Điểm tin Kinh doanh 27/8: Giá vàng: Giá vàng nhẫn tăng nhẹ

Việt Báo (Tổng hợp)| 27/08/2024 06:00

Chứng khoán phiên 26/8: Chốt thời gian trả cổ tức 250% bằng tiền, một mã cổ phiếu bật tăng trần; Cà phê - mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu tăng cao nhất trong nửa đầu tháng 8

gia-vang-17-8-1.jpg

- Giá vàng: Giá vàng nhẫn tăng nhẹ

Đầu giờ chiều 26/8, giá vàng nhẫn trong nước tăng nhẹ trong khi giá vàng miếng SJC vẫn giữ mức ổn định.

Cụ thể, tại thời điểm 13 giờ 45 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Trong khi giá vàng miếng giữ mức ổn định thì giá vàng nhẫn chiều 26/8 tăng nhẹ. Cụ thể như sau:

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 77,3 - 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 77,2 - 78,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Theo các chuyên gia, mặc dù giá vàng thế giới đã rời khỏi đỉnh cao nhất mọi thời đại là hơn 2.530 USD/ounce nhưng vẫn có triển vọng sẽ tiếp tục tăng nếu đồng USD và lãi suất giảm.

Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị cũng có thể tạo cú sốc trên thị trường hàng hóa, các ngân hàng Trung ương tích cực mua vàng trong khi mỗi năm sản lượng khai thác vàng càng trở nên ít hơn…

- Chứng khoán phiên 26/8: Chốt thời gian trả cổ tức 250% bằng tiền, một mã cổ phiếu bật tăng trần

Ấn tượng nhất trong phiên hôm 26/8 phải kể đến cổ phiếu VCF của CTCP Vinacafé Biên Hòa khi tăng kịch biên độ. Cổ phiếu này tăng trần sau thông tin chốt chia cổ tức tỷ lệ 250% bằng tiền mặt.

Thị trường chứng khoán khép lại phiên giao dịch đầu tuần giằng co trong biên hẹp. Chỉ số đóng cửa phiên 26/8 giảm 5,3 điểm tại 1.280. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường có 6 mã tăng và 4 mã giảm. Đặc biệt có hiện tượng xoay trụ khi VIC tăng 1,32%, VHM tăng 1,89%. Hai mã này nỗ lực cân bằng lại gánh nặng của VNM giảm 1,47% và CTG giảm 1%, các mã khác tăng giảm với biên độ hẹp.

Nhóm ngân hàng phân hóa với VPB tăng nổi bật 2,4% trong nhóm này và toàn rổ ngân hàng có 13/27 mã xanh, chỉ có điều nhóm còn lại tăng rất nhẹ. Phía giảm trừ CTG cũng không có mã nào đáng kể, dù VCB cũng mất 0,43% và là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường.

Chứng khoán cũng kém sôi động khi SSI và HCM chỉ tăng 0,3% và 0,17%. Lúc mạnh nhất SSI tăng 1,19% so với tham chiếu và HCM tăng 1,74%. Thanh khoản hai mã này khá cao, đều thuộc Top 15 thị trường, cho thấy có yếu tố chốt lời. Nhóm được cho là chưa “hưởng lợi” nhiều như VND, VCI lại tăng mạnh 1,92% và 1,16%. Vài mã nhỏ như TVS, CSI, BMS cũng tăng được hơn 1%, số còn lại khá yếu.

Ấn tượng nhất trong phiên hôm 26/8 phải kể đến cổ phiếu VCF của CTCP Vinacafé Biên Hòa. Kết phiên, cổ phiếu này tăng kịch biên độ lên mức 233.200 đồng/cp. Phiên tăng tốc giúp cổ phiếu này chấm dứt trạng thái giằng co để leo lên vùng đỉnh cao nhất trong 5 tháng qua. Đồng thời, đà tăng của VCF cũng củng cố thêm vị trí cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất trên sàn HoSE, bỏ xa mức 189.000 đồng của cổ phiếu xếp sau là FRT.

Đà tăng của cổ phiếu VCF đến ngay sau khi doanh nghiệp thông báo sẽ chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 250% bằng tiền (1 cổ phiếu được nhận 25.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 9/9, dự kiến thanh toán vào ngày 20/9 tới đây.

Với gần 26,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp sẽ cần chi gần 650 tỷ đồng để trả cổ tức, dự kiến thanh toán vào ngày 20/9. Công ty TNHH MTV Masan Beverage là cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ sở hữu 98,79% (gần 26,3 triệu đơn vị) sẽ nhận về hơn 642 tỷ đồng.

Ngoài VCF, cổ phiếu VPB của ngân hàng VPBank là tâm điểm của thị trường hôm nay khi kết phiên tăng 1,33% lên 19.000 đồng/cp và là mã có đóng góp lớn nhất đạt gần 0,5 điểm cho chỉ số chung, với khối lượng giao dịch lên tới gần 40 triệu đơn vị, nhiều nhất trong vòng một tháng trở lại đây và gấp đôi so với mức trung bình của 10 phiên giao dịch gần đây.

Cổ phiếu này tăng trong bối cảnh VPBank vừa công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên gồm 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức. Danh sách cổ đông này sở hữu tổng cộng gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn điều lệ của VPBank.

Giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi họ bán ròng với giá trị gần 419 tỷ đồng trên toàn thị trường. Mã bị bán ròng mạnh nhất sàn HoSE là mã cổ phiếu thép HPG (-149 tỷ đồng). Mã cổ phiếu thép bị bán ròng mạnh khác là HSG (-72 tỷ đồng). Kế đến là các mã VPB, PVD, CTG.

- Giải quần vợt US Open 2024 phát trực tiếp và duy nhất trên MyTV

Truyền hình MyTV của Tập đoàn VNPT đã sở hữu bản quyền của Giải quần vợt US Open 2024.

US Open 2024 được phát sóng trực tiếp tại Việt Nam với bản quyền thuộc về Truyền hình MyTV của Tập đoàn VNPT. Người hâm mộ có thể xem trọn vẹn và duy nhất giải đấu này trên 2 kênh thể thao độc quyền SPOTV và SPOTV2 của MyTV với đa nền tảng Smart TV, smartphone, máy tính bảng hoặc PC/Laptop (webapp MyTV). Bỏ lỡ sự kiện trực tiếp, người hâm mộ vẫn có thể xem lại các giải đấu đã phát trên 2 kênh và xem highlights, tin tức trên chuyên mục SPOTV của MyTV.

Bên cạnh sự kiện chính, MyTV còn mang đến cho người hâm mộ chuỗi các chương trình đồng hành với các khách mời có tiếng trong giới quần vợt như: Cựu HLV trưởng đội tuyển quần vợt Việt Nam Trương Quang Vũ và VĐV Trịnh Linh Giang – Huy chương bạc đơn nam SEA Games 2021. Cùng với đó là các tin tức, highlights của giải đấu được cập nhật hàng ngày.

Theo thông lệ hàng năm, US Open là giải Grand Slam thứ tư và cũng là giải đấu cuối cùng trong năm của làng banh nỉ. Đây là giải quần vợt trên sân cứng được tổ chức hàng năm trong khoảng thời gian hai tuần tại Trung tâm quần vợt quốc gia Mỹ - USTA Billie Jean King ở Flushing Meadows, Queens, New York. US Open 2024 sẽ khởi tranh từ ngày 26/8 và kết thúc vào ngày 08/9.

dautu.kinhtechungkhoan.vn-stores-news_dataimages-2024-082024-13-17-_san-chung-khoan20240813170930.jpg

- Sản lượng dầu của Mỹ dự báo tăng trưởng mạnh vào năm 2025

Vào ngày 22/8, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã công bố dự báo cho thấy nước này đang trên đà đạt mức sản xuất trung bình 13,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2025.

Mức tăng trưởng dự báo tương đương việc tăng khoảng 500.000 thùng/ngày so với con số trung bình của năm 2024.

Nguyên nhân chính tạo ra sự tăng trưởng do sự phát triển mạnh mẽ của khu vực khai thác Permian - vùng đất trù phú trải dài giữa Texas và New Mexico. Khu vực này đang trở thành địa điểm thúc đẩy ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ.

Permian nổi bật với số lượng giàn khoan đang hoạt động gần gấp đôi so với tổng số 48 tiểu bang còn lại cộng dồn. Có 313 giàn khoan được đặt tại Permian, tổng số giàn khoan ở khu vực còn lại là 165 chiếc.

Dữ liệu từ EIA cũng tiết lộ rằng, tính đến tháng 7, các giếng mới tại Permian đã đạt sản lượng tổng cộng 433.000 thùng/ngày ngay trong tháng khai thác đầu tiên, vượt xa mức cần thiết để bù đắp cho sự sụt giảm từ các giếng dầu cũ.

Tương tự, sản lượng khí đốt tự nhiên cũng chứng kiến sự gia tăng ấn tượng, với các giếng mới tại Permian đạt sản lượng 780.000 triệu feet khối/ngày (MMscf/D) ngay từ tháng khai thác đầu tiên.

Theo dự báo của EIA, sản lượng dầu tại Permian sẽ tăng thêm 430.000 thùng/ngày so với mức năm 2023, đạt 6,3 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Mặc dù có thể tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, nhưng sản lượng tại Permian vẫn được dự báo sẽ tăng thêm 300.000 thùng/ngày vào năm 2025.

- Cà phê - mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu tăng cao nhất trong nửa đầu tháng 8

Cà phê là mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu tăng cao nhất trong nửa đầu tháng 8/2024, với mức 5.293 USD/tấn, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8/2024 (1/8 – 15/8), tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt 1,09 tỷ USD, tăng mạnh 40,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nửa đầu tháng 8, rau quả là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất với 350 triệu USD, tăng tới 96% so với cùng kỳ năm trước. Gạo là mặt hàng có giá trị lớn thứ hai với 249 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 6%. Lượng gạo xuất khẩu cũng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, còn 422.463 tấn.

Lượng cà phê trong kỳ đầu tháng 8 giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 36.903 tấn, nhưng kim ngạch lại tăng thêm 67,4% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 195 triệu USD.

Về giá xuất khẩu bình quân, trong số các mặt hàng nông sản, cà phê là mặt hàng có giá xuất khẩu tăng cao nhất trong 15 ngày đầu tháng 8/2024, đạt mức trung bình 5.293 USD/tấn, cao hơn 342 USD/tấn (tương đương tăng 6,9%) so với tháng 7/2024; cao hơn 2.369 USD/tấn (tương đương tăng 81%) so với cùng kỳ năm 2023; cao hơn 2.244 USD/tấn (tương đương tăng gần 74%) so với giá cà phê xuất khẩu bình quân hồi tháng 1/2024.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Kinh doanh 27/8: Giá vàng: Giá vàng nhẫn tăng nhẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO