- Nhận tin tốt, vàng đồng loạt bật tăng
Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 7 thấp hơn kỳ vọng đã kích hoạt vàng thế giới và trong nước đồng loạt bật tăng trong ngày cuối tuần.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi đứng yên trong ngày hôm 4/8, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 5/8 tại Hà Nội chưa có sự biến động ở chiều mua và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,6 – 67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,6 – 67,3 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng 5/8 tăng 160.000 đồng/lượng so với ngày hôm 4/8, hiện đứng ở mức 56,33 – 57,18 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng 9,3 USD lên 1.942,6 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York tăng 7,3 USD, tương ứng tăng 0,37% lên 1.976,1 USD/ounce.
Với mức giá khoảng 1.942,6 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 56,59 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 10,73 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng 5/8 đứng ở mức 102,45 điểm.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua niêm yết ở mức 23.825 đồng/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.634 – 25.016 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.963 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.550 – 23.950 đồng/USD.
Sáng 5/8 tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.730 đồng/USD và bán ra là 23.780 đồng/USD.
- Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá gạo tiếp tục tăng mạnh tại châu Á
Trên thị trường, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm, đạt 627-630 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với mức giá 545 USD/tấn được ghi nhận vào tuần trước.
Trong tuần qua, giá gạo tiếp tục tăng mạnh tại hầu hết các trung tâm xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á, do tâm lý lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sau lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Trên thị trường, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm, đạt 627-630 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với mức giá 545 USD/tấn được ghi nhận vào tuần trước.
Một thương nhân ở thủ đô Bangkok cho biết giá gạo cao khiến hoạt động bán hàng ngưng trệ, đồng thời tiết lộ nhiều khả năng sẽ có thêm nguồn cung mới tham gia thị trường vào cuối tháng này.
Một thương gia khác chia sẻ Thái Lan có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2023, nhưng vẫn phải theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ấn Độ. Sau khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải basmati ngày 20/7, giá gạo đồ 5% tấm của nước này đã tăng lên mức kỷ lục 450-455 USD/tấn.
Một nhà xuất khẩu cho biết giá gạo đồ của Ấn Độ tăng, vì đó là loại gạo duy nhất được phép xuất khẩu. Nhưng nhu cầu đang thấp hơn bình thường vì giá cao.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm cũng đang được chào bán ở mức đỉnh của 15 năm, là 590-600 USD/tấn, cao hơn so với mức 550-575 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá gạo tiếp tục tăng sau khi Ấn Độ và một số nước khác hạn chế xuất khẩu.
Nhận định về triển vọng giá gạo, nhiều thương nhân nói: “Chưa biết giá sẽ tăng đến mức nào.” Trong hai tuần qua, giá lúa của Việt Nam đã tăng mạnh, lên ngưỡng 6.800-7.200 VND (0,29-0,3 USD)/kg, do nhu cầu lớn từ các nhà xuất khẩu và chế biến.
- Số tài khoản cá nhân mở mới lại bùng nổ, cao nhất trong vòng 1 năm trở lại
Với số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt mức kỷ lục trong tháng 7 đã nâng tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam tính tới cuối tháng 7/2023 đạt gần 7,5 triệu tài khoản...
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 151 nghìn tài khoản chứng khoán trong tháng 7, chiếm 99,8% số lượng tài khoản mở mới của toàn thị trường. Con số mở mới đã tăng hơn 3% so với tháng trước (146.000 tài khoản) và đây là mức cao nhất của tháng tính trong vòng 1 năm trở lại.
Cũng trong tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài gồm tổ chức và cá nhân cũng mở mới 212 tài khoản chứng khoán.
Như vậy, tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam tính tới cuối tháng 7/2023 đạt gần 7,5 triệu tài khoản, giả sử mỗi nhà đầu tư mở một tài khoản thì tỷ lệ người dân mở tài khoản chứng khoán đạt khoảng 7,5% dân số.
Số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân tăng mạnh trong bối cảnh VN-Index đã tăng trưởng ấn tượng 9,2% trong tháng 7. Với hiệu suất này, VN-Index có hiệu suất vượt trội hơn so với hầu hết các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.