- Giá vàng: Vàng giao dịch ổn định ở ngưỡng hơn 85 triệu đồng/lượng bán ra
Giá vàng hôm 3-12 không ghi nhận biến động của giá vàng trong nước khi vàng SJC giao dịch ổn định quanh ngưỡng 82,8 triệu đồng/lượng mua vào; 85,3 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng nhẫn PNJ đang được giao dịch quanh ngưỡng 83 triệu đồng/lượng mua vào; 84,2 triệu đồng/lượng bán ra.
Trên thế giới, sáng 3-12 theo giờ Việt Nam, giá vàng niêm yết trên Kitco đang ở ngưỡng 2.636 USD/ounce, giảm nhẹ so với phiên trước đó.
Trong một bài phân tích trên Kitco News, các chuyên gia cho rằng, thị trường vàng vẫn là thước đo quan trọng về tâm lý kinh tế toàn cầu, với các biến động của nó cung cấp thông tin chi tiết về các xu hướng tài chính rộng hơn.
Trong khi giá kim loại quý giảm đáng kể sau khi Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, các động lực cơ bản dài hạn cho vàng vẫn thuận lợi, trong khi cả vàng và bạc vẫn ở vị thế tốt về mặt kỹ thuật, theo các nhà phân tích hàng hóa tại WisdomTree.
“Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống đã có tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính toàn cầu, dẫn đến sự phân kỳ rộng rãi giữa các tài sản rủi ro”, họ viết trong Báo cáo hằng tháng về hàng hóa mới nhất. “Hàng hóa giảm 0,7%, trái phiếu giảm 0,7% trong khi cổ phiếu toàn cầu tăng 0,4% và bitcoin tăng vọt 47,3% so với tháng trước”.
Các nhà phân tích thừa nhận rằng kim loại quý đã hoạt động kém hiệu quả trên diện rộng vào tháng trước. Vàng chịu áp lực sau chiến thắng bầu cử của Trump trong bối cảnh đồng đô la Mỹ mạnh hơn và lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ tăng mạnh. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều yếu tố hỗ trợ vàng. Kỳ vọng lạm phát cao hơn có thể có lợi cho vàng như một hàng rào chống lạm phát. Các biện pháp cắt giảm thuế được đề xuất của Trump dự kiến sẽ làm tăng đáng kể thâm hụt ngân sách, có khả năng làm trầm trọng thêm mối lo ngại về khả năng tín dụng của tài chính công Hoa Kỳ, do đó có lợi cho vàng.
Các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi cũng có khả năng tiếp tục tăng tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối của họ, củng cố vị thế của vàng. Quay trở lại bức tranh kỹ thuật, các nhà phân tích lưu ý rằng ngay cả với sự thoái lui sau bầu cử, vàng và bạc vẫn có vị thế tốt so với các mặt hàng khác.
- Tập đoàn Singapore muốn đầu tư thêm khu công nghiệp VSIP tại Việt Nam
Lãnh đạo một tập đoàn Singapore thông tin sẽ có kế hoạch phát triển khu công nghiệp carbon thấp, công nghệ cao và trung tâm dữ liệu xanh để đồng hành với định hướng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của Việt Nam…
Ngày 2/12, nhân chuyến thăm Singapore, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc Sembcorp Development, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị VSIP Group Lee Ark Boon.
Ông Lee Ark Boon cho biết Sembcorp tiếp tục đầu tư thêm các khu công nghiệp tại Việt Nam. Tập đoàn này cũng có kế hoạch phát triển khu công nghiệp carbon thấp, công nghệ cao, trung tâm dữ liệu xanh để đồng hành với định hướng chuyển đổi xanh của Việt Nam. Đồng thời, Sembcorp mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch này.
Hiện Sembcorp đang nắm 51% vốn công ty Liên doanh Trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) - nhà đầu tư, phát triển các khu công nghiệp VSIP tại Việt Nam trong 28 năm qua. Đến nay, tập đoàn này đã đầu tư 18 khu công nghiệp VSIP tại 13 tỉnh, thành phố, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động.
- Áp lực trái phiếu đáo hạn cuối năm lên tới 65.000 tỷ đồng
Từ nay tới cuối năm 2024, tổng lượng trái phiếu đáo hạn dự kiến lên tới 65.000 tỷ đồng, tương đương gần 10% hạn mức tín dụng còn lại của năm.
Những tháng cuối năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đứng trước một giai đoạn đầy thách thức với khối lượng đáo hạn ước tính lên đến hơn 65.000 tỷ đồng, tương đương gần 10% hạn mức tín dụng còn lại của năm. Đây là một bài toán không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp phát hành mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ thị trường tài chính.
Khối lượng trái phiếu phát hành trong 10 tháng đầu năm 2024 đã tăng mạnh, đạt hơn 332.854 tỷ đồng, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm trước, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA). Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 2,5% quy mô tín dụng, thấp hơn so với mức 4,5-6% trong giai đoạn 2019-2021. Điều này phản ánh sự điều chỉnh trong cấu trúc huy động vốn khi lĩnh vực ngân hàng chiếm đến 72% tổng lượng phát hành, trong khi bất động sản chỉ còn 17%, giảm đáng kể so với các năm trước.
Tuy nhiên, áp lực đáo hạn lớn đang đặt gánh nặng lên các doanh nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực ngoài ngân hàng như bất động sản và năng lượng tái tạo. Trong hai tháng cuối năm, khoảng 40% tổng số trái phiếu đáo hạn thuộc về các doanh nghiệp bất động sản, tương đương 26.255 tỷ đồng. Những doanh nghiệp này đang đối mặt với khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ, đặc biệt khi khung pháp lý mới chỉ cho phép gia hạn trái phiếu tối đa hai năm theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP.
Bước sang giai đoạn 2025-2026, áp lực đáo hạn trái phiếu dự kiến còn tăng cao hơn, đạt 250.000 tỷ đồng vào năm 2025 và 230.000 tỷ đồng vào năm 2026. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc gặp khó khăn trong huy động vốn mới sẽ chịu tác động nặng nề. Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn e dè sau những biến động gần đây, trong khi chi phí vay vốn ngày càng tăng cao do áp lực lãi suất.
- DKSH Việt Nam được vinh danh “Nơi Làm Việc Tốt Nhất” năm thứ ba liên tiếp
DKSH, nhà cung cấp Dịch vụ Phát triển Thị trường tiếp tục được vinh danh là "Nơi Làm Việc Tốt Nhất" (Great Place To Work) năm thứ ba liên tiếp tại Việt Nam.
Năm nay, hơn 1.200 nhân viên tại DKSH Việt Nam được mời tham gia khảo sát của Great Place To Work. Kết quả khảo sát cho thấy 92% nhân viên cảm thấy được chào đón khi gia nhập công ty. Hơn nữa, môi trường làm việc tại DKSH được đánh giá cao về sự bình đẳng và an toàn, không phân biệt giới tính hay xu hướng tính dục với tỷ lệ đồng thuận là 97%. Thông qua khảo sát, DKSH có được nhiều dữ liệu giá trị giúp thúc đẩy những cuộc đối thoại cởi mở, gia tăng sự tin tưởng, đề cao tính công bằng, trao quyền cho lãnh đạo, và tăng cường tính hợp tác trong công ty.
Chứng nhận "Great Place to Work" đặt ra tiêu chuẩn để xác định và vinh danh các văn hóa doanh nghiệp xuất sắc. Chứng nhận này là kết quả của một quy trình đánh giá kỹ lưỡng kết hợp với khảo sát toàn diện đối với nhân viên của công ty thông qua nhiều khía cạnh của văn hoá doanh nghiệp như sự tin tưởng, năng lực lãnh đạo, cùng nhiều yếu tố khác.
Bà Phạm Thị Thúy Vân, Giám đốc Nhân sự Quốc gia, DKSH Việt Nam, cho biết: “Tại DKSH, tất cả hoạt động đều khởi nguồn từ con người. Chúng tôi xây dựng một môi trường làm việc nơi mà nhân viên có thể phát triển toàn diện để cùng hướng tới sứ mệnh chung là nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người. Theo kết quả từ khảo sát, chúng tôi luôn đề cao sự giao tiếp, chính trực, công bằng, tính lãnh đạo và làm việc nhóm tại DKSH. Nhờ ưu tiên phát triển con người, DKSH tạo dựng một nền tảng cho sự đổi mới, cung cấp dịch vụ chất lượng cao, và hướng đến thành công bền vững”.
- Xuất khẩu thuỷ sản 11 tháng đạt gần 9,2 tỷ USD
Xuất khẩu thủy sản tháng 11/2024 tuy chững lại nhẹ nhưng vẫn duy trì tăng trưởng ấn tượng với giá trị đạt 924 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản tháng 11/2024 tuy chững lại nhẹ nhưng vẫn duy trì tăng trưởng ấn tượng với giá trị đạt 924 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế 11 tháng năm 2024 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11 và dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm. Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan. Cá tra đạt 1,84 tỷ USD trong 11 tháng qua và dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ chạm mốc 2 tỷ USD. Mặt hàng cá ngừ, mặc dù tăng trưởng chậm lại, vẫn tăng 8% so với tháng 11/2023, và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022.
Ngoài ra, một số sản phẩm như cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao; trong đó, nhuyễn thể có vỏ đạt mức tăng trưởng ấn tượng tới 180%.
- Tỷ lệ sở hữu bất động sản Việt Nam cao hàng đầu thế giới
Môi trường lãi suất và hiệu quả đầu tư các kênh trong nước đều củng cố nhu cầu mua bất động sản của người tiêu dùng.
Năm 2024 ghi nhận mức quan tâm lớn đến các vấn đề về giá bán và khó khăn khi sở hữu bất động sản. Số liệu từ Global Property Guide cho thấy giá bán bất động sản Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng so với thế giới.
Cụ thể, tăng trưởng giá 5 năm của Việt Nam đạt mức 59%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ (54%), Úc (49%), Nhật Bản (41%), Singapore (37%)… Mức giá tăng cao khiến lợi suất cho thuê bất động sản ở Việt Nam chỉ ở mức 4%, trong khi nhiều quốc gia khác như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Anh, Úc, Mỹ có lợi suất cho thuê bất động sản giao động từ 5% – 7%.