- Kim loại quý tiếp tục lao dốc
Giá vàng thế giới tiếp tục đi xuống khi đón nhận thông tin chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ có tín hiệu phục hồi tích cực.
Sáng 2/9, giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh ngưỡng gần 1.939,7 USD/ounce, giảm 3 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng 1/9.
Trước đó, chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào đêm 1/9 - rạng sáng 2/9 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức trên 1.939 USD/ounce, đi ngang so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm là do, ngày 1/9, nền kinh tế Mỹ đã công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực sản xuất (PMI) tháng 8 đã tăng lên 47,9 điểm, tăng mạnh so với mức 47 điểm được công bố trước đây hơn 1 tuần vào ngày 23/8.
Mặc dù đây là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này nằm ở dưới ngưỡng mở rộng là 50 điểm, nhưng đã tích cực hơn báo cáo trước đó. Chỉ số PMI gộp cả sản xuất và dịch vụ sẽ công bố vào ngày 6/9, dự kiến nằm trong vùng mở rộng trên 50 điểm.
Cùng với đó, ngày 1/9, Mỹ đã công bố báo cáo việc làm tháng 8 và tỉ lệ thất nghiệp. Theo đó, việc làm mới được tạo ra trong tháng 8 ở lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 187.000 việc, bằng với mức đạt được của tháng 7 và tăng mạnh so với mức 170.000 việc làm theo dự báo. Tỉ lệ thất nghiệp tuy có tăng từ 3,5% tháng 7 lên 3,8% tháng 8, nhưng đây vẫn là tỉ lệ rất thấp.
Sau chỉ số PMI của Mỹ và việc làm tháng 8 đều cho thấy tín hiệu tích cực, điều này khiến đồng USD vọt tăng trên thị trường, đẩy giá vàng giảm sâu. Chỉ số Dolla-Index – đo lường sức mạnh đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt đã tăng mạnh 0,62% so với sáng qua, lên mức 104.260 điểm vào lúc 6h2 sáng nay (giờ Hà Nội).
Chuyên gia nhận định, giá vàng còn chịu áp lực khi đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang tăng. Đây là cơ hội để nhà đầu tư chuyển dòng tiền đầu tư từ vàng sang các tài sản sinh lời kể trên.
Giá vàng trong nước sáng 2/9 ổn định trong ngày lễ 2/9. Lúc 9h, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 67,6 triệu đồng/lượng, bán ra 68,3 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm 1/9.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh ngưỡng 56,3 triệu đồng/lượng mua vào, 57,4 triệu đồng/lượng bán ra, không thay đổi so với hôm 1/9. Thị trường vàng trong nước đang trong kỳ nghỉ lễ 2/9 nên nhu cầu giao dịch thấp.
- Giá gạo thế giới chưa có dấu hiệu giảm
Giá gạo tại các nước xuất khẩu chính, bao gồm Thái Lan và Việt Nam, đã tăng khoảng 20% kể từ khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu một số loại gạo, khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
Giá gạo tăng cao đã thúc đẩy nông dân Ấn Độ mở rộng diện tích canh tác. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Ấn Độ ngày 1/9 cho thấy diện tích trồng lúa tại Ấn Độ đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 39,8 triệu ha.
Việc quốc gia sản xuất và tiêu thụ gạo lớn thứ hai thế giới trồng lúa nhiều hơn có thể làm giảm bớt mối lo ngại về nguồn cung gạo ở nước này.
Vào tháng Bảy, Ấn Độ đã bất ngờ áp đặt lênh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati, đe dọa sẽ làm giảm gần một nửa lượng gạo xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết lượng gạo xuất khẩu của nước này tính đến ngày 29/8 đã tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, lên 5,29 triệu tấn.
Một quan chức của Bộ Thương mại Thái Lan, Ronarong Poolphiphat cho biết, sự gia tăng xuất khẩu gạo của nước này xuất phát từ tâm lý lo ngại khi hiện tượng thời tiết El Nino gây hạn hán tại nhiều quốc gia và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ khiến các nước nhập khẩu gạo đẩy mạnh mua vào để duy trì an ninh lương thực.
Trong tuần này, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ổn định quanh mức 643 USD/tấn và gạo 5% tấm của Thái Lan neo gần mức 646 USD/tấn.
- OCB chi 3.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn
Vừa huy động thành công 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu, OCB đã thông báo chi 3.000 tỷ đồng mua lại 3 lô trái phiếu trước hạn.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố thông tin Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (HoSE: OCB) đã mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đang lưu hành của ba mã OCBL2124005, OCBL2124006 và OCBL2225010 vào ngày 29/8.
Theo đó, ngân hàng đã thực hiện mua lại toàn bộ 1.000 trái phiếu mỗi lô. Với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, như vậy OCB đã chi 3.000 tỷ đồng cho thương vụ này.
Lô trái phiếu OCBL2124005 và OCBL2124006 có kỳ hạn 3 năm, đều được phát hành vào ngày 24/8/2021 với lãi suất cố định là 3,5%/ năm. Lô trái phiếu OCBL2225010 có kỳ hạn 3 năm, được phát hành vào ngày 24/8/2022 với lãi suất cố định là 5,2%/ năm.
Mục đích phát hành các lô trái phiếu này nhằm tăng quy mô vốn hoạt động phục vụ nhu cầu cho vay trong hoạt động kinh doanh của OCB.
Ở chiều ngược lại, ngày 28/8 vừa qua HNX đã công bố thông tin OCB đã phát hành thành công lô trái phiếu OCBL2326006 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành là 2.000 tỷ đồng.
Lô trái phiếu có thời hạn 3 năm, từ ngày 18/8/2023 đến 18/8/2026 với lãi suất phát hành 6,6%/năm.
Đây là lô trái phiếu thứ 6 được ngân hàng này phát hành trong năm nay. Trước đó, vào ngày 22/6, OCB đã công bố nghị quyết về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền hoặc không có bảo đảm/bảo lãnh thanh toán trong năm 2023.
Theo đó, OCB dự kiến sẽ phát hành tối đa 26.000 trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Theo kế hoạch, lượng trái phiếu này sẽ được phát hành thành 15 đợt, giá trị mỗi đợt từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng từ quý II - IV/2023.
- Thủy sản Việt thiệt hại 500 triệu USD mỗi năm nếu bị áp ‘thẻ đỏ’
Dự kiến tháng 10, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành đánh giá lần thứ 4 về thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam. Đây là cuộc kiểm tra quyết định thủy sản Việt Nam có gỡ được "thẻ vàng” sau 6 năm bị cảnh báo. Trường hợp bị áp "thẻ đỏ", thiệt hại sẽ rất nặng nề.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thẻ vàng IUU của EC đã khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.
Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do tác động bởi dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.
Đến năm 2022, tức sau 5 năm, tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đã giảm còn 9,4%. Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Nếu bị áp thẻ đỏ, thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên tới 518 triệu USD.
- Xuất khẩu sầu riêng cán mốc 1,2 tỷ USD sau 8 tháng
Xuất khẩu sầu riêng đã lập kỷ lục mới về kim ngạch khi cán mốc 1,2 tỷ USD trong 8 tháng năm 2023, chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
“Đánh bật” thanh long, xuất khẩu sầu riêng đạt con số kỷ lụcXuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, cách nào để chắc chân thị trường?Mặt hàng sầu riêng đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt mức kỷ lục
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng tới 57,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,45 tỷ USD.
Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất cho ngành hàng rau quả Việt Nam.
Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng đã lập kỷ lục mới về kim ngạch khi cán mốc 1,2 tỷ USD trong 8 tháng, chiếm 30% trong tổng kim ngạch rau quả.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng đã tăng mạnh liên tục từ cuối năm 2022 đến nay và tăng đột biến trong tháng 5 và 6, với giá trị thu về lần lượt là 332 và 375 triệu USD do đây là chính vụ thu hoạch sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Sang tháng 7, sầu riêng xuất khẩu thu về gần 154 triệu USD, giảm 60,5% so với tháng 6 vì qua cao điểm thu hoạch sầu riêng, sản lượng không có nhiều.