Điểm tin kinh doanh 4/6: Vàng trong nước và thế giới đều giảm mạnh

Việt Báo (Tổng hợp)| 04/06/2023 06:00

Hơn 30 doanh nghiệp gia hạn nợ trái phiếu thành công; Doanh nghiệp các ngành và mức vốn nào rút khỏi thị trường nhiều nhất?

vang-hoang-ha-1-1305-1243-1684207882503-16842078830182130042203.jpg

- Vàng trong nước và thế giới đều giảm mạnh

Chịu sự ảnh hưởng của sự sụt giảm mạnh của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng rớt mạnh vào sáng ngày thứ bảy 3/6.

Sáng ngày 3/6, giá vàng do Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố điều chỉnh giảm 150 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều mua vào và giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra với vàng miếng SJC 9999 loại 1 lượng trở lên; niêm yết cụ thể ở mức 66,3 triệu đồng/lượng mua vào và 67 triệu đồng/lượng bán ra.

Vàng miếng SJC 9999 loại 5 chỉ có giá bán ra là 67,02 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC 9999 loại 2 chỉ trở xuống bán ra 67,03 triệu đồng/lượng.

Với các loại vàng khác, giá vàng nhẫn SJC 9999 cũng giảm 150 nghìn đồng mỗi lượng, giá niêm yết vàng nhẫn 9999 loại 1 chỉ trở lên hiện mở mức 55,55 triệu đồng/lượng mua vào và 56, 5 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng nhẫn SJC 9999 loại 0,5 chỉ có giá bán là 56,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới sáng ngày 3/6 theo giờ Việt Nam giao dịch tại mức 1.948 USD/ounce, giảm mạnh tới 33 USD so với trước đó 1 ngày.

- Ngân hàng số ở Mỹ thắng thế trong cuộc chiến thu hút tiền gửi

Trong khi các ngân hàng khu vực ở Mỹ chứng kiến khách hàng ồ ạt rút tiền, các ngân hàng số đang thu hút tiền gửi nhờ cung cấp lãi suất cao hơn khi họ không tốn chi phí vận hành các chi nhánh.

Lượng tiền gửi trong quí đầu tiên ở các ngân hàng khu vực lớn của Mỹ như U.S. Bank, Truist Financial và Citizens Financial giảm mạnh, thậm chí giảm nhanh hơn so với lượng tiền gửi ở các ngân hàng khu vực đang gặp bất ổn như Western Alliance và PacWest.

Tuy nhiên, lượng tiền gửi trong quí vừa qua tăng lên ở các ngân hàng trực tuyến như Marcus của Goldman Sachs và Ally Financial, vốn không có mạng lưới chi nhánh. Tiền gửi cũng tăng tại Capital One, ngân hàng tập trung vào hoạt động trực tuyến và có ít chi nhánh hơn nhiều so với các ngân hàng khu vực lớn khác. Các ngân hàng số thường cung cấp các mức lãi suất tiền gửi cao hơn, vì họ không phải trả tiền cho bất động sản, nhân viên hoặc thiết bị cần thiết để vận hành một mạng lưới chi nhánh truyền thống.

- Hơn 30 doanh nghiệp gia hạn nợ trái phiếu thành công

Theo VNDirect, tính đến ngày 23/5 đã có trên 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX.

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 5/2023 tiếp tục trầm lắng, trong khi hoạt động đàm phán giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ diễn ra tích cực, đã có thêm những tổ chức phát hành đàm phán thành công với trái chủ về gia hạn thời hạn trái phiếu.

Theo thống kê của VNDirect, tính từ đầu tháng 5 cho đến ngày 23/5 không có đợt phát hành TPDN riêng lẻ mới nào được thực hiện. Tổng giá trị TPDN riêng lẻ phát hành trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 26.137 tỷ đồng giảm 80% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo thống kê của người viết trên HNX, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo vừa công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, công ty đã phát hành thành công 4 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 2.600 tỷ đồng. Tất cả 4 lô trái phiếu trên đều có kỳ hạn 60 tháng, ngày phát hành là 25/5/2023, ngày đáo hạn là 25/5/2028.

Như vậy, tính cả 4 lô này, tổng giá trị TPDN riêng lẻ phát hành trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 28.737 tỷ đồng.

Theo tổng hợp của VNDirect, tính đến ngày 23/5 đã có trên 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX.

- Chủ GEM Center báo lãi đột biến 130 tỉ đồng năm 2022

In Hospitality, chủ sở hữu các trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM như Gem Center, White Palace ghi nhận mức lãi sau thuế năm 2022 cao gấp 11 lần so với năm 2021.

CTCP In Hospitality (In Hospitality) vừa công bố tình hình tài chính năm 2022, trong đó ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỉ đồng, tăng gấp 11 lần so với năm 2021.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của In Hospitality đạt 978,8 tỉ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2021.

Ở bên kia bảng cân đối, vốn chủ sở hữu của In Hospitality đạt 670,4 tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2021. Số dư nợ phải trả đạt 308,4 tỉ đồng, giảm 17,4%.

Hiện tại, In Hospitality còn 45 tỉ đồng trái phiếu đang lưu hành. Số trái phiếu này nằm trong lô trái phiếu trị giá 180 tỉ đồng được phát hành vào tháng 5/2019, kỳ hạn 6 năm, với mức lãi suất cho kỳ đầu tiên là 9,6%/năm.

Trong năm 2022, In Hospitality đã chi ra 112,4 tỉ đồng để thanh toán lãi và gốc cho trái chủ của lô trái phiếu này.

- Doanh nghiệp các ngành và mức vốn nào rút khỏi thị trường nhiều nhất?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2022, cả nước có 143.198 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó có một số ngành có số lượng doanh nghiệp rút lui tăng cao như: Kinh doanh bất động sản (tăng 42,4%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 35,4%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 31,6%); Giáo dục và đào tạo (tăng 31,2%); Thông tin và truyền thông (tăng 28,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 23,8%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 19,9%); Xây dựng (tăng 18,8%),...

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đa phần có quy mô nhỏ (từ 0-10 tỷ đồng) chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ với 101.732 doanh nghiệp, chiếm 71% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,6% so với năm 2021.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 88.040 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp này tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (tăng 47,1%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 42%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 32,8%); Vận tải kho bãi (tăng 28,6%); Xây dựng (tăng 25,5%),…

Điểm lại số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng: Kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất khi số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 42,4% so với năm 2021) và trong 5 tháng đầu năm 2023 (tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2022).

"Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng nhanh hơn so với số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường", Bộ KH-ĐT lưu ý.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 4/6: Vàng trong nước và thế giới đều giảm mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO