Điểm tin Kinh doanh 27/10: Giá vàng: Dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng

Việt Báo (Tổng hợp)| 27/10/2024 06:00

Một số cổ phiếu nhỏ tiếp tục hút lực cầu mạnh; Lịch chốt trả cổ tức, tuần từ ngày 28/10 đến 1/11

gia-vang-hom-nay-ngay-25-10-17298516673822094505247.jpg

- Giá vàng: Dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng

Giá vàng hôm 26/10 không ghi nhận biến động của vàng trong nước. Giá vàng thế giới tăng nhẹ. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong ngắn hạn, giá vàng sẽ tiếp tục tăng.

Hiện nay, giá vàng miếng trong nước neo ở mức 89 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn ở quanh mức 89 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng các thương hiệu đang niêm yết cụ thể như sau: Vàng miếng SJC đang được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 89 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng một số thương hiệu được niêm yết ở mức 87 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, vàng giao ngay khởi đầu tuần giao dịch ở mức 2.722 USD/ounce và các nhà giao dịch trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu đã đẩy kim loại màu vàng này lên mức 2.740 USD/ounce khi thị trường Bắc Mỹ mở cửa.

Marc Chandler, giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, dự đoán giá vàng sẽ có sự hợp nhất trong thời gian tới và cho biết rủi ro đối với vàng hiện đang có xu hướng giảm.

“Các ngân hàng trung ương mua vàng và suy đoán về tác động lạm phát của các chính sách của chính quyền Hoa Kỳ tiếp theo là câu chuyện chính đối với những người đầu cơ giá vàng”, Chandler nói thêm.

Trong khi đó, Colin Cieszynski, chiến lược gia thị trường trưởng tại SIA Wealth Management giữ thái độ trung lập về giá vàng trong tuần tới, bởi theo ông, "các yếu tố cơ bản thúc đẩy thị trường tăng giá hiện tại vẫn không thay đổi như sự mất giá của tiền giấy và rủi ro chính trị, đặc biệt là khi cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa".

Tuần này, chín nhà phân tích đã tham gia khảo sát vàng của Kitco News và sự đồng thuận tăng giá gần như toàn bộ của tuần trước đã thu hẹp lại thành đa số hẹp. Năm chuyên gia, hay 56%, dự kiến giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, trong khi hai chuyên gia khác, hay 22%, dự đoán giá kim loại quý này sẽ giảm. Hai nhà phân tích còn lại, chiếm 22%, giữ thái độ trung lập về triển vọng ngắn hạn của vàng.

Trong khi đó, 213 phiếu bầu đã được bỏ trong cuộc thăm dò trực tuyến của Kitco, với phần lớn các nhà đầu tư Main Street có xu hướng tăng giá. 126 nhà giao dịch bán lẻ, hay 59%, kỳ vọng giá vàng sẽ tăng vào tuần tới, trong khi 47 người, hay 22%, kỳ vọng kim loại màu vàng sẽ giao dịch thấp hơn. 40 nhà đầu tư còn lại, chiếm 19% tổng số, kỳ vọng giá sẽ có xu hướng đi ngang trong tuần tới.

- Vinasun (VNS): Lợi nhuận trong quý III/2024 đạt 20,98 tỷ đồng, giảm 36,1% so với cùng kỳ

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS - sàn HOSE) ghi nhận lãi 20,98 tỷ đồng trong quý III và luỹ kế nửa đầu năm 2024 đạt 59,92 tỷ đồng, giảm 52,4% so với cùng kỳ.

Trong quý III/2024, Vinasun ghi nhận doanh thu đạt 246,22 tỷ đồng, giảm 21,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 20,98 tỷ đồng, giảm 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 21,2%, về chỉ còn 18,2%.

Trong kỳ, việc doanh thu giảm và biên lợi nhuận gộp thu hẹp dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 32,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 21,52 tỷ đồng về 44,73 tỷ đồng.

Ngoài ra, cũng trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 55,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 4,55 tỷ đồng về 3,62 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 10,6%, tương ứng giảm 0,77 tỷ đồng về 6,47 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 5,5%, tương ứng giảm 2,32 tỷ đồng về 40,13 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 136,2%, tương ứng tăng thêm 11,09 tỷ đồng lên 19,23 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, trong quý III, việc biên lợi nhuận gộp thu hẹp trong bối cảnh doanh thu suy giảm, điều này dẫn tới lợi nhuận gộp giảm, đồng thời cho dù Công ty đã tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp và tăng lợi nhuận hoạt động khác nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm tới 36,1%.

- Một số cổ phiếu nhỏ tiếp tục hút lực cầu mạnh

Thị trường có tuần giảm điểm mạnh, ảnh hưởng bởi nhóm trụ cột ngân hàng cũng như áp lực điều chỉnh tại các bluechip. Trong khi đó, một bộ phận dòng tiền dịch chuyển và hướng sang các mã vừa và nhỏ giúp không ít nổi sóng như KHP, OGC và QCG.

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 32,74 điểm (-2,55%), xuống 1.252,72 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước đó khi khối lượng khớp lệnh -3,01% tại HOSE.

Trong tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục bị rút ròng mạnh, trở thành gánh nặng cho thị trường chung.

Trong khi đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III chưa thể trở thành động lực thu hút dòng tiền trước sức ép điều chỉnh đến từ động thái hút ròng liên tục của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuần qua.

Chỉ số VN-Index giảm mạnh về gần hỗ trợ xa 1.250 điểm. Tuy nhiên xu hướng chững lại của DXY và động thái của NHNN giảm lượng hút ròng, đồng thời bán ra USD có thể tạo kỳ vọng rằng quá trình cân bằng sẽ sớm hình thành trong tuần tới.

Trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nổi sóng, với những cái tên như KHP, CIG, OGC và đặc biệt là QCG, khi mã này có tuần thứ hai liên tiếp thuộc top tăng mạnh nhất sàn. Tuần trước, QCG tăng gần 32%.

Trong khi đó, cổ phiếu KHP có hai phiên tăng kịch trần cuối tuần và giúp mã này trở lại mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2022, khớp lệnh cũng tăng mạnh so với thời gian gần đây dù chỉ có trên dưới 0,5 triệu đơn vị.

Đáng chú ý khác còn có sự xuất hiện của mã ngân hàng EIB và cổ phiếu xây dựng CTD, đi kèm thanh khoản ở mức tích cực.

Ở chiều ngược lại, nhóm các cổ phiếu nhỏ bị bán mạnh, với hai cái tên mới đây bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch là PSG và RDP dẫn đầu mức giảm.

Một số những cái tên bất ngờ xuất hiện như VOS, BSI và bluechip GVR, dù gần đây không có thông tin nào quá tiêu cực.

Trên sàn HNX, cổ phiếu BKC của CTCP Khoáng sản Bắc Kạn tăng mạnh nhất với 4 trên 5 phiên giao dịch đều tăng kịch trần. Thanh khoản tuy chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị khớp lệnh, nhưng cũng là bất ngờ khi nhiều phiên trước đó trắng giao dịch.

Trên UpCoM, phần lớn các cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất đều không có diễn biến đáng kể nào khi thanh khoản ở mức rất thấp.

Ngoại trừ cổ phiếu LTG, khi vẫn đang chịu sức ép từ tình hình nội bộ công ty khiến giá cổ phiếu bị bán tháo và lùi về mức thấp nhất lịch sử. Tính từ mức đỉnh cao nhất trong năm nay tại hơn 28.000 đồng vào giữa tháng 3, thì cổ phiếu LTG đã mất khoảng hơn 70%.

Trong tuần, LTG đã có thông báo chốt danh sách cổ đông vào 12/11/2024 để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến được tổ chức trong khoảng thời gian từ 07/12 đến 31/12/2024.

hang-viet-co-them-nhieu-co-hoi-de-chinh-phuc-cac-thi-truong-lon-va-tiem-nang-nhat-tren-the-gioi.jpg

- Ấn Độ tái xuất, gạo Việt đối mặt nguy cơ giảm giá

Sự trở lại của Ấn Độ và nguy cơ sụt giảm nhập khẩu từ các thị trường gia tăng áp lực lên xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bulog, doanh nghiệp nhà nước thuộc Cơ quan Hậu cần của Indonesia (Bulog), ngày 24/10 tiếp tục ra thông báo mời thầu nhập khẩu gạo với tổng khối lượng lên tới 500.000 tấn, cao nhất trong năm nay.

Thông báo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bulog quyết định hủy bỏ lời mời thầu trước đó được ban hành vào ngày 22/10.

Trong văn bản này, phía Indonesia thông báo bổ sung Ấn Độ vào danh sách các nước được mời thầu, bên cạnh Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Pakistan, với tổng khối lượng muốn mua là 340.000 tấn.

Có thể thấy, chỉ trong vài ngày, nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia đã được điều chỉnh tăng lên gần gấp rưỡi và mở rộng ra nhiều thị trường hơn.

Sự xuất hiện của Ấn Độ (nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) và Myanmar (thứ 5 thế giới) tại Indonesia – thị trường trọng điểm của xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ gia tăng áp lực lên giá và lượng của ngành này.

- Lịch chốt trả cổ tức, tuần từ ngày 28/10 đến 1/11

Danh sách các doanh nghiệp chốt trả cổ tức, thưởng và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông, các ngày trong tuần từ 28/10 đến 1/11, trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM.

* Ngày 25/11/2024, CTCP Cấp nước Chợ Lớn (HOSE: CLW) trả cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền, 400 đồng/cổ phiếu (CP), ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/10/2024 và ngày đăng ký cuối cùng là 1/11/2024.

* Ngày 14/11/2024, CTCP Tập đoàn Xây lắp 1 - Petrolimex (UPCoM: PCC) trả cổ tức năm 2023 bằng tiền, 1.500 đồng/CP, ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/10/2024 và ngày đăng ký cuối cùng là 1/11/2024.

* CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (UPCoM: SRT) hoán đổi cổ phiếu CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn thành cổ phiếu Công ty hợp nhất là Công ty cổ phần Vận tải Đường Sắt, ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/10/2024 và ngày đăng ký cuối cùng là 1/11/2024.

* CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội (UPCoM: HRT) hoán đổi cổ phiếu CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội thành cổ phiếu Công ty hợp nhất là Công ty cổ phần Vận tải Đường Sắt, ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/10/2024 và ngày đăng ký cuối cùng là 1/11/2024.

* Ngày 12/11/2024, CTCP Thủy điện Bắc Hà (UPCoM: BHA) trả cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền, 600 đồng/CP, ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/10/2024 và ngày đăng ký cuối cùng là 1/11/2024.

* Ngày 29/11/2024, CTCP Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT) trả cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền, 500 đồng/CP, ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/10/2024 và ngày đăng ký cuối cùng là 31/10/2024.

* Ngày 20/11/2024, CTCP Cấp thoát nước Bình Định (UPCoM: BDW) trả cổ tức năm 2023 bằng tiền, 1.200 đồng/CP, ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/10/2024 và ngày đăng ký cuối cùng là 31/10/2024.

* Ngày 8/11/2024, CTCP Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội (UPCoM: XDH) trả cổ tức năm 2023 bằng tiền, 800 đồng/CP, ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/10/2024 và ngày đăng ký cuối cùng là 30/10/2024.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Kinh doanh 27/10: Giá vàng: Dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO