Điểm tin kinh doanh 5/6: Giá vàng trong nước sẽ biến động thế nào trong tuần này?

Việt Báo (Tổng hợp)| 05/06/2023 06:00

"Núi tiền" 44.000 tỉ đồng ở VNPT; Phó Thống đốc NHNN nêu 3 lý do khiến tín dụng tăng trưởng thấp

gia-vang-1680930193629515717515-1422-1684206746731-1684206746983408218172.jpg

- Giá vàng trong nước sẽ biến động thế nào trong tuần này?

Giá vàng thế giới tuần qua tăng nhẹ nhưng trong nước đứng yên, nhiều chuyên gia đưa ra dự báo về giá vàng trong nước trong tuần này.

Giá vàng miếng niêm yết tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC thời điểm khảo sát lúc 10h30 ngày 4/6 với giá mua vào 66,35 triệu đồng/lượng và bán ra 67,05 triệu đồng, không thay đổi so với cuối tuần trước.

Trong khi đó, vàng nhẫn 4 số 9 được SJC mua vào 55,55 triệu đồng và bán ra 56,55 triệu đồng, giảm 50.000 đồng sau một tuần.

Còn tại Tập đoàn Phú Quý, giá vàng niêm yết ở mức 66,35 - 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); vàng PNJ tại Hà Nội và TP.HCM giao dịch ở mức 66,40 - 67,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); vàng Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 66,40 - 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); vàng tại Hà Nội đang niêm yết ở ngưỡng 66,35 - 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)…

Khảo sát cho thấy, giá vàng của hầu hết các thương hiệu trong nước được điều chỉnh giảm 50.000 đồng/lượng so với hôm trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 55,55 triệu đồng/lượng mua vào, 56,6 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng/lượng so với hôm 3/6.

Như vậy, giá vàng hôm 4/6 ở thị trường trong nước tiếp tục biến động trong biên độ hẹp, duy trì mức ở giá cao và giao dịch trầm lắng.

Giá vàng thế giới tuần này biến động mạnh khi có thời điểm giảm sâu về ngưỡng 1.935 USD/ounce nhưng cũng có lúc tăng mạnh lên ngưỡng 1.980 USD/ounce.

Tổng kết tuần trước, thị trường vàng thế giới vẫn đang tăng nhẹ so với tuần trước đó. Nhờ đó, việc này đã chấm dứt được chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp.

Theo các nhà phân tích, với việc thỏa thuận giới hạn nợ được thông qua và báo cáo mới công bố cho thấy sức khỏe của thị trường vẫn tốt, thị trường vàng không loại trừ khả năng Fed sẽ tăng lãi suất khác vào mùa hè này.

Theo Hội đồng vàng thế giới, nhiều quốc gia không ngừng mua vàng dự trữ trong các tháng đầu năm nay. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là nước mua vàng lớn nhất kể từ đầu năm. Chẳng hạn trong tháng 4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua ròng 9,1 tấn vàng và đây là tháng mua ròng thứ 6 liên tiếp của ngân hàng này.

Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ đánh giá, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ vẫn mạnh trong năm nay với ước tính sẽ mua khoảng 700 tấn vàng, dù giảm so với năm 2022 nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 500 tấn mỗi năm kể từ năm 2010.

Trong khi đó, nhiều ý kiến dự báo giá vàng tuần này sẽ đi lên. Kết quả cuộc khảo sát của Kitco News có sự tham gia của 19 nhà phân tích Phố Wall thì có 10 người, chiếm 53% dự báo vàng sẽ tăng; có 5 nhà phân tích tương đương 26% nhận định ngược lại và 4 người, tương đương 21% nghĩ rằng kim loại quý đi ngang.

Riêng cuộc khảo sát trực tuyến với 509 nhà đầu tư cá nhân tham gia có 307 người, chiếm 60% cho rằng vàng sẽ tăng giá. Bên cạnh đó, có 124 người, tương đương 24% dự báo vàng sẽ giảm và số còn lại tương ứng 15% nhận định vàng đi ngang.

- "Núi tiền" 44.000 tỉ đồng ở VNPT

Tính đến ngày 31/12/2022, lượng tiền và tương đương tiền, cùng các khoản tiền gửi ngân hàng của VNPT (công ty mẹ) đạt tới 44.229,4 tỉ đồng, tương đương hơn 1,8 tỉ USD.

Báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2022 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, tại ngày 31/12/2022, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 87.569,9 tỉ đồng.

Trong đó, tài sản cố định của VNPT ghi nhận đạt 31.059 tỉ đồng, chiếm 35,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 6.526,7 tỉ đồng, chiếm 7,4% tổng tài sản, giảm 1,9% so với đầu năm.

Đáng chú ý, lượng tiền và tương đương tiền, cùng các khoản tiền gửi ngân hàng của VNPT đạt tới 44.229,4 tỉ đồng, tương đương 1,87 tỉ USD, chiếm 50,5% tổng tài sản.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, VNPT ghi nhận 3.459,7 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm 14,3% so với đầu năm.

Đặc biệt, “ông lớn” viễn thông này còn có 40.769,7 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, kỳ hạn gốc từ 4-12 tháng.

Với “núi tiền” đem gửi ngân hàng, năm 2022, VNPT mang về 2.181,7 tỉ đồng từ tiền gửi, tăng 28,1% so với năm trước, chiếm 69,2% doanh thu hoạt động tài chính.

Ngoài lãi tiền gửi, doanh thu hoạt động tài chính của VNPT còn có 959,6 tỉ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia và 10,1 tỉ đồng lãi chênh lệch tỷ giá.

Kết thúc năm 2022, VNPT ghi nhận doanh thu thuần đạt 36.608,5 tỉ đồng, lợi nhuận gộp giảm 9,2 so với cùng kỳ xuống đạt 4.017 tỉ đồng. Trừ đi chi phí, VNPT báo lãi sau thuế riêng công ty mẹ đạt 4.143,2 tỉ đồng.

Theo kế hoạch được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, năm 2023, VNPT đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ đạt 39.485 tỉ đồng, tăng 7,8% so với thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 53,8% xuống 2.229 tỉ đồng.

- Phó Thống đốc NHNN nêu 3 lý do khiến tín dụng tăng trưởng thấp

Tính đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022, cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hơn đáng kể, theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN.

Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 diễn ra chiều 3/6, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14-15% và đã phân bổ phù hợp cho từng tổ chức tín dụng. Đến hết tháng 5/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022.

Tuy nhiên, nhìn lại cùng kỳ năm 2022 - tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của NHNN không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm nay nhích hơn một chút, từ 14 - 15% mà tín dụng tăng thấp, ông Hà cho rằng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hơn đáng kể so với năm ngoái.

Phó Thống đốc Hà chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này:

Thứ nhất, các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng.

Thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 5/6: Giá vàng trong nước sẽ biến động thế nào trong tuần này?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO