của Nhật Bản và cung cấp quy trình tích hợp sau sáp nhập (PMI) có cấu trúc rõ ràng, nhằm tối ưu hoá thời gian và chi phí cho các giao dịch thoái vốn thành công.

Với chuyên môn trong việc tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp để phù hợp với các tiêu chuẩn kinh doanh của Nhật Bản và cung cấp quy trình tích hợp sau sáp nhập (PMI) có cấu trúc rõ ràng, Nihon M&A Center đảm bảo một quá trình chuyển đổi mượt mà vào văn hóa kinh doanh Nhật Bản. Mô hình đầu tư này giúp tối ưu hoá thời gian và chi phí cho các giao dịch thoái vốn thành công, đồng thời giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của ban lãnh đạo vào các quyết định chiến lược, cho phép các doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn.

- Cổ phiếu chứng khoán hút dòng tiền

Trái với diễn biến thị trường chung giao dịch ảm đạm và tiếp tục điều chỉnh nhẹ về dưới mốc 1.270 điểm, lực cầu sôi động ở cổ phiếu chứng khoán đã giúp các mã này đua nhau khởi sắc.

Bên cạnh diễn biến liên tục điều chỉnh giảm về sát vùng hỗ trợ 1.270 điểm, tương đương đường MA20 và lực cầu mua chủ động vẫn chưa tham gia đã khiến thị trường chuyển qua trạng thái thiếu lạc quan. Theo đánh giá của CTCK AIS, VN-Index có thể sẽ vẫn có một số điều chỉnh nữa với hỗ trợ tiếp theo tại 1.260 điểm, tương đương MA50. Nếu không bảo toàn hoặc tái tích lũy trên ngưỡng hỗ trợ này, thì xu hướng tăng ngắn hạn vừa qua có thể sẽ kết thúc.

Phiên giao dịch sáng ngày 7/10, thị trường đã đảo chiều hồi phục sau 3 phiên giảm liên tiếp, tuy nhiên dòng tiền tham gia khá yếu và các nhóm trụ cột chỉ lình xình tăng, nên VN-Index chỉ tăng nhẹ với thanh khoản ở mức thấp.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn khá ảm đạm. Bên cạnh lực cầu vẫn thận trọng, áp lực bán tỏ ra mất kiên nhẫn có chút gia tăng, đã nhanh chóng khiến bảng điện tử chuyển qua trạng thái đỏ sau hơn 30 phút mở cửa.

Đà giảm không quá lớn và được thu hẹp dần về cuối phiên, giúp VN-Index về sát vạch xuất phát với thanh khoản giảm mạnh, về mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua và thuộc top 10 phiên có giá trị giao dịch thấp của năm.

Điểm sáng thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu chứng khoán. Sau diễn biến tích cực của phiên sáng, các cổ phiếu chứng khoán tiếp tục nới biên độ tăng, ngược dòng xu hướng thị trường chung thành công. Trong đó, ORS vẫn là mã sôi động nhất ngành với hơn 14 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 3,8%. Tiếp theo là VIX tăng 0,4% và VND tăng 2%, đều khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị.

Các mã tăng tích cực trong ngành như VCI tăng 3,72% và khớp lệnh 9,27 triệu đơn vị, HCM tăng 2,13% và khớp hơn 8,4 triệu đơn vị. Ngoài ra, FTS tăng 2,26%, VDS tăng hơn 2%, MBS, BSI, CTS, AGR đều tăng hơn 1%...

Các nhóm thép, dầu khí chỉ còn nhích nhẹ, với HPG tăng 0,8% và khớp 12,5 triệu đơn vị, hay PVD tăng 0,9%, PVS và PVC tăng trên dưới 1,5%...

Mặt khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng chuyển qua trạng thái giằng co do sức ép gia tăng từ các mã lớn như VCB, BID đảo chiều giảm, cùng HDB, OCB, VIB, SSB, NAB đều đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường vẫn là các cổ phiếu ngân hàng TMCP.

Cụ thể, VPB dẫn đầu với hơn 25,9 triệu đơn vị khớp lệnh, TPB khớp 16,72 triệu đơn vị, SHB khớp 15,38 triệu đơn vị, STB và MSB cùng khớp hơn 14,5 triệu đơn vị. Kết phiên, VPB và SHB đứng giá tham chiếu, TPB tăng 1,4%, STB tăng 2,1% và MSB tăng 2,8%.

Nhóm bất động sản đảo chiều giảm khi sắc đỏ trở nên lan rộng hơn dù mức giảm không quá lớn như VHM, VIC, NVL, DIG, HHV, VCG…

Các nhóm dịch vụ tiêu dùng, tiện ích, chăm sóc sức khỏe có mức giảm sâu hơn, với biên độ đều trên 1%.

Chốt phiên, sàn HOSE có 170 mã tăng và 202 mã giảm, VN-Index giảm 0,67 điểm (-0,05%), xuống 1.279,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 542,6 triệu đơn vị, giá trị 11.849,5 tỷ đồng, giảm hơn 11% về khối lượng và 13,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 45,4 triệu đơn vị, giá trị 1.108,3 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, dù nhóm HNX30 khá nỗ lực về cuối phiên những đã không đủ sức để giúp HNX-Index hồi phục thành công.

Đóng cửa, sàn HNX có 66 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%), xuống 232,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,5 triệu đơn vị, giá trị 804,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,37 triệu đơn vị, giá trị 335,3 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận gần 16,12 triệu đơn vị, giá trị gần 266 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 vẫn khá nỗ lực khi đóng cửa tăng hơn 1,2 điểm với sự cân bằng khi có 12 mã tăng và 12 mã giảm. Trong đó, PVC và SLS tăng tốt nhất là 1,5%, các mã MBS, PVS, NVB đều tăng hơn 1%; trái lại, L18 và TVD cùng giảm 1,7%, NTP giảm 1,3%, DVM giảm 1%; còn lại đều tăng giảm chỉ trên dưới 0,5%.

Trái với diễn biến chung của nhóm chứng khoán, SHS là một trong số ít mã kết phiên dưới mốc tham chiếu. Đóng cửa, SHS giảm nhẹ 0,6% với thanh khoản vẫn sôi động nhất thị trường, đạt hơn 11 triệu đơn vị; trong khi “người anh em” MBS có thanh khoản đứng kế tiếp với 3,57 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,3%. Các mã chứng khoán khác như BVS tăng 0,7%, APS tăng 1,4%, PSI tăng 1,3%.

Trên UPCoM, dù thị trường khá rung lắc và chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu, nhưng chỉ số UPCoM-Index đã đảo chiều thành công.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,11%) lên 92,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,85triệu đơn vị, giá trị 306 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 9,5 triệu đơn vị, giá trị 235,2 tỷ đồng.

Cùng xu hướng của phần lớn cổ phiếu dầu khí, BSR đã đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 0,8% lên mức giá cao nhất ngày 24.300 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 3,2 triệu đơn vị.

Một số mã vừa và nhỏ vẫn có sức hấp dẫn như HBC tăng 4% và khớp gần 2 triệu đơn vị, BCR tăng 1,8% và khớp 1,55 triệu đơn vị, DGT tăng 3%, AAH tăng 2,6%....

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ chưa tới 5 điểm, trong đó VN30F2410 giảm 3 điểm, tương đương -0,2% xuống 1.340 điểm, khớp lệnh hơn 203.410 đơn vị, khối lượng mở hơn 59.860 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CVIB2403 phiên này thanh khoản cao nhất khi có 6,64 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 66,7% xuống mức giá 100 đồng/cq. Theo sau là CHPG2331 khớp hơn 6,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,1% lên 150 đồng/cq.

_di-cho-dong-gia_-voi-cac-mat-hang-tuoi-song-chi-tu-7.000-d.jpg

- Các ngân hàng dự báo dư nợ tín dụng tăng 13,2% trong năm 2024

Các TCTD cũng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 3,2% trong quý IV và 7,9% trong cả năm 2024, giảm đáng kể so với mức kỳ vọng 10,1% ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý IV/2024.

Theo đó, cuộc điều tra được tiến hành từ ngày 25/8 đến ngày 11/9/2024. NHNN cho biết, cuộc điều tra được thực hiện trước thời điểm cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Việt Nam, do đó, các nhận định và kỳ vọng/dự báo của các TCTD tại cuộc điều tra chưa tính đến những tác động và thiệt hại do bão gây ra.

Kết quả điều tra cho thấy, các TCTD cho biết trong quý III/2024, tỉ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống chưa đạt được kỳ vọng "giảm nhẹ", có xu hướng "tăng nhẹ", tuy nhiên xu hướng này có biểu hiệu thu hẹp hơn so với quý II/2024. Các TCTD kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu có thể điều chỉnh giảm trong quý IV/2024.

Đồng thời, các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 4,8% trong quý IV và 13,2% trong cả năm 2024. Kết quả này đã được điều chỉnh giảm 0,9 điểm % so với mức dự báo tăng trưởng tín dụng 14,1% cho cả năm tại kỳ điều tra trước.

Huy động vốn toàn hệ thống được các tổ chức kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý IV và 7,9% trong cả năm 2024, điều chỉnh giảm đáng kể so với mức kỳ vọng 10,1% ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Ngoài ra, kết quả điều tra cũng cho thấy trong quý IV/2024, các tổ chức tín dụng sẽ có xu hướng tăng nhẹ mặt bằng lãi suất huy động, trong khi duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính chung cả năm 2024, các tổ chức dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ 0,1 điểm % và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ 0,09 điểm % so với cuối năm 2023.

Theo nhận định của các TCTD, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý III/2024 tiếp tục duy trì trạng thái "tốt" và có dấu hiệu cải thiện so với quý trước.

- PNJ nộp phạt 1,34 tỷ đồng sau khi bị thanh tra hoạt động kinh doanh vàng

Trong đợt thanh tra liên ngành của Chính phủ với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên toàn quốc, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) bị phạt hành chính 1,34 tỷ đồng.

CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) mới đây công bố thông tin liên quan đến đến thanh tra liên ngành của Chính phủ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên toàn quốc từ ngày 23/5/2024 đến ngày 10/9/2024.

Theo đó, PNJ đã nhận được Quyết định số 648 ngày 2/10/2024 của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với số tiền là 1,34 tỷ đồng.

Lý do xử phạt là PNJ ban hành quy định nội bộ, các thực hành phân loại khách hàng theo rủi ro, báo cáo giao dịch giá trị lớn và kiểm toán nội bộ chưa đủ chặt chẽ và đáp ứng đầy đủ các quy trình của pháp luật về phòng chống rửa tiền; và có một số sai sót, chưa đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý.

PNJ cho biết, công ty chấp hành nghiêm chỉnh đầy đủ các quyết định của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng và đã tự nguyện, chủ động khắc phục các thiếu sót và hậu quả.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Kinh doanh 8/10: Giá vàng: Neo cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO