Điểm tin kinh doanh 28/4: Mối lo khủng hoảng ngân hàng đưa giá vàng thế giới trở lại mốc 2.000 USD/oz

Việt Báo (Tổng hợp)| 28/04/2023 06:00
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Samsung Electronics ghi nhận mức thu nhập tệ nhất trong 14 năm qua; PNJ chia cổ tức gần 500 tỷ đồng, dự thưởng cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt 50 tỷ

- Mối lo khủng hoảng ngân hàng đưa giá vàng thế giới trở lại mốc 2.000 USD/oz

Mối lo về nguy cơ sụp đổ ngân hàng Mỹ First Republic Bank đang hỗ trợ giá vàng, nhưng mức tăng của giá kim loại quý này hạn chế do nhà đầu tư thận trọng trước các số liệu kinh tế quan trọng dự kiến công bố trong tuần này...

Phiên tăng tại châu Á sáng 27/4 đưa giá vàng thế giới vượt mốc 2.000 USD/oz, kéo giá vàng trong nước tăng nhẹ theo. Mối lo về nguy cơ sụp đổ ngân hàng Mỹ First Republic Bank đang hỗ trợ giá vàng, nhưng mức tăng của giá kim loại quý này hạn chế do nhà đầu tư thận trọng trước các số liệu kinh tế quan trọng dự kiến công bố trong tuần này.

Lúc gần 11h trưa, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 2.000,3 USD/oz, tăng 10,7 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,5%, so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York, theo dữ liệu từ Kitco. Mức giá này tương đương gần 57 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.

Cùng thời điểm trên, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn Phú Quý là 66,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,1 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,75 triệu đồng/lượng và 56,75 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và 67,2 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 10,1-10,2 triệu đồng/lượng.

Trong phiên ngày thứ Tư tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay có lúc đạt 2.010 USD/oz, nhưng chốt phiên ở mức 1.989,6 USD/oz, giảm 9,1 USD/oz so với đóng cửa phiên liền trước.

- Hợp tác ba bên TCMS - Motrex - Zalo AI, đưa trợ lý Kiki lên hãng xe Hàn Quốc

Công ty Cổ phần Dịch vụ và Hạ tầng Ô tô Thành Công (TCMS), công ty TNHH Motrex (Hàn Quốc) và Zalo AI đã ký kết hợp tác, chính thức tích hợp trợ lý tiếng Việt Kiki lên hệ thống đầu giải trí do Motrex sản xuất. Các bên dự kiến hoàn thành quá trình phát triển vào Quý 2/2023 và hy vọng sẽ sớm đưa được sản phẩm ra thị trường.

Với thỏa thuận này, hệ thống IVI (In Vehicle Infotainment) trên xe do Motrex sản xuất khi xuất xưởng sẽ được tích hợp sẵn trợ lý giọng nói tiếng Việt Kiki. Motrex cũng sẽ trở thành nhà sản xuất linh kiện ô tô quốc tế đầu tiên đưa Kiki lên sản phẩm của mình.

Trong hợp tác 3 bên giữa TCMS - Motrex - Zalo AI, Motrex sẽ phối hợp với đội ngũ kỹ sư của Zalo AI để cấu hình trợ lý Kiki sao cho tương thích nhất với hệ thống IVI do Motrex sản xuất để đảm bảo việc tích hợp trên trợ lý này thật sự mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng.

Zalo AI - một trong những đơn vị có sự đầu tư và phát triển công nghệ AI ở Việt Nam từ rất sớm. Đây cũng là nhà phát triển trợ lý Kiki - được biết đến là trợ lý tiếng Việt phổ biến nhất ở Việt Nam với 300.000 lượt cài đặt trên xe hơi vào tháng 3/2023.

- Viettel tiếp tục được cấp sáng chế độc quyền tại Mỹ

Trong 4 tháng đầu năm, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) được Cơ quan quản lý Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp 4 sáng chế độc quyền tại Mỹ, nâng tổng số lượng sáng chế được cấp tại Mỹ lên con số 23 sáng chế.

Chỉ riêng trong năm 2022 và quý I năm 2023, Viettel có thêm 14 sáng chế độc quyền tại Mỹ, cao hơn 1,5 lần tổng số sáng chế độc quyền được cấp trong 3 năm trước đó. Viettel hiện là doanh nghiệp Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ nhất, trên cả 3 lĩnh vực quân sự, dân sự và viễn thông.

Trong số các sáng chế của Viettel, các sáng chế có tác giả là nữ chiếm 20,5%. Tại Viettel, phụ nữ tham gia hầu hết các hoạt động nghiên cứu khoa học của Tập đoàn.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Viettel là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực đăng ký sáng chế tại Việt Nam với 505 đơn đăng ký sáng chế và 94 văn bằng sáng chế được cấp. Tốc độ tăng trưởng bình quân đơn đăng ký sáng chế của Viettel gấp 1,5 lần so với tốc độ này của toàn Việt Nam, giai đoạn 2017-2022.

- PNJ chia cổ tức gần 500 tỷ đồng, dự thưởng cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt 50 tỷ

PNJ sẽ chia gần 500 tỷ đồng cổ tức năm 2022 cho cổ đông và trong năm 2023, HĐQT cùng các lãnh đạo chủ chốt có thể nhận thưởng 50 tỷ đồng nếu hoàn thành kế hoạch.

Ngày 27/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (ĐHCĐ) của Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã diễn ra tại TP.HCM.

Theo báo cáo tài chính, năm 2022, doanh thu của PNJ đạt 33.876 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2021 và tăng hơn 3 lần so với năm 2017 (thời điểm PNJ chưa “lột xác” trong chiến lược, kinh doanh).

Lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 đạt 1.811 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2022 và tăng 2,5 lần so với năm 2017. Đây là con số kỷ lục và chưa từng có trong lịch sử phát triển của PNJ.

Với kết quả kinh doanh khởi sắc, PNJ dự kiến chia cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 20%, tương ứng 492 tỷ đồng trả cho cổ đông.

- Samsung Electronics ghi nhận mức thu nhập tệ nhất trong 14 năm qua

Samsung Electronics đã ghi nhận lợi nhuận hoạt động đạt 640,2 tỉ won (tương đương 478 triệu USD) trong ba tháng đầu năm nay, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước.

Samsung Electronics đã thông báo kết quả kinh doanh trong quý đầu tiên của năm 2023. Theo đó, công ty ghi nhận khoản lợi nhuận tệ nhất trong 14 năm qua do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Là nhà sản xuất điện thoại thông minh và chip nhớ lớn nhất thế giới, Samsung Electronics đã ghi nhận lợi nhuận hoạt động đạt 640,2 tỉ won (tương đương 478 triệu USD) trong ba tháng đầu năm nay, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước khi lên đến mức 14,12 nghìn tỉ won.

Được biết, thu nhập ròng của công ty trong quý đầu tiên là 1,57 nghìn tỉ won, giảm 86,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu giảm 18% xuống còn 63,74 nghìn tỉ won. Bộ phận Giải pháp Thiết bị (DS) của Samsung, chịu trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh chip, đã thâm hụt 4,58 nghìn tỉ won. Đây là khoản lỗ đầu tiên của công ty trong 14 năm qua, do lượng chip tồn kho tăng đáng kể trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm dần.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 28/4: Mối lo khủng hoảng ngân hàng đưa giá vàng thế giới trở lại mốc 2.000 USD/oz
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO