- Giá vàng châu Á phiên 2/5 đi ngang chờ diễn biến cuộc họp của Fed
Giá vàng tại thị trường châu Á đi ngang trong phiên giao dịch ngày 2/5, giữa bối cảnh giới giới đầu tư thận trọng chờ đợi tín hiệu mới từ các ngân hàng trung ương.
Giá vàng tại thị trường châu Á đi ngang trong phiên giao dịch ngày 2/5, giữa bối cảnh giới giới đầu tư thận trọng chờ đợi tín hiệu mới từ các ngân hàng trung ương hàng đầu về chính sách tiền tệ của họ, đặc biệt là từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Chiều phiên này, giá vàng giao ngay dường như không thay đổi so với phiên trước đó, đứng ở mức 1.983,89 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn cũng ổn định ở mức 1.992,10 USD/ounce.
Cuộc họp của Fed, diễn ra trong hai ngày 2-3/5, được nhiều người dự đoán rằng sẽ chứng kiến việc ngân hàng này tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.
Ajay Kedia, Giám đốc công ty tư vấn giao dịch hàng hóa Kedia Commodities ở Mumbai (Ấn Độ), cho biết giá vàng có thể tiến tới mức 2.000 USD/ounce nếu Fed nêu bật những lo ngại về suy thoái kinh tế và gợi ý về việc tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất.
Theo dữ liệu được công bố hôm 1/5, hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm trong tháng 4/2023 nhưng áp lực lạm phát đang gia tăng, qua đó thúc đẩy kỳ vọng tăng lãi suất của Fed.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có khả năng tăng lãi suất lần thứ bảy liên tiếp trong cuộc họp chính sách ngày 4/5 tới.
Vàng vốn được biết đến như một hàng rào chống lại lạm phát và những bất ổn kinh tế, nhưng lãi suất tăng có xu hướng làm giảm nhu cầu đối với kênh đầu tư an toàn này.
- ‘Đoạn tuyệt’ với châu Âu, dầu Nga chảy về đâu?
Thay vì chảy đến châu Âu như thường lệ, hơn 60% sản phẩm dầu thô và dầu mỏ của Nga sẽ được vận chuyển đến châu Á trong năm nay, theo phát biểu của Phó thủ tướng Nga Aleksandr Novak.
Nga đã và đang đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi EU ngừng nhập dầu vận chuyển bằng đường biển của nước này.
Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, được thông qua trong gói trừng phạt thứ 6 của EU, đã chính thức có hiệu lực từ tháng 12 năm ngoái. Đồng thời, tại thời điểm đó, EU, Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Australia cũng đã đặt ra mức giá trần 60 USD/thùng dầu nhập khẩu từ Nga.
Theo Phó thủ tướng Novak, trong số 220 triệu tấn sản phẩm thô và tinh chế trước đây được chuyển cho các đối tác ở EU, Nga sẽ chuyển 140 triệu tấn sang thị trường châu Á và khoảng 90 triệu tấn cho các đối tác thân thiện ở phương Tây.
Ông Novak cho hay trong năm 2022, xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 7,6% lên 242 triệu tấn với sản lượng dầu thô đạt 535,2 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước.
Để chuyển nguồn cung cấp năng lượng sang "các nước thân thiện", Nga đã tăng cường vận tải qua cảng Kozmino lớn ở Viễn Đông. Nhờ đó, việc giao hàng cho các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng lên 42 triệu tấn mỗi năm.
Dữ liệu từ Cơ quan hải quan liên bang Nga cho thấy xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ đã tăng 42,8% vào năm 2022 so với năm trước với giá trị ước tính 383,7 tỷ USD.
Chỉ riêng khối lượng vận chuyển dầu đến Ấn Độ đã tăng 22 lần vào năm 2022. Nga cũng là nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2023, với khối lượng giao hàng từ tháng 1 đến tháng 2 tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo hàng tháng được bố hồi giữa tháng 4, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết hoạt động xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga đã tăng đáng kể trong tháng 3, lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Cụ thể, lượng xuất khẩu dầu của Nga đẫ tăng thêm 600.000 thùng mỗi ngày, lên tổng cộng 8,1 triệu thùng/ngày. Sự gia tăng này đã nâng doanh thu ước tính của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ lên 12,7 tỷ USD chỉ trog tháng 3.
- Gần 9 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm
Tính đến ngày 20/4/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ.
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023.
Đáng chú ý, tính đến ngày 20/4/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ.
Tính lũy kế đến ngày 20/04/2023, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực
Cùng với đó, theo đối tác đầu tư, hiện có 143 quốc gia, vùng lãnh có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 81,5 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 73 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.
Trong tổng số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,52 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 526,2 triệu USD, chiếm 12,8%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 496 triệu USD, chiếm 12,1%; Đài Loan 328,2 triệu USD, chiếm 8%; Nhật Bản 253 triệu USD, chiếm 6,2%;
Được biết, vốn đăng ký cấp mới có 750 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 4,11 tỷ USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 11,1% về số vốn đăng ký.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 3,34 tỷ USD, chiếm 81,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 386,3 triệu USD, chiếm 9,4%; các ngành còn lại đạt 380 triệu USD, chiếm 9,3%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.