Điểm tin kinh doanh 29/8: 25% doanh nghiệp bất động sản chỉ 'trụ' được hết quý 3 nếu thị trường vẫn khó khăn

Việt Báo (Tổng hợp)| 29/08/2023 06:00

Vàng SJC giữ vững trên mốc 68 triệu đồng mỗi lượng; Sự suy yếu kinh tế của Trung Quốc đang tác động xấu tới nhiều nền kinh tế trên toàn cầu

photo-1-16676142204081516034439.jpg

- Vàng SJC giữ vững trên mốc 68 triệu đồng mỗi lượng

Giá vàng giao ngay sáng 28/8 (giờ Việt Nam) giao dịch quanh mức 1.916 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức 12,2 triệu đồng/lượng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua - bán vàng miếng SJC ở mức 67,45 - 68,05 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng chiều mua và đứng yên chiều bán so với chốt phiên cuối tuần. Chênh lệch giá mua - giá bán ở mức 600.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 67,2 - 68,1 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, sau 4 tuần thua lỗ, vàng đã đạt mức tăng khiêm tốn vào cuối tuần trước. Hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 12 được giao dịch lần cuối ở mức 1.9410,90 USD/ounce, tăng 1,27%. Song các nhà phân tích lưu ý, thị trường vàng vẫn mắc kẹt trong chế độ "chờ xem" và dữ liệu kinh tế tuần tới có thể tạo ra một số biến động quan trọng.

Trên Kitco, giá vàng giao ngay sáng 28/8 (giờ Việt Nam) giao dịch quanh mức 1.916 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức 12,2 triệu đồng/lượng.

- Sự suy yếu kinh tế của Trung Quốc đang tác động xấu tới nhiều nền kinh tế trên toàn cầu

Nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, nhưng sự suy giảm đáng kể của nước này trong những tháng gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới.

Một số quốc gia đang chuẩn bị đón đòn giáng mạnh vào nền kinh tế khi nhập khẩu mọi thứ từ vật liệu xây dựng đến đồ điện tử của Trung Quốc đều sụt giảm.

Nhà sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất thế giới Caterpillar cho biết, nhu cầu về máy móc sử dụng trên các công trường xây dựng của Trung Quốc kém hơn so với suy nghĩ trước đây. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi các vấn đề kinh tế là “quả bom hẹn giờ”.

Các nhà đầu tư toàn cầu đã rút hơn 10 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc, với phần lớn là bán cổ phiếu bluechip. Goldman Sachs và Morgan Stanley đã cắt giảm mục tiêu đối với cổ phiếu Trung Quốc, đồng thời Goldman Sachs cũng cảnh báo về rủi ro lan tỏa sang phần còn lại của khu vực.

Cho đến nay, cùng với châu Phi, các nền kinh tế châu Á đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đối với hoạt động thương mại. Nhật Bản báo cáo xuất khẩu giảm lần đầu tiên trong hơn hai năm vào tháng 7 sau khi Trung Quốc cắt giảm mua ô tô và chip. Các thống đốc ngân hàng trung ương Hàn Quốc và Thái Lan tuần trước cho rằng sự phục hồi yếu kém của Trung Quốc đã khiến họ hạ dự báo tăng trưởng.

Sự suy thoái của Trung Quốc sẽ kéo giá dầu toàn cầu đi xuống và giảm phát ở nước này đồng nghĩa với việc giá hàng hóa được vận chuyển trên toàn thế giới đang giảm. Đó là một lợi ích cho các quốc gia như Mỹ và Anh vẫn đang phải vật lộn với lạm phát cao.

Một số thị trường mới nổi như Ấn Độ cũng nhìn thấy cơ hội, với kỳ vọng có thể thu hút đầu tư nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc.

Nhưng với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sự suy yếu kéo dài ở Trung Quốc sẽ gây tổn hại thay vì giúp ích cho phần còn lại của thế giới. Một phân tích từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc tăng 1 điểm phần trăm, tốc độ mở rộng toàn cầu được thúc đẩy thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm.

Peter Berezin, chiến lược gia trưởng toàn cầu của BCA Research cho biết, giảm phát của Trung Quốc “không phải là điều xấu” đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nếu phần còn lại của thế giới như Mỹ và châu Âu rơi vào suy thoái, trong khi Trung Quốc vẫn suy yếu, thì đó sẽ là một vấn đề – không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu”.

- Digiworld (DGW): Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 giảm 53% so với cùng kỳ

Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) vừa có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM giải trình nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay đều sụt giảm mạnh.

Về doanh thu thuần, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023 Digiworld ghi nhận đạt hơn 8.555 tỷ đồng, giảm 28% so với kết quả đạt được 11.918 tỷ đồng của năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 162,4 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái báo lãi 347,7 tỷ đồng.

Công ty cho biết, nguyên nhân sụt giảm này hoàn toàn đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Mảng máy tính xách tay và máy tính bảng sụt giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng trong thời kỳ kinh tế khó khăn giảm. Mảng này ghi nhận doanh thu đạt 2.426 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 44% kế hoạch năm đề ra cho mảng này.

Mảng điện thoại di động cũng chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế hiện tại, tương tự như máy tính xách tay. Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu mảng điện thoại di động đạt 4.089 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 47% kế hoạch năm.

Mảng thiết bị văn phòng ghi nhận mức giảm thấp hơn nhờ sự đóng góp doanh thu của Công ty Achison, doanh thu mảng này giảm 12% so với cùng kỳ, đạt doanh thu 1.410 tỷ đồng, hoàn thành 37% kế hoạch năm.

Mảng hàng tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm đạt doanh thu 290 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ 77% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu nhờ vào việc Digiworld gia nhập ngành hàng đồ uống và bắt tay với hai ông lớn là ABInbev và Lotte Chilsung.

Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, Digiworld mới hoàn thành 43% kế hoạch năm về doanh thu và 41% kế hoạch năm về lợi nhuận sau thuế.

- CIMB đồng hành cùng UpRace

CIMB Việt Nam (CIMB) chính thức đồng hành cùng UpRace với gói tài trợ chiến lược 1 tỷ đồng, hướng đến ủng hộ cho các tổ chức xã hội trong lĩnh vực giáo dục, môi trường, đồng thời xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh.

Trong khuôn khổ UpRace 2023, CIMB trở thành Nhà tài trợ chiến lược với tổng số tiền tài trợ lên đến 1 tỷ đồng. Khoản tài trợ này sẽ được UpRace chuyển đến các đối tác xã hội sau khi sự kiện kết thúc. Các đối tác xã hội thụ hưởng từ UpRace năm nay gồm có: Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Tổ chức hoạt động vì môi trường Green Việt, và Quỹ học bổng Vừ A Dính.

UpRace là dự án chạy bộ trực tuyến thường niên vì cộng đồng được khởi xướng từ năm 2018. Tương ứng với mỗi km chạy bộ được ghi nhận trên ứng dụng UpRace, các doanh nghiệp tài trợ cam kết quyên góp ít nhất 1,000 Việt Nam đồng cho các tổ chức xã hội.

Trong 5 năm vừa qua, UpRace đã thu hút 350.981 người tham gia, hoàn thành 16,5 triệu km cùng 24,8 tỷ tài trợ cho 7 đối tác xã hội đồng hành: Newborns Vietnam, Operation Smile Việt Nam, Green Việt, Vietseeds, Saigon Children Charity, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Save Vietnam Wildlife.

- 25% doanh nghiệp bất động sản chỉ 'trụ' được hết quý 3 nếu thị trường vẫn khó khăn

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nếu thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục gặp khó khăn, có tới 25% doanh nghiệp (DN) chỉ có thể bám trụ được tới hết quý 3/2023.

Báo cáo chuyên đề tháng 8/2023 về “Giải pháp phục hồi thị trường BĐS từ cơ chế chính sách đến hiệu quả thực thi” của VARS cho biết, có tới 50% DN được khảo sát khẳng định cơ quan quản lý tại địa phương đã bắt đầu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

14% DN được hỏi cho biết các hoạt động này đã mang lại kết quả cụ thể, các dự án căn bản đã xác định được hướng giải quyết. Trong đó, điển hình là các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội.

Tuy nhiên có tới 36% DN được khảo sát đánh giá, chính quyền địa phương nơi họ hoạt động kinh doanh mới dừng ở mức tiếp nhận thông tin, chưa có động thái hỗ trợ cụ thể.

“2/3 DN cho biết, chính quyền địa phương nơi DN hoạt động kinh doanh đã có động thái tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách. Nhưng chỉ gần 15% DN đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, bao gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất.... đạt mức độ hiệu quả, rất hiệu quả”, VARS cho biết.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, các DN thuộc lĩnh vực BĐS tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, 50% DN cho biết họ gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai, vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng.

Dữ liệu từ khảo sát của VARS với các hội viên VARS là sàn giao dịch BĐS cho thấy, có tới 20% sàn đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao.

“Số lượng DN BĐS quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường BĐS phục hồi tốt nhưng không nhiều.

Nếu tình hình khó khăn trên thị trường BĐS tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, có tới 25% DN chỉ có thể trụ được tới hết quý 3. Số lượng DN có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao”, VARS lo ngại.

- Giá gạo Việt Nam: Giữ vững vị trí cao nhất thế giới

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn giữ vững vị trí cao nhất thế giới.

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự biến động tăng/giảm nhẹ ở một vài loại. Nhìn chung, giá lúa vẫn neo ở mức cao chưa từng có tại nhiều địa phương giúp nông dân đạt lợi nhuận khá, tích cực sản xuất, đặc biệt là vụ Thu Đông.

Còn trên thị trường xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giao dịch ngày 25-8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vững vị trí cao nhất thế giới. Theo đó, giá gạo 5% tấm ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 623 USD/tấn.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 628 USD/tấn; Pakistan là 598 USD/tấn.

Trong tuần trước, thị trường gạo thế giới tiếp tục biến động khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo bằng việc áp thuế 20% với các loại gạo đồ và thông tin Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo. Những động thái này của các quốc gia xuất khẩu gạo có thể sẽ ảnh hưởng tới giá loại lương thực này trên thị trường thế giới trong ngắn hạn.

Tuy vậy, theo các doanh nghiệp, ở tình thế hiện tại, các doanh nghiệp gần như không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới và cũng tạm dừng thu mua lúa tại thị trường nội địa để nghe ngóng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 29/8: 25% doanh nghiệp bất động sản chỉ 'trụ' được hết quý 3 nếu thị trường vẫn khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO