- Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp
Giá vàng miếng SJC giảm 250.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng hôm 5/4. Mức giảm kéo chênh lệch vàng trong nước và thế giới xuống dưới 10 triệu đồng/lượng.
Sau phiên giảm chiều 5/4, giá vàng miếng trong nước sáng 6/4 tiếp tục ghi nhận xu hướng đi xuống, hiện phổ biến neo tại vùng 66,45 - 67,05 triệu/lượng (mua vào - bán ra).
Trong đó, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) sáng mở cửa giá vàng miếng ở mức 66,55 - 67,15 triệu/lượng (mua vào - bán ra). Ngay trong những giờ giao dịch đầu tiên, giá vàng miếng SJC đã được điều chỉnh giảm sau mỗi đợt. Đến 10h45, giá vàng miếng tại SJC đã giảm về mức 66,45 triệu/lượng (mua) và 67,05 triệu/lượng (bán).
Nếu so với đầu giờ sáng hôm 5/4, giá giao dịch hiện tại đã thấp hơn 250.000 đồng/lượng.
Chiều hướng giảm của giá vàng miếng kể trên cộng với việc SJC duy trì chênh lệch giá mua - bán mặt hàng này ở mức 600.000 đồng/lượng khiến những nhà đầu tư vàng miếng đối mặt với khoản lỗ 900.000 đồng/lượng chỉ sau một ngày.
Biểu đồ giá vàng tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hôm nay cũng ghi nhận diễn biến tương tự khi giảm liên tục vào phiên sáng. Hiện giá giao dịch vàng miếng tại đây ở mức 66,45 - 67,05 triệu/lượng, thấp hơn 100.000 đồng so với cuối ngày 5/4.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện cũng chấp nhận mua vào vàng miếng với giá 66,5 triệu/lượng và bán ra ở 67,1 triệu đồng, thấp hơn 150.000 đồng so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng miếng tại các doanh nghiệp trong nước khác như Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Phú Quý, Vàng Mi Hồng… sáng nay đều góp phần “nhuộm đỏ” thị trường vàng khi cùng giảm 100.000 đồng/lượng, về mức 66,45 triệu/lượng mua vào và trên dưới 67 triệu/lượng chiều bán ra, tùy doanh nghiệp.
Đi cùng đà giảm của giá vàng miếng, giá vàng nhẫn do các doanh nghiệp trong nước chế tác cũng ghi nhận xu hướng giảm nhẹ.
Trong đó, giá vàng nhẫn SJC 99,99 hiện phổ biến ở mức 55,4 - 56,4 triệu/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200.000 đồng so với cuối ngày hôm 5/4.
Tại PNJ, DOJI hay Bảo Tín Minh Châu… giá bán ra vàng nhẫn phiên hôm 6/4 đều giảm từ 100.000 đồng cho tới 150.000 đồng/lượng, tùy doanh nghiệp. Tuy vậy, giá bán ra vẫn phổ biến ở mức 56,4 triệu đồng/lượng, cao hơn 600.000-700.000 đồng so với đầu tháng.
Diễn biến thị trường vàng trong nước có phần trùng xuống so với giá vàng thế giới khiến chênh lệch giữa hai thị trường này bị thu hẹp. Trong phiên sáng 6/4, giá vàng giao ngay trên Kitco ghi nhận mức 2.018 USD/ounce, tương đương 57,5 triệu đồng/lượng quy đổi theo tiền Việt.
Với vùng giá này, vàng thế giới đã thu hẹp chênh lệch so với giá vàng miếng SJC xuống còn dưới 10 triệu đồng/lượng và đã đắt hơn giá vàng nhẫn 24K 9999 trong nước cả triệu đồng.
- Agribank đang "ôm" 2,3 triệu tỷ đồng bất động sản thế chấp
Theo BCTC riêng kiểm toán năm 2022, Agribank ghi nhận tài sản thế chấp là bất động sản lên tới gần 2,3 triệu tỷ đồng, cao gấp gần 1,6 lần dư nự cho vay.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố báo cáo tài chính riêng kiểm toán năm 2022.
Tính đến hết 31/12/2022, tổng tài sản của Agribank đạt 1,873 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với cuối năm 2021 (1,694 triệu tỷ đồng).
Ngân hàng này năm vừa rồi thu về gần 60.000 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng gần 30% so với năm 2021.
Các chỉ tiêu khác cũng tăng trưởng 2 chữ số gồm lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 2.857 tỷ, tăng 89%. Lãi từ hoạt động khác (chủ yếu từ thu hồi, xử lý nợ) đạt 9.825 tỷ đồng, tăng 21%.
Tổng tiền gửi khách hàng đạt 1,627 triệu tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2021 (1,545 triệu tỷ đồng).
Agribank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 17.680 tỷ đồng, tăng mạnh 51,4% so với năm 2021 (11.674 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Agribank đạt trên 1,443 triệu tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối 2021 (1,314 triệu tỷ đồng).
Lãi từ hoạt động dịch vụ sụt giảm 5% so với cùng kỳ còn 4.110 tỷ đồng.
Về tài sản thế chấp tại Agribank đến hết năm 2022 là 2,53 triệu tỷ đồng. Trong đó, giá trị tài sản thế chấp là bất động sản đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 270.000 tỷ (tương đương 10,5%) so với năm trước và cao gấp gần 1,6 lần so với tổng dư nợ cho vay là 1,44 triệu tỷ đồng, chiếm 90,5% tổng giá trị tài sản thế chấp tại ngân hàng. Có thể thấy, cứ mỗi đồng cho vay tại Agribank lại được đảm bảo bởi 1,6 đồng tài sản thế chấp là bất động sản.
- Thu nhập của lao động ngành bất động sản, xây dựng sụt giảm
Thu nhập bình quân quý I của người lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 197.000 đồng so với quý trước. Nhưng một số ngành như bất động sản và xây dựng ghi nhận thu nhập sụt giảm.
Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố hôm 6/4, trong quý I, thu nhập bình quân của người lao động trên cả nước là 7 triệu đồng/tháng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, so với quý trước, quý I năm nay chứng kiến sự sụt giảm về thu nhập bình quân tháng của người lao động trong một số ngành kinh tế, nhất là ngành hoạt động kinh doanh bất động sản.
- VinFast chốt thời điểm nhận xe
Ngày 6/4/2023, VinFast công bố chính sách mới về việc chốt cọc và hoàn cọc cho khách hàng đã đặt mua ô tô điện VF e34 và VF 8. Theo đó, VinFast đề nghị khách hàng đã đặt cọc cam kết (50 triệu đồng) thực hiện các thủ tục mua xe trong vòng 7 ngày; khách hàng đã đặt cọc tiên phong (10 triệu đồng) đăng ký thời điểm nhận xe và chuyển sang trạng thái đặt cọc cam kết trong vòng 15 ngày.
Trường hợp khách hàng không còn nhu cầu nhận xe, VinFast sẵn sàng hoàn cọc và hỗ trợ vô điều kiện thêm 20% trên số tiền đã đặt.
Chính sách mới được VinFast công bố nhằm chấm dứt tình trạng đầu cơ voucher và đặt cọc ảo, nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và mang lại sự minh bạch, công khai trên thị trường.
- Thu nhập của người lao động tăng, bình quân 7 triệu đồng/tháng
Tổng cục Thống kê cho hay, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2023 là 7,0 triệu đồng và ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn.
Sáng 6/4, Tổng cục Thống kê họp báo thông tin về tình hình lao động, việc làm quý I/2023, cho thấy thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý I/2023 là 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I/2023 là khoảng 885,5 nghìn người, giảm 12,4 nghìn người so với quý trước và giảm 443,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê cho hay, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2023 là 7,0 triệu đồng, tăng 197 nghìn đồng so với quý trước và tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,0 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng).
Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
- Thị trường Fintech nở rộ tại khu vực châu Á
Fintech vẫn là một trong những phân khúc phổ biến và linh hoạt nhất ở châu Á, bất chấp những thách thức kinh tế vĩ mô gần đây.
Các công ty công nghệ tài chính trên toàn cầu năm qua đã phải trải qua một giai đoạn khó khăn về tài chính khi lạm phát và lãi suất tăng cao khiến các nhà đầu tư rút lui khỏi lĩnh vực này.
Nhưng Fintech châu Á lại là một câu chuyện khác khi đầu tư đạt mức cao kỷ lục 50,5 tỷ USD vào năm ngoái. Trong khi tâm lý các nhà đầu tư còn tỏ ra e ngại sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon thì triển vọng cho fintech - ít nhất là ở châu Á - Thái Bình Dương, vẫn rất sáng sủa.
Các nhà phân tích kỳ vọng các doanh nghiệp công nghệ tài chính (từ dịch vụ thanh toán đến bitcoin) sẽ tăng mạnh trên khắp châu Á khi thu nhập tăng lên và việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số được ứng dụng rộng rãi hơn.