- Giá vàng: Đứng yên
Giá vàng hôm 5/1, vàng trong nước duy trì ổn định so với giá hôm 4/1. Thị trường vàng trong nước và thế giới "đứng yên" nghe ngóng.
Theo ghi nhận vào chiều 5/1, giá vàng trên thị trường trong nước được niêm yết cụ thể như sau:
Vàng DOJI tại Hà Nội: 72 triệu đồng/lượng mua vào (bằng giá hôm 4/1), 75 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 4/1).
Vàng DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 72 triệu đồng/lượng mua vào (bằng giá hôm 4/1), 75 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 4/1).
Vàng SJC tại Hà Nội và SJC tại Đà Nẵng: 72 triệu đồng/lượng mua vào, 75,02 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 4/1).
Vàng SJC Phú Quý: 72,2 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 200 nghìn đồng/lượng so với giá hôm qua), 74,8 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 4/1).
VIETINBANK GOLD: 72 triệu đồng/lượng mua vào, 75,02 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 4/1).
Giá vàng hôm nay 5-1 tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 72,1 triệu đồng/lượng mua vào và 74,75 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh: 62 triệu đồng/lượng mua vào, 63,1 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 4/1).
Vàng PNJ tại Hà Nội giao dịch ở mức 62 triệu đồng/lượng (bằng giá hôm 4/1).
Như vậy, giá vàng trong nước chiều 5/1: Giá vàng trong nước "án binh bất động", chỉ duy nhất vàng SJC Phú Quý tăng so với phiên giao dịch hôm 4/1 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào.
Giá vàng trên thị trường thế giới chiều 5/1: Giá vàng thế giới giao ngay giao dịch ở mức 2043,8 USD/ounce.
Thị trường vàng thế giới ổn định sau 4 phiên giảm do các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu (giờ Mỹ) để biết thêm manh mối về thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Dự báo về xu hướng giá vàng, theo một số chuyên gia phân tích vẫn giữ lạc quan về vàng trong trung hạn khi cho rằng không sớm thì muộn Fed phải cắt giảm lãi suất.
- Vì sao Intel đầu tư 25 tỷ USD vào Israel
Việc nhận được khoản trợ cấp trị giá 3,2 tỷ USD được cho là một trong những nguyên nhân khiến Intel quyết định đầu tư vào Israel, dù xung đột vũ trang ở đây vẫn đang leo thang. Cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt.
Thông tin được báo chí nước ngoài đưa từ những ngày cuối năm 2023, đó là Intel, tập đoàn bán dẫn hàng đầu của Mỹ, đã quyết định đầu tư 25 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất mới tại Israel. Sẽ không có gì đáng nói, nếu như hiện nay, xung đột vũ trang Israel - Hamas vẫn đang leo thang.
Vậy điều gì đã khiến Intel đã vượt qua e ngại để quyết định đầu tư lớn vào Israel.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Intel đầu tư vào Israel. Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới đã hiện diện ở Israel vào năm 1974 và cho đến nay, đã đầu tư hơn 50 tỷ USD ở đất nước này. Dự án mới là nhà máy thứ 3 mà Intel đầu tư ở Israel.
Nhìn vào lịch sử đầu tư này, không quá khó hiểu vì sao Intel lại đầu tư lớn ở Israel. Thông tin trên tờ Nhật báo Chosun của Hàn Quốc cho biết, do Intel đã trở thành trụ cột của ngành công nghệ của Israel nên những lợi ích mà công ty này nhận được từ Chính phủ Israel là rất đáng kể.
Cụ thể, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tiêu chuẩn của Israel là 23%, nhưng với Intel, mức thuế áp dụng chỉ là 5%. Cùng với đó, số tiền trợ cấp lớn mà Intel nhận được mỗi khi thực hiện đầu tư cũng đóng một vai trò nhất định.
Thông tin từ Chosun cho biết, khi Intel quyết định đầu tư 25 tỷ USD cho dự án mới, khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử tại Israel, thì Chính phủ Israel đã quyết định cung cấp khoản trợ cấp 3,2 tỷ USD, tương đương 12,8% số tiền này.
Như vậy, bên cạnh việc Israel lâu nay vẫn là một thị trường quan trọng, thì khoản trợ cấp “khủng” này có thể là một trong những nguyên nhân khiến Intel không ngại ngần rót vốn vào khu vực vẫn đang có chiến sự.
- Doanh thu năm 2023 của PVN đạt kỷ lục 942,8 nghìn tỷ đồng
Trong năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu Chính phủ giao, vượt mức kế hoạch từ 2 – 33%. Đặc biệt, tổng doanh thu của PVN đã phá kỷ lục của năm 2022…
Trong báo cáo mới nhất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), năm 2023, tổng doanh thu toàn Tập đoàn lập kỷ lục mới trong lịch sử hình thành và phát triển, đạt 942,8 nghìn tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, sản lượng dầu khí suy giảm và biến động không ổn định của giá các sản phẩm dầu khí chủ lực, tổng doanh thu năm 2023 của PVN đã tăng 11,6 nghìn tỷ đồng. Con số này đã phá kỷ lục của năm 2022 là 931,2 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 3 đơn vị gồm BSR, PVOIL và PVCFC đạt kỷ lục về sản xuất kể từ khi đi vào hoạt động với 7,3 triệu tấn xăng dầu và 950 nghìn tấn Urea.
Về kinh doanh, PVOIL đạt kỷ lục với 5,2 triệu m3 kinh doanh xăng dầu và PVGas với gần 2,5 triệu tấn kinh doanh LPG.
Theo PVN, tổng doanh thu toàn Tập đoàn tương đương 9,2% GDP cả nước, tổng nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn chiếm tỷ trọng khoảng 9% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023.
- Chấn chỉnh công ty chứng khoán trong cung cấp dịch vụ với trái phiếu riêng lẻ
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã có các văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh các công ty chứng khoán trong hoạt động cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán chấp hành nghiêm các quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán, đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; công ty chứng khoán, nhân viên, người hành nghề chứng khoán của công ty chứng khoán không được thực hiện tư vấn, chào mời, bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho đối tượng không đúng quy định.
Công ty chứng khoán không được thực hiện xác nhận chuyển nhượng, chuyển quyền sở hữu đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thuộc trường hợp phải đăng ký, lưu ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội theo quy định.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
- Thanh tra Chính phủ chỉ ra nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy
Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính tính toán các chỉ tiêu cấu thành giá cơ sở xăng dầu không chính xác, không sát với thị trường, dẫn tới việc khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh nhiều thương nhân đầu mối đã ngừng nhập khẩu để tránh thua lỗ.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ Tài chính đã tính toán các chỉ tiêu cấu thành lên giá cơ sở xăng dầu không chính xác, không sát với thị trường, như quyết định áp dụng mức chi phí xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để tính vào giá cơ sở là thiếu cơ sở pháp luật, áp dụng “định mức” về chi phí từ nhiều năm trước không còn phù hợp với thị trường.
Do không theo kịp biến động của thị trường nên khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, nhiều thương nhân đầu mối đã ngừng nhập khẩu để tránh thua lỗ.
Về công tác điều hành giá xăng dầu, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thiếu kiểm tra, giám sát các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, dẫn đến một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dựng giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu thiếu cơ sở.
Nêu trách nhiệm về việc nhập khẩu xăng dầu không đầy đủ, Thanh tra Chính phủ cho biết, Bộ Công Thương là cơ quan điều phối khối lượng xăng dầu nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, bộ này không hướng dẫn, quản lý các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu xăng dầu theo quý, dẫn đến không có kế hoạch, tiến độ chung để quản lý.
Nhiều thương nhân không nhập khẩu xăng dầu, không nêu rõ lý do hoặc lý do không phù hợp, thời gian gửi báo cáo chậm hơn theo quy định nhưng đều được Bộ Công Thương chấp thuận.
Đáng chú ý, kết luận thanh tra cũng xác định các thương nhân đầu mối có vai trò như nhau nhưng do cách quản lý, điều hành thiếu khách quan, công bằng của Bộ Công Thương dẫn đến một số thương nhân đầu mối phải thực hiện nhiệm vụ của một số thương nhân đầu mối còn lại. Do đó, nhiều thương nhân không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ khi cần thiết. Chẳng hạn việc giao 10 đầu mối phải nhập khẩu sản lượng tăng thêm, trong khi có tất cả 32 thương nhân đầu mối nhập khẩu.
“Qua đó cho thấy trong trường hợp nguồn cung xăng dầu đòi hỏi cấp thiết, việc điều hành xuất, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương không hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu”, kết luận thanh tra chỉ rõ.
Thanh tra Chính phủ nhận định, Bộ Công thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời, dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc đã được quy định trong Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.