- Giá vàng: Vàng miếng bật tăng, vàng nhẫn lập đỉnh mới
Theo ghi nhận, giá vàng hôm 24/9 biến động mạnh khi giá vàng miếng SJC tăng 1,5 triệu đồng/lượng, lên mức 83,5 triệu đồng/lượng; trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục lập đỉnh mới.
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 81,50 triệu đồng/lượng mua vào và 83,50 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 1,5 triệu đồng/lượng cả hai chiều).
Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đang là 81,50 triệu đồng/lượng mua vào và 83,50 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 1,5 triệu đồng/lượng cả hai chiều).
Tương tự, giá vàng DOJI tại TP Hồ Chí Minh cũng đang mua vào với 81,50 triệu đồng/lượng và 83,50 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 1,5 triệu đồng cả hai chiều).
Giá vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh đang được mua vào ở mức 80,50 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 81,50 triệu đồng/lượng (tăng lần lượt 600.000 và 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào – bán ra).
Vàng PNJ tại Hà Nội giao dịch ở mức 80,50 triệu đồng và bán ra ở mức 81,50 triệu đồng/lượng (tăng lần lượt 600.000 và 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào – bán ra).
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu cũng tăng 1,5 triệu đồng mỗi lượng ở cả hai chiều, niêm yết lần lượt ở mức 81,50 triệu đồng/lượng mua vào và 83,50 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Phú Quý SJC cũng tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều, giao dịch lần lượt ở mức 81,50 triệu đồng/lượng mua vào và 83,50 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó, vàng nhẫn tròn trơn ở trong nước đang ở vùng giá cao kỷ lục, tiếp tục lập đỉnh mới.
Hiện tại, DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 80,10 - 81,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), còn SJC niêm yết ở mức 79,80 - 81,10 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 100.000 đồng/lượng so với hôm 23/9.
Khoảng gần một tuần nay, giá vàng nhẫn liên tục tăng và xô đổ các kỷ lục. Với diễn biến này, giá vàng nhẫn chỉ còn thấp hơn vàng miếng khoảng hơn 2 triệu đồng/lượng.
- Yếu tố thúc đẩy nhu cầu vật liệu xây dựng
Các dự án tái thiết do Chính phủ và địa phương triển khai được cho là sẽ thúc đẩy nhu cầu vật liệu xây dựng.
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect), việc thúc đẩy kinh tế sau bão là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ sẽ tập trung vào việc khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như lưới điện, đường sá, trường học và trạm xá, đồng thời hỗ trợ người dân sửa chữa và xây dựng lại nhà cửa bị hư hại do bão Yagi.
Để thúc đẩy tăng trưởng, chính phủ cũng sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các dự án tái thiết do Chính phủ và địa phương triển khai sẽ thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng.
Các vật liệu xây dựng chủ yếu được tìm mua là vật liệu sửa chữa nhà ở như mái tôn, ngói, khung nhôm kính, gạch lát, sàn gỗ, ống nước, thiết bị điện và sơn chống thấm...
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, với nhóm tôn mạ, sản lượng tiêu thụ nội địa hồi phục nhờ thị trường bất động sản khởi sắc, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng trong giai đoạn cuối năm và khắc phục hậu quả bão lũ do bão Yagi.
- Thủ tướng yêu cầu không để thiếu hụt xăng dầu
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ động xây dựng kế hoạch xăng dầu cho năm 2025 và các năm tiếp theo, dứt khoát không để thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung như năm 2022.
Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Công điện số 99/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Công điện nêu xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Để tiếp tục bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình.
Cùng với đó, các thương nhân đầu mối phải duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định.
Chủ động xây dựng kế hoạch xăng dầu cho năm 2025 và các năm tiếp theo, dứt khoát không để thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung như năm 2022.
- Chủ tịch Chứng khoán LPBank từ nhiệm trước thềm họp cổ đông bất thường
Chủ tịch Chứng khoán LPBank rời "ghế nóng" sau chưa đầy một năm được bổ nhiệm.
Công ty Cổ phần Chứng khoán LPBank (LPBS) cho biết vừa nhận được đơn từ nhiệm của ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.
Đề cập trong đơn từ nhiệm, ông Tâm cho biết tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra hồi tháng 4/2024, ông trúng cử làm thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028 và được tín nhiệm làm Chủ tịch Chứng khoán LPBank.
Tuy nhiên, hiện tại,, vì một số lý do cá nhân nên ông muốn đại hội cổ đông và hội đồng quản trị chấp thuận cho từ nhiệm kể từ ngày 20/9.
Ông Lê Minh Tâm được bầu giữ vị trí Chủ tịch LPBS từ tháng 12/2023. Với quyết định từ nhiệm tại công ty chứng khoán, hiện ông Tâm còn đảm nhiệm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam – LPBank.
- Hơn 4 triệu lượt khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh
Tổng thu ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 140.398 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 73,9% so với kế hoạch năm 2024.
Thông tin trên được Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngày 24/9 về tình hình hoạt động du lịch 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024 của thành phố.
Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, 9 tháng năm 2024, khách quốc tế đến thành phố ước đạt 4,014 triệu lượt, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2023, đạt 66,9% so với kế hoạch năm 2024; khách du lịch nội địa ước đạt 27,353 triệu lượt, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2023, đạt 72% so với kế hoạch năm 2024.
Ngành Du lịch thành phố tích cực thúc đẩy sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch đường thủy, du lịch y tế, du lịch MICE, nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực, góp phần gia tăng sức hấp dẫn điểm đến của thành phố.