- Giá vàng lao dốc vùn vụt
Theo cập nhật giá vàng hôm ngày 28/9, thị trường trong nước tiếp đà giảm, còn thế giới lao dốc vùn vụt.
Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 68,1 triệu đồng/lượng mua vào và 68,82 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP HCM, giá vàng SJC ngày 28/9 đang mua vào mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Giá vàng Doji tại khu vực Hà Nội đang là 68,05 triệu đồng/lượng mua vào và 68,85 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm 27/9. Giá vàng Doji ngày 28/9 ở TP HCM đang mua vào và bán ra thấp hơn 50.000 đồng/lượng so với khu vực Hà Nội, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm 27/9.
Giá vàng PNJ đang mua vào ở mức 68,1 triệu đồng/lượng và bán ra mức 69,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 68,15 triệu đồng mua vào, 68,78 triệu đồng/lượng bán ra.
Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 28/9, tiếp tục giảm nhẹ ở một số thương hiệu vàng.
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến trưa 28/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 28/9 giảm mạnh với vàng giao ngay giảm 24,1 USD xuống còn 1.876,2 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.890,9 USD/ounce, giảm 28,9 USD so với rạng sáng qua.
Vàng thế giới đã trượt khỏi ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng dưới 1.900 USD/ounce trong phiên giao dịch rạng sáng nay khi quan điểm "diều hâu" của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thúc đẩy đà tăng của lợi suất trái phiếu và đồng USD và đè bẹp xu hướng tăng giá của thị trường kim loại.
Dự báo về xu hướng giá vàng, theo một số nhà phân tích, đà giảm giá của vàng có thể đẩy giá xuống mức thấp nhất năm 2023 là 1.810 USD/ounce trên thị trường giao ngay. Một đợt bán tháo đã được kích hoạt sau khi Fed phát tín hiệu sẽ duy trì chính sách tiền tệ hạn chế trong tương lai gần ngay cả khi chu kỳ thắt chặt kết thúc.
Lập trường mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương Mỹ đã đẩy lợi suất trái phiếu lên mức cao nhất mới trong 16 năm và đồng USD lên mức cao nhất kể từ tháng 11, đẩy vàng trượt khỏi mức thấp nhất trong tháng 8 là 1.885 USD/ounce. James Stanley, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Forex.com, dự báo ngưỡng kháng cự ban đầu khoảng 1.850 USD/ounce.
Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng lạm phát cao hơn sẽ hỗ trợ vàng, nhưng theo Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex Exchange, lạm phát cao hơn đồng nghĩa với lãi suất cao hơn, khiến kim loại không chịu lãi suất phần nào trở nên kém hơn. Chandler dự đoán, vàng sẽ trượt xuống mức 1.840 USD/ounce.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích vẫn duy trì triển vọng tăng giá dài hạn đối với kim loại quý. Ole Hansen, chiến lược gia hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, nói rằng, giá năng lượng tăng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn đang tạo ra môi trường lạm phát đình trệ, điều mà ông kỳ vọng cuối cùng sẽ đẩy giá vàng trở lại trên 2.000 USD/ounce.
Với giá vàng trong nước tiếp tục giảm và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.876,2 USD/ounce (tương đương gần 55,5 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng ngày 28/9 tại thị trường vàng trong nước và thế giới là trên 13 triệu đồng/lượng.
- Tỷ giá tiếp tục tăng mạnh, NHNN có thể phải bán USD để can thiệp
Giới phân tích nhận định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể phải bán ngoại tệ can thiệp nếu USD tiếp tục tăng mạnh. NHNN đã mua hơn 6 tỷ USD từ đầu năm.
Giá USD trên thị trường quốc tế đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 tháng lại đây. Đồng bạc xanh trong nước tăng nhẹ. Giá USD ngân hàng đã lên mức 24.600 đồng/USD.
Các chuyên gia nhìn nhận, tỷ giá “nổi sóng” trong thời gian gần đây không chỉ do USD tăng giá trở lại trên thị trường quốc tế mà việc NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, ngược lại với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ cũng gây áp lực cho tỷ giá VND/USD.
Công ty Chứng khoán BSC trong báo cáo phân tích mới đây cho biết, đi ngược lại với xu hướng chung của chính sách tiền tệ thế giới nói chung hay Mỹ nói riêng, chính sách tiền tệ Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực đến từ tỷ giá.
Theo BSC, NHNN đã mua hơn 6 tỷ USD từ đầu năm, hoàn toàn có khả năng can thiệp tỷ giá bằng việc bán USD. Gần đây, bắt đầu từ ngày 21/09/2023, hoạt động trên thị trường mở đã trở lại. NHNN đã phát hành tín phiếu, tái khởi động lại chu kỳ điều hành tỷ giá.
Ngoài áp lực tỷ giá, BSC lưu ý Việt Nam cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát tăng trở lại từ tháng 7. Lạm phát cơ bản của Việt Nam tháng 8 ở mức 4,02%, vẫn đang trên đà giảm kể từ tháng 2/2023, cho thấy lạm phát tăng chủ yếu đến từ giá xăng dầu và giá lương thực. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, thì xu hướng tăng giá có thể lan sang các mặt hàng khác. Tính trung bình 8 tháng/2023, lạm phát đang ở mức 3,1%, vẫn còn dư địa so với mức trần 4,5% của năm nay.
- Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại, vẫn vượt xa Thái Lan
Trong tuần này, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang có xu hướng tăng trở lại và vẫn vượt xa gạo Thái Lan từ 10 - 50 USD/tấn.
Trong 2 tuần vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục sụt giảm, thậm chí có thời điểm rơi xuống dưới mốc 600 USD/tấn. Tuy nhiên, trong tuần này, giá gạo đang có xu hướng tăng trở lại.
Cụ thể, trong ngày 27/9, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 5 USD lên 613 USD/tấn. Gạo 25% tấn của Việt Nam cũng tăng thêm 5 USD, lên 598 USD/tấn. Với mức giá này, gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn vượt xa gạo Thái Lan từ 10 - 50 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu điều chỉnh tăng trở lại được đánh giá do tác động từ việc Philippines tuyên bố không giảm thuế nhập khẩu gạo. Thị trường tin rằng giai đoạn chờ chính sách của các nhà nhập khẩu Philippines đã kết thúc và giờ là lúc họ sẽ phải quay trở lại.
- Việt Nam có thể thiếu nguồn cung tiêu trong dài hạn
Giá tiêu hôm 28/9 đi ngang sau 2 phiên giảm liên tiếp. Trong dài hạn, Việt Nam có thể sẽ thiếu hụt nguồn cung tiêu do năng suất giảm và diện tích trồng liên tục bị thu hẹp.
Theo đó, giá tiêu hôm 28/9 tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khoảng 69.000 – 70.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 69.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại Đắk Nông và Đắk Lắk cùng ở mức 70.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại khu vực Đông Nam Bộ dao động trong khoảng từ 69.500 – 72.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm 28/9 tại Đồng Nai và Bình Phước lần lượt ở mức 69.500 đồng/kg và 71.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại Bà Rịa-Vũng Tàu ở mức 72.000 đồng/kg, vẫn cao nhất cả nước.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), hiện lượng tồn kho hạt tiêu thực tế trong dân không còn nhiều, phần lớn chỉ còn trong đại lý và một số nhà đầu cơ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chế biến cũng đã có đủ lượng hàng để chế biến cuối năm nên vẫn chưa thực sự cần phải mua vào thời điểm này.
Trong dài hạn, nguồn cung hồ tiêu của Việt Nam được dự báo thiếu hụt do năng suất giảm. Năng suất vụ tới được dự báo sẽ ở mức thấp khi diện tích trồng giảm, và thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến năng suất. Diện tích giảm trồng tiêu còn giảm khi nông dâng đang ngày càng chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như sầu riêng và chanh leo.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA nhận định, có thể nguồn cung sẽ thiếu hụt trong 3 năm tới nếu tình trạng chặt tiêu để chuyển sang trồng cây ăn quả kéo dài và có thể khiến nông dân “lỡ sóng” giá tiêu.
- Khách đi máy bay trong nước tiếp tục giảm
Trong 9 tháng qua, các đường bay kết nối Việt Nam với Hàn Quốc, Thái Lan có lượng khách đi lại nhiều nhất, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng khách quốc tế lên tới gần 267% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó khách nội địa đi lại bằng máy bay tiếp tục giảm.
Cục Hàng không - Bộ Giao thông vận tải thông tin, ước tới hết tháng 9 tổng lượng khách hàng không vận chuyển đạt hơn 56,3 triệu lượt, tăng tới 39,5% so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đạt hơn 23,7 triệu lượt, tăng gần 267% so với cùng kỳ năm trước, và bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, khách đi hàng không nội địa 9 tháng qua chỉ đạt hơn 32,6 triệu lượt, giảm tới hơn 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, lượng hàng hóa hàng không vận chuyển cũng giảm tới 18% so với cùng kỳ, tương đương chỉ đạt 726 nghìn tấn. Trong đó, hàng hóa quốc tế giảm 24%, hàng hóa nội địa tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.
Các hãng hàng không Việt đang khai thác 67 đường bay nội địa, trên 650 chuyến bay mỗi ngày, kết nối chủ yếu giữa Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng với 19 sân bay các địa phương.