Điểm tin kinh doanh 28/7: Giá vàng châu Á chạm mức cao nhất trong một tuần

Việt Báo (Tổng hợp)| 28/07/2023 06:00

Bảy nhóm hàng tại TP.HCM tăng trong tháng 7; VN-Index giảm 3,51 điểm trước áp lực bán

gia-vang-hom-nay-18-7-1-1689645643-246-width1400height933.jpg

- Giá vàng châu Á chạm mức cao nhất trong một tuần

Giá vàng châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong một tuần trong phiên chiều 27/7 trong bối cảnh đồng USD suy yếu.

Giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.978,19 USD/ounce vào lúc 14 giờ 15 phút (giờ Việt Nam). Trong phiên này, đã có thời điểm giá vàng chạm mức cao nhất kể từ ngày 20/7. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,4% lên 1.978,50 USD/ounce.

Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào thứ Tư (26/7), và cho biết một đợt tăng 25 điểm cơ bản khác có thể diễn ra vào tháng 9/2023 dựa trên các dữ liệu ở thời điểm đó. Tuy nhiên, ông Powell cũng nhấn mạnh rằng Fed không dự báo về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái.

Chuyên gia Nicholas Frappell thuộc ABC Refinery cho biết, giá vàng vẫn có xu hướng tăng trong thời gian trung và dài hạn.

Giá vàng rất nhạy cảm với các đợt nâng lãi suất vì lãi suất tăng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Còn chuyên gia Ilya Spivak thuộc Tastylive nhận định rằng giá vàng có thể chịu áp lực khi thị trường nghiêng về dự báo Fed sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất trong năm nay.

Các nhà đầu tư cũng đang tập trung theo dõi quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được công bố vào cuối ngày, với dự kiến ECB sẽ tăng lãi suất lần thứ 9.

Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 30 chiều 27/7, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,65 - 67,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

- Bảy nhóm hàng tại TP.HCM tăng trong tháng 7

Trong tháng 7/2023, có bảy nhóm hàng tăng giá, trong đó nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng cao nhất.

Ngày 27/7, Cục Thống kê TP.HCM cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,15% so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng tính CPI chỉ có ba nhóm hàng giảm gồm dịch vụ bưu chính viễn thông, giáo dục, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế không biến động.

Bảy nhóm hàng còn lại đều tăng so với tháng trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng cao nhất 1,01% chủ yếu do bảo hiểm y tế cho công chức tính theo lương cơ sở mới tăng từ ngày 1-7.

Tiếp đến là chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình) tăng 0,32%, trong đó giá nhóm thực phẩm tăng 0,17% do thịt gia cầm, trứng các loại nguồn cung giảm nhẹ; thủy sản tươi sống tăng giá do thời tiết ảnh hưởng đến việc đánh bắt của ngư dân…

Đáng chú ý do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng nên giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng khá với mức 0,60%. Trong khi đó, giá nhóm lương thực giảm 0,02% chủ yếu do giá gạo giảm.

Tăng cao thứ ba là chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,31%, do nhu cầu tiêu dùng tăng.

Nhóm giao thông chỉ số giá tăng 0,30% do giá dầu diesel tăng 3,91%, dịch vụ giao thông công cộng tăng 9,11%, dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân tăng 0,04%.

Bình quân bảy tháng năm 2023 CPI tăng 3,50% so với cùng kỳ năm 2022, trừ nhóm giao thông và bưu chính viễn thông giảm, chín nhóm còn lại chỉ số giá đều tăng.

Tăng cao nhất gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,18%, đồ uống và thuốc lá tăng 4,48%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,64%, văn hóa giải trí tăng 4,60% và giáo dục tăng 15,26%.

- Tổng cục QLTT - Viettel Post ký hợp tác ngăn chặn hàng giả, hàng lậu qua đường bưu chính

Sáng 27/7, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Tổng cục QLTT) đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) trong kiểm tra và xử lý đối với hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật gửi qua đường bưu chính trong nước.

Theo nội dung thỏa thuận giữa Tổng cục QLTT và Viettel Post, nguyên tắc phối hợp giữa hai Bên là tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi Bên.

Đồng thời, đảm bảo trách nhiệm, quyền lợi của các Bên trên nền tảng mục tiêu đấu tranh phòng chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vận chuyển qua đường bưu chính; hàng hóa vi phạm về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại khác trong hoạt động bưu chính.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh khẳng định, đây là thời điểm phù hợp cho việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị trong việc kiểm tra và xử lý đối với hàng hóa vi phạm gửi qua đường bưu chính. Bởi, theo người đứng đầu lực lượng, cách đây 3 tháng Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án chống gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử đến năm 2025. Đây là Đề án rất quan trọng. Lực lượng QLTT xác định mặt trận phòng chống gian lận thương mại trong thời gian tới là thương mại điện tử, trên các sàn giao dịch, các nền tảng mạng xã hội...

- ZaloPay bổ sung tính năng mã QR đa năng

Ví điện tử ZaloPay vừa bổ sung tính năng mã QR đa năng - cho phép người dùng sử dụng ứng dụng ngân hàng bất kỳ hoặc Ví điện tử ZaloPay để quét mã và hoàn thành thanh toán chỉ trong vài giây.

Với khả năng kết hợp giữa mã QR của ZaloPay và VietQR này, người dùng sẽ có thể linh hoạt sử dụng ứng dụng ngân hàng bất kỳ hoặc Ví điện tử ZaloPay để quét mã ZaloPay QR đa năng. Còn đối với doanh nghiệp bán lẻ, mã QR đa năng từ ZaloPay sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn khi phải vận hành nhiều hệ thống quản lý riêng biệt tương ứng với các mã QR khác nhau.

Bà Lê Lan Chi - Tổng Giám đốc ZaloPay cho biết: “Từ thực tế các chủ hộ kinh doanh phải đau đầu quản trị và vận hành nhiều mã QR riêng biệt và trưng bày rất nhiều mã khác nhau trong một diện tích quầy thu ngân hạn chế, ZaloPay đã nghiên cứu và phát triển giải pháp mã QR đa năng. Các tính năng được tích hợp vào sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực trong đầu tư cơ sở hạ tầng và quản lý, từ đó có nhiều thời gian tập trung phát triển kinh doanh”.

ZaloPay QR đa năng hiện đã được đưa vào hoạt động tại các hệ thống cửa hàng bán lẻ và dịch vụ lớn trên cả nước, các chuỗi mua sắm, ăn uống như: Viettel Store, Mykingdom, Decathlon, Coolmate, Lee&Tee, Sukiya, Tous les Jours, KFC, Pepper Lunch, Papa’s Chicken, Bonchon Chicken…

- VN-Index giảm 3,51 điểm trước áp lực bán

VN-Index chỉ giữ được sắc xanh ở những phút đầu của phiên sáng, trước khi bị nhấn chìm trong sắc đỏ trước áp lực nguồn cung giá thấp. Kết phiên, VN-Index giảm 3,51 điểm (0,29%) xuống 1.197,33 điểm.

Trong phiên giao dịch 27/7, VN-Index chỉ giữ được sắc xanh ở những phút đầu của phiên sáng, trước khi bị nhấn chìm trong sắc đỏ trước áp lực nguồn cung giá thấp.

Một trong những nhóm CP ngành được kỳ vọng là sẽ giúp VN-Index trụ vững trên mốc 1.200 là ngân hàng cũng bị xả mạnh.

Đáng chú ý là mã đầu ngành VCB bất ngờ gia nhập nhóm CP kéo giảm chỉ số. VCB là mã tác động xấu thứ 2 lên chỉ số sau mã VHM. Cụ thể, VCB khiến chỉ số “bốc hơi” 1,2 điểm, còn VHM là 2,3 điểm.

Tại nhóm bất động sản, dù ghi nhận sự khởi sắc của hàng loạt mã nhưng cũng không thể giúp chỉ số đứng vững trên mốc 1.200 điểm khi mã đầu ngành là VHM rớt giá mạnh.

Ngược lại, VN-Index nhận được lực đỡ từ các nhóm ngành có vốn hóa không quá lớn để kéo chỉ số như: viễn thông, bán lẻ, dịch vụ tài chính, hóa chất, du lịch và giải trí.

Thống kê, toàn sàn HoSE có 1,16 tỷ CP được khớp lệnh thành công, tương đương giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 22.700 tỷ đồng.

Trái ngược với áp lực chốt lời từ NĐT nội, khối ngoại đẩy mạnh mua vào trong phiên hôm nay với giá trị mua ròng đạt gần 250 tỷ đồng. Các mã CP được khối ngoại mua ròng mạnh là VNM, VHM, HDB, HPG, MSN.

Kết phiên hôm 27/7, VN-Index giảm 3,51 điểm (0,29%) xuống 1.197,33 điểm. Toàn sàn HoSE có 262 mã giảm, 193 mã tăng và 72 mã đứng giá. Bảng điện VN30 cũng bị áp đảo trong sắc đỏ với 17 mã so với 10 mã xanh và 3 mã đi ngang.

- PetroVietnam: Cung ứng khí vượt kế hoạch

Trong sáu tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) tăng trưởng so với cùng kỳ, cung ứng nguồn nhiên liệu khí vượt kế hoạch cho sản xuất điện, cũng như cho các ngành công nghiệp khác và đời sống.

Tháng 6/2023, sản lượng khai thác khí của PetroVietnam đạt 0,72 tỷ m3, vượt 59,9% kế hoạch tháng; quý II/2023 đạt 2,19 tỷ m3, tăng 11,3% so với thực hiện quý I/2023 và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022; tính chung sáu tháng sản lượng khí khai thác đạt 4,16 tỷ m3, vượt 27,1% kế hoạch sáu tháng, bằng 70,1% kế hoạch năm 2023; tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.

Với sản lượng khai thác như trên, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đơn vị thành viên của PetroVietnam trong sáu tháng đầu năm đã sản xuất và cung cấp trên 3,9 tỷ m3 khí khô; sản xuất 46,4 nghìn tấn condensate; sản xuất và kinh doanh gần 1,1 triệu tấn LPG (xuất khẩu và kinh doanh quốc tế gần 0,3 triệu tấn); Tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 11% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước, thị phần bán lẻ LPG chiếm gần 25% trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 28/7: Giá vàng châu Á chạm mức cao nhất trong một tuần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO