- Giá vàng SJC chạm đáy một tháng
Chiều 30/5, giá vàng SJC xuống dưới 67 triệu đồng/lượng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5.
Cụ thể, lúc 15h, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua - bán vàng tại mức 66,35 - 66,95 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng ở cả hai chiều so với phiên liền trước. Đà giảm này đã đưa giá vàng miếng SJC rơi xuống vùng thấp nhất tính từ ngày 1/5 đến nay.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI giữ nguyên giá giao dịch vàng miếng SJC so với cuối ngày 29/5, hiện ở 66,35 triệu đồng/lượng (mua) và 66,95 triệu đồng/lượng (bán).
Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý và Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện cùng niêm yết giá vàng ở mức 66,40 - 66,95 (mua - bán).
Cùng chung xu hướng giảm, giá vàng miếng tại hầu hết doanh nghiệp khác đều đã rời mốc 67 triệu đồng/lượng trong chiều nay.
Trên thị trường thế giới, giá vàng tiếp tục suy giảm sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố đã đạt được thỏa thuận gia hạn trần nợ công đến tháng 1/2025. Tuy nhiên, việc gia hạn nợ công còn phải được Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua vào ngày 5/6.
Trong khi đó, thị trường tiếp tục dự báo Mỹ sẽ có một đợt tăng lãi suất vào tháng 6 và đến tháng 7 còn tăng tiếp. Khi đó, đồng USD sẽ tăng giá rất mạnh, tạo sức ép lên giá vàng thế giới.
Trước bối cảnh trên, nhà đầu tư đã hạn chế giao dịch vàng, khiến giá kim quý thế giới biến động không đáng kể, hiện đứng ở mức 1.943 USD/ounce.
Mức giá này quy đổi ra tiền Việt tương đương khoảng 55,43 triệu đồng/lượng (theo tỷ giá USD tại Vietcombank). Như vậy, giá vàng thế giới hiện thấp hơn khoảng 11 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng SJC và thấp hơn 1 triệu đồng so với vàng nhẫn 99,99.
- Hàng nghìn lao động bị mất việc, Phó Thủ tướng chỉ đạo nhiều bộ, ngành vào cuộc
Trước việc Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (TP.HCM) cho hàng nghìn người nghỉ việc, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Sau khi nhận được báo cáo về tình hình cắt giảm lao động tại Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến giao Bộ Kế hoạch và đầu tư khẩn trương trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới.
Bộ LĐ-TB&XH được giao nắm chắc tình hình thực tế người lao động mất việc làm để chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp phù hợp theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án ban hành chính sách hỗ trợ người lao động.
UBND các tỉnh, thành tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động về kinh phí công đoàn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, thúc đẩy đối thoại, thương lượng, kịp thời bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động và người sử dụng lao động.
- Hà Nội dẫn đầu cả nước sản phẩm OCOP
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lũy kế đến nay, TP. Hà Nội đã có 2.167 sản phẩm được đánh giá, công nhận.
Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, bao gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao. Với số lượng này, Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên) mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất.
Thời gian qua, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã của thành phố hỗ trợ chủ thể lựa chọn sản phẩm tham gia, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP, trong đó có việc viết câu chuyện cho sản phẩm.
Theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm, thành phố sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Với nhiều dư địa để phát triển, việc thực hiện mục tiêu này của thành phố sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần thiết thực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Cổ phiếu bất động sản tăng mạnh
Nhiều cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đã bật tăng mạnh mẽ, trong đó nhiều cổ phiếu penny (công ty quy mô nhỏ) tăng trần.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 30/5 vẫn giữ được phiên tăng điểm, tiến sát 1.080 điểm mặc dù trong phiên có nhiều rung lắc. Trong đó, cổ phiếu trụ VCB quay đầu tăng mạnh vào cuối phiên góp 1,7 điểm trong hơn 3 điểm tăng của VN-Index.
Trong phiên giao dịch này, nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch khá sôi động và hút được dòng tiền nên tăng tích cực. Cụ thể, nhiều cổ phiếu bất động sản đã tăng trần như: VRC, QCG, LGL, TDH; PDR tăng 5,8%, NVL tăng 2,3%, CEO tăng 3%, EVG tăng 6,2%, NHA tăng 4,1%, HDC tăng 3,4%, HDG tăng 3,4%, TDG, ITA, DXG, FCN tăng từ 2% đến gần 3%...
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giữ được đà tăng tích cực với BSR, OIL, POS, PTV, PVB, PVC, PVD, PVS… đều tăng hơn 1%.
Nhóm cổ phiếu Blue-chips ngoài VCB cũng có nhiều cổ phiếu tăng điểm như PLX, VRE, CTG, FPT, VPB, MSN, MWG… góp phần kéo VN-Index tăng hơn 3 điểm khi chốt phiên. Điểm trừ là khối ngoại quay lại bán ròng mạnh gần 517 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,07 điểm lên hơn 1,078 điểm (0,29%) với 225 mã tăng giá, 156 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.
Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 1,03 điểm (0,47%) lên 221,33 điểm với 102 mã tăng giá, 68 mã giảm giá và 74 mã đứng giá.
Dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào thị trường với thanh khoản tăng mạnh, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chính thức lên 18.200 tỷ đồng.
- Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm mạnh
Sáng 30/5, tại TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội thảo Xu hướng và cơ hội cho nông thuỷ sản.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 810 triệu USD. Tính chung 4 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số thị trường truyền thống của thuỷ sản Việt Nam, như: châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc có dấu hiệu giảm sút mạnh. Trong đó, nhiều nhất là Hoa Kỳ giảm tới hơn 50%, Trung Quốc giảm 37%...
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhận định, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường triển vọng đối với nông, thuỷ sản Việt Nam trong những tháng tới.
Tuy nhiên, cá, tôm và một số mặt hàng thủy sản chế biến của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đang chịu áp lực cạnh tranh với hàng hoá cùng ngành của Ecuador, Ấn Độ, Newzealand… nhất là về giá cả, mẫu mã.