Điểm tin kinh doanh 6/7: Vàng cần giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce để kích thích sự chú ý mới

Việt Báo (Tổng hợp)| 06/07/2023 06:00

Dầu Brent giảm trong phiên 5/7 do quan ngại về kinh tế toàn cầu; Hơn 70 mã chứng khoán tiếp tục bị HoSE cắt margin trong quý III/2023

gia-vang-1640664377026498321790.jpeg

- Vàng cần giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce để kích thích sự chú ý mới

Theo nhà môi giới hàng hóa cao cấp, giá vàng cần giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce để thu hút sự chú ý mới và trong xu hướng giảm hiện tại, kim loại quý này có thể kiểm tra mốc 1.700 USD/ounce.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 100.000 đồng/lượng trong ngày hôm 4/7, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 5/7 quay đầu giảm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,4 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,4 – 67,0 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng 5/7 tăng 60.000 đồng/lượng so với hôm 4/7, hiện đứng ở mức 55,43 – 56,28 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm 4/7 tại Mỹ tăng 4 USD lên 1.925,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng 5/7, giá vàng điều chỉnh nhẹ xuống mức 1.924 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 8/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,1 USD, tương ứng tăng 0,01% xuống 1.929,5 USD/ounce.

Vàng đang giữ mức tăng khiêm tốn trong phiên giao dịch trầm lắng hôm thứ Ba khi thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ Lễ Độc lập.

Mặc dù giá vàng vẫn trong xu hướng giảm, nhưng một số nhà phân tích đang kỳ vọng vàng và bạc sẽ kiểm tra các mức kháng cự ngắn hạn sau khi giữ mức hỗ trợ 1.900 USD/ounce vào tuần trước.

Các nhà phân tích lưu ý rằng lợi suất trái phiếu tăng, khi lợi suất 10 năm được đẩy lên gần 4% vào thứ Hai, có thể kìm hãm giá vàng và bạc trong tuần này.

“Các nhà giao dịch vàng cảm thấy khó khăn khi lợi suất của Mỹ tăng dần, nhưng người mua vẫn sẵn sàng tham gia thị trường dưới mức 1.900 USD/ounce với hy vọng rằng chúng ta đang tiến gần đến đỉnh trong quỹ đạo tăng của lợi suất Mỹ”, Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại Swissquote Bank nói.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, Daniel Pavilonis, nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures, cho biết giá vàng có thể cần giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce để thu hút sự chú ý mới.

Ông cho biết thêm rằng, trong xu hướng giảm hiện tại, ông sẽ không ngạc nhiên khi thấy giá vàng kiểm tra hỗ trợ trong phạm vi từ trung bình đến cao là 1.700 USD/ounce, điều này có thể báo hiệu đáy của thị trường.

"Fed vẫn chưa hoàn thành và vàng có thể gặp khó khăn khi lãi suất tiếp tục tăng cao hơn", ông nói.

Với mức giá khoảng 1.924 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 56,11 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 10,91 triệu đồng/lượng.

- Viettel Post (VTP) chi 130 tỷ đồng tiền mặt để chi trả cổ tức năm 2022

HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel - Viettel Post (VTP-UPCoM) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2022, tỷ lệ 19,11%.

Cụ thể, theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 thông qua, Viettel Post sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 11,5%/cổ phần (01 cổ phần được nhận 1.150 đồng) và 7,61% bằng cổ phiếu. Tổng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 là 19,11%.

Về việc chi trả cổ tức với tỷ lệ 11,5% bằng tiền mặt, Viettel Post cần chi hơn 130 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Thời gian thanh toán dự kiến trong quý III năm 2023, do Tổng Giám đốc lựa chọn căn cứ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty.

Đối với việc chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần, căn cứ theo tỷ lệ phân bổ quyền được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 thông qua, số lượng cổ phần dự kiến phát hành là 8.612.545 cổ phần (tính theo số lượng cổ phần hiện tại của Viettel Post là 113.174.057 cổ phần) với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là 7,61%. Theo đó, cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách cổ đông để nhận cổ tức được nhận 761 cổ phiếu mới.

Ngoài ra đối với chứng khoán chưa lưu ký, cổ đông sở hữu làm thủ tục nhận cổ tức tại văn phòng làm việc Viettel Post tại Hà Nội.

- Dầu Brent giảm trong phiên 5/7 do quan ngại về kinh tế toàn cầu

Chuyên gia Tomomichi Akuta cho hay giá dầu tiếp tục chịu sức ép do những lo ngại về kinh tế toàn cầu sụt giảm và lãi suất tiếp tục tăng tại Mỹ và châu Âu.

Giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm trong phiên 5/7, xóa sạch đà tăng đạt được sau khi Saudi Arabia và Nga thông báo sẽ gia hạn và cắt giảm sản lượng hơn nữa trong tháng 8/2023, trong bối cảnh lo ngại về kinh tế toàn cầu sụt giảm gây sức ép lên tâm lý thị trường.

Khoảng 14 giờ 04 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 46 xu Mỹ (0,6%) xuống 75,79 USD/thùng, sau khi tăng 1,6 USD/thùng trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,07 USD/thùng (1,5%) lên 70,86 USD/thùng so với mức đóng phiên ngày 3/7.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Tomomichi Akuta tại công ty tư vấn và nghiên cứu Mitsubishi UFJ cho hay giá dầu tiếp tục chịu sức ép do những lo ngại về kinh tế toàn cầu sụt giảm và lãi suất tiếp tục tăng tại Mỹ và châu Âu. Thị trường có thể bấp bênh trong một khoảng thời gian, tập trung vào các chỉ dấu kinh tế tại Trung Quốc và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Ông dự đoán giá dầu Brent có thể giao dịch ở mức 75 USD/thùng.

- TP. HCM: 4 ngành công nghiệp trọng yếu cần thêm nhiều nhân lực

Trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu nhân lực của TP.HCM cần khoảng 145.000-155.000 chỗ làm việc, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FAMI) thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, 6 tháng cuối năm 2023, thành phố cần khoảng 155.000-165.000 chỗ làm việc nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến theo chiều hướng tích cực, tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu khả quan, doanh nghiệp tại thành phố có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất, nhu cầu lao động tăng, tạo điều kiện ổn định thu nhập cho người lao động.

Ở một trường hợp khác, nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn có chiều hướng chậm lại làm ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chậm lại, nhu cầu nhân lực của thành phố 6 tháng cuối năm khoảng 145.000-155.000 chỗ làm việc.

Trong số đó, nhu cầu nhân lực của các đơn vị, doanh nghiệp tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 21,97% và 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 54,77%. Cụ thể, nhu cầu nhân lực ở khu vực thương mại, dịch vụ chiếm 64,57% tổng nhu cầu nhân lực. Khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 34,62% và khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,81%.

Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 21,97%. Trong đó, ngành cơ khí chiếm 6,11%; điện tử-công nghệ thông tin, chiếm 7,2%; chế biến tinh lương thực thực phẩm, chiếm 4%; hóa dược-cao su, chiếm 4,64%.

- Hơn 70 mã chứng khoán tiếp tục bị HoSE cắt margin trong quý III/2023

Đa phần 76 cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ đều là chứng khoán thuộc diện cảnh báo, kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt, hoặc chưa đủ thời gian niêm yết.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã công bố danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Theo đó, có 76 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý IIII/2023, tổng số lượng đã tăng thêm 2 mã so với số lượng trong danh sách công bố hồi đầu quý II.

Đây chủ yếu là những cổ phiếu quen thuộc năm trong diện cảnh báo hoặc kiểm soát như ABS, APC, AST, BCE, CIG, DXV, EVG, FDC, GMC, HVN, ITA, LDG, OGC, POM, PPC, PVP, SCD, SJF, TDH, TGG, TTF, VCA, VNL,...

Cổ phiếu VDS của Chứng khoán Rồng Việt là cổ phiếu công ty chứng khoán duy nhất bị cắt margin, nguyên nhân là do mã nay đang trong diện bị cảnh báo, không thể giao dịch ký quỹ, 2 mã HAG của Hoàng Anh Gia Lai và HNG của HAGL Agrico cũng tiếp tục bị cắt margin quý III trong diện cảnh báo của HoSE.

Ngoài ra vẫn là những cái tên quen thuộc trong danh sách này như GAB và AMD thuộc họ FLC, HBC của Xây dựng Hoà Bình, HPX của Hải Phát, IBC của Apax Holdings,…

Bên cạnh đó, danh sách 76 cổ phiếu bị cắt margin quý III còn một loạt chứng chỉ quỹ do giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong 3 tháng liên tiếp (FUEKIV30, FUEKIVFS, FUEIP100, FUEDCMID, FUCVREIT, FUCTVGF3) hay chứng chỉ quỹ mới niêm yết như FUEMAVND, FUEFCV50.

Một số cổ phiếu như TTB, EMC còn bị cắt margin do chứng khoán bị đình chỉ giao dịch hay huỷ niêm yết. Đây đều là những doanh nghiệp có lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ/lợi nhuận sau thuế trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 là số âm.

Theo quy định, nhà đầu tư sẽ không được sử dụng hạn mức tín dụng (đòn bẩy tài chính-margin) do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua 76 mã cổ phiếu bị xếp vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ này.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 6/7: Vàng cần giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce để kích thích sự chú ý mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO