- Nhà đầu tư lạc quan về triển vọng giá vàng tuần này
Khảo sát của Kitco News cho thấy, các nhà phân tích phố Wall tỏ ra thận trọng đối với vàng tuần này, trong khi nhà đầu tư lại đang tỏ ra lạc quan về kim loại quý.
Giá vàng thế giới cuối tuần qua tăng lên 1.915,8 USD/ounce, cao hơn 25 USD so với cuối tuần trước đó. Quy đổi tương đương, vàng thế giới đang có giá 55,8 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), cao hơn cuối tuần trước 1,2 triệu đồng.
Kim loại quý ghi nhận một tuần tăng trở lại lên trên ngưỡng 1.900 USD/ounce sau khi đã giảm sâu xuống dưới mức này. Thế nhưng, đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng đi lên cản trở đà tăng của vàng. Ngày cuối tuần, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Jackson Hole, cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ tiến hành cẩn thận khi quyết định xem có nên thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa hay không. Ông cũng nói rõ rằng ngân hàng trung ương vẫn chưa kết luận lãi suất chuẩn đã đủ cao để chắc chắn lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2%.
Sự không chắc chắn trong dự báo của Fed khiến thị trường đi ngang trong phiên cuối tuần. Các nhà phân tích cũng "chia phe" khi dự báo xu hướng của giá vàng trong tuần tới. Cụ thể, cuộc khảo sát của Kitco News với 12 nhà phân tích Phố Wall thì kết quả cho thấy số người dự báo giá vàng tăng và giảm ngang bằng nhau với 5 người cho mỗi bên. Còn lại 2 người nhận định vàng đi ngang.
Trong khi đó, cuộc khảo sát trực tuyến với sự tham gia của 559 nhà đầu tư cá nhân thì có 338 người, chiếm 69% vẫn nghĩ rằng vàng sẽ tăng; 114 người khác, tương ứng 20% đưa ra ý kiến ngược lại và có 57 nhà đầu tư, tương đương 10% nhận định vàng đi ngạng.
Tại thị trường trong nước, giá kim loại quý được niêm yết cụ thể như sau: Tập đoàn Vàng Bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,200 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,100 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 67,450 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,980 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 67,350 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,070 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 67,300 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,950 triệu đồng/lượng (bán ra).
- Thương vụ mua bán cổ phiếu nghìn tỷ của thiếu gia, ái nữ nhà chủ tịch ngân hàng
Bà Hồ Thuỷ Anh, con gái ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, chi hơn 2.720 tỷ đồng mua cổ phiếu TCB. Còn ông Đặng Quang Tuấn, con trai của ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, đã bán thỏa thuận gần 125 triệu cổ phiếu VIB với giá 2.630 tỷ đồng. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.
Bà Hồ Thuỷ Anh, con gái ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank vừa đăng ký mua 82.186.100 cổ phiếu TCB để phục vụ nhu cầu cá nhân. Giao dịch dự kiến được thực hiện trong thời gian từ ngày 25/8-19/9 theo phương thức khớp lệnh trên sàn và thoả thuận.
Nếu thành công, bà Hồ Thuỷ Anh sẽ nâng lượng cổ phiếu TCB nắm giữ từ mức 22,47 triệu lên 104,66 triệu đơn vị, tương đương 2,9757% vốn của Techcombank. Với mức giá trên thị trường là 33.100 đồng/cổ phiếu, ước tính, bà Hồ Thuỷ Anh sẽ phải chi hơn 2.720 tỷ đồng để thực hiện giao dịch nêu trên.
Ở chiều ngược lại, ông Đặng Quang Tuấn, con trai của ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, đã hoàn tất bán thỏa thuận gần 125 triệu cổ phiếu VIB (tương đương tỷ lệ 4,91%) trong thời gian 21/7-9/8. Ước tính giá trị giao dịch của ông Tuấn ở mức 2.630 tỷ đồng.
Cùng thời điểm giao dịch của ông Tuấn, Công ty cổ phần Funderra, tổ chức có liên quan đến ông Đặng Khắc Vỹ, đã đăng ký mua 124,7 triệu cổ phiếu VIB (tương ứng 4,9% vốn điều lệ VIB). Như vậy, nhiều khả năng giao dịch trên sẽ diễn ra giữa ông Đặng Quang Tuấn và Funderra.
- FPT Telecom ra mắt gói cước mới F-Game tốc độ cao dành riêng cho game thủ
Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) chính thức ra mắt gói dịch vụ Internet mới với tên gọi F-Game có nhiều ưu thế nổi bật dành cho các game thủ.
F-Game được ứng dụng công nghệ hiện đại hàng đầu là Dữ liệu lớn (Big Data) và Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tối ưu chất lượng đường truyền, đảm bảo mang tới một trải nghiệm gaming mượt mà.
Điểm nổi bật của gói cước mới F-Game là khả năng tối ưu tốc độ đường truyền ở mức cao, là một giải pháp giúp giải quyết tất cả các vấn đề khi chơi game của người dùng. F-Game sẽ giúp giảm tỷ lệ rớt gói (packet loss) tới 4 lần, giảm độ trễ (latency) tới 16ms khi chơi game đối kháng. Nhờ đó, gói cước này giải quyết được tình trạng giật lag, ping cao, rớt gói,..Người dùng được trải nghiệm tốc độ Internet lên tới 1Gbps (download), tốc độ tải thực tế tối đa được xác định theo năng lực thiết bị đầu cuối hoặc thiết bị sử dụng truy cập Internet của khách hàng.
Ngoài ra, gói cước F-Game sở hữu nền tảng công nghệ Wi-Fi 6 nhiều ưu điểm hơn so với công nghệ Wi-Fi 5 của dịch vụ Internet phổ biến trên thị trường Việt Nam, với tốc độ cao gấp 2,8 lần Wi-Fi 5 cho phép vùng phủ được mở rộng, kết nối nhiều thiết bị cùng lúc vẫn giữ tốc độ cao. Tính ổn định đường truyền khi nhiều người sử dụng cùng lúc cũng như tiết kiệm năng lượng tối đa cho các thiết bị truy cập cũng được tối ưu hơn.
Hơn 50 tựa game phổ biến trên thị trường hiện nay đều đang được gói F-Game hỗ trợ tối ưu trải nghiệm, như: Fifa online 4M, Valorant, Call of duty modern warfare 2,...
- Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15/8 đạt gần 210 tỷ USD, giảm 10,1%. Tuy vậy, sau đà giảm mạnh từ cuối năm ngoái, hoạt động xuất nhập khẩu đã bắt đầu có tín hiệu khởi sắc khi có sự tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước.
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 14,4 tỷ USD. Con số này cũng đưa tổng trị giá xuất khẩu từ đầu năm đến 15/8 đạt 209,4 tỷ USD, giảm 10,1%, tương ứng giảm 23,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
So với kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm, mức giảm đang nhẹ dần. Xuất khẩu tăng dần cao hơn tháng trước trong 3 tháng liên tiếp gần đây, thể hiện một số tín hiệu khởi sắc trong hoạt động thương mại.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, chỉ có một số mặt hàng có sự tăng trưởng, cụ thể như rau quả tăng 57,3%, hạt điều tăng 9,5%, cà phê tăng 3,2%, gạo tăng 35,2%, phương tiện vận tải, và phụ tùng tăng 16%, đá qúy, kim loại tăng 2%, giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 9,3%.
Trong khi đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như điện thoại các loại & linh kiện giảm 5,62 tỷ USD (giảm 15,1%); hàng dệt may giảm 3,5 tỷ USD (giảm 14,5%); máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 2,74 tỷ USD, (giảm 10%); gỗ & sản phẩm gỗ giảm 2,67 tỷ USD, (giảm 25,7%); giày dép các loại giảm 2,63 tỷ USD, (giảm 17,4%);... so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 8 đạt 28,6 tỷ USD, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8 đạt 402,6 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 16,2 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI tính đến hết ngày 15/8 đạt 153,3 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
- BRICS mở rộng sẽ chiếm 44% trữ lượng dầu toàn cầu
Với việc sáu quốc gia thành viên mới gia nhập vào năm 2024 - Argentina, Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Saudi và Ethiopia - vừa được công bố, nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) sẽ chiếm 44,35% tổng trữ lượng dầu toàn cầu, theo tính toán của TASS dựa trên số liệu chính thức, vượt qua các quốc gia G7 (Mỹ, Anh, Đức, Ý, Canada, Pháp, Nhật Bản) chỉ chiếm 3,9% thị phần.
BRICS mở rộng sẽ chiếm 44% trữ lượng dầu toàn cầu
Trong khuôn khổ mở rộng, nhóm BRICS sẽ trải rộng 48,5 triệu km2, bao phủ 36% bề mặt Trái đất, một lãnh thổ rộng gấp đôi G7. Tổng dân số sẽ đạt 3,6 tỷ người, tương đương 45% dân số toàn cầu và lớn hơn gấp 4 lần dân số của G7.
GDP của BRICS khi mới được mở rộng xét theo sức mua tương đương (PPP) sẽ đạt 65 nghìn tỷ USD, tương đương 37,3% GDP toàn cầu, so với mức 29,9% của G7.
BRICS sẽ chiếm gần một nửa sản lượng lương thực toàn cầu vì tổng thu hoạch lúa mì là 49% tổng sản lượng toàn cầu ở 11 quốc gia BRICS vào năm 2021, so với 19,1% ở G7, trong khi thu hoạch lúa gạo chiếm 55%, so với 2,6% của G7.
BRICS giờ đây cũng sẽ có lợi thế về thị phần sản xuất kim loại quan trọng công nghệ cao toàn cầu khi nhóm 11 quốc gia mở rộng chiếm 79% sản lượng nhôm (G7: 1,3%) và 77% sản lượng paladi (G7: 6,9%).
Mặc dù BRICS sau mở rộng sẽ chiếm 38,3% tổng sản lượng công nghiệp toàn cầu (G7: 30,5%), G7 vẫn sẽ có lợi thế về thị phần xuất khẩu, ở mức 28,8%, so với 23,4% của BRICS sau mở rộng.
- Vốn FDI 8 tháng tiếp tục tăng so với cùng kỳ, đạt hơn 18 tỷ USD
Thêm 1,91 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam trong tháng 8/2023 đã nâng tổng vốn FDI 8 tháng lên 18,15 tỷ USD và tiếp tục duy trì đà tăng so với cùng kỳ năm 2022….
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, so với 16,24 tỷ USD thu hút được trong 7 tháng, số vốn FDI mà các nhà đầu tư nước ngoài rót vào Việt Nam trong tháng 8/2023 là 1,91 tỷ USD.
Cụ thể, 8 tháng đầu năm có 1.924 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỷ USD, tăng 69,5% về số dự án và tăng 39,7% về số vốn so với cùng kỳ.
Ngoài ra, có 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,53 tỷ USD, tăng 22,8% về số lượt dự án điều chỉnh và giảm 39,7% về số vốn so với cùng kỳ.
Đồng thời, có 2.268 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 4,47 tỷ USD, giảm 6,5% về số lượt giao dịch và tăng 62,8% về số vốn so với cùng kỳ.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết tổng vốn FDI đầu tư đăng ký tiếp tục duy trì mức tăng (tăng 8,2% so với cùng kỳ) và tăng mạnh hơn so với 7 tháng (tăng 3,7 điểm %). Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn, mua cổ phần tiếp tục tăng. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ.