Điểm tin Kinh doanh 25/7: Giá vàng: Vàng nhẫn tăng nhẹ

Việt Báo (Tổng hợp)| 25/07/2024 06:00

Chứng khoán hồi phục sau 3 phiên giảm mạnh, khối ngoại trở lại mua ròng; 116 doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu

1-xang-dau-1245.jpg

- Giá vàng: Vàng nhẫn tăng nhẹ, vàng miếng đứng yên

Giá vàng thế giới hôm 24/7 tăng lên mức 2.416 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng SJC đứng yên, giao dịch ở mức 79,5 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC tăng nhẹ theo giá thế giới lên mức 77,2 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường trong nước, sáng 24/7 giá vàng miếng các thương hiệu giữ nguyên, giao dịch mức 79,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn SJC tăng nhẹ lên 77,2 triệu đồng/lượng.

Tại thời điểm 12 giờ 30 phút ngày 24/7, giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 77,5 triệu đồng/lượng mua vào và 79,5 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi so kết phiên hôm 23/7.

Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 75,95-77,2 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng so chốt phiên hôm trước.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào-bán ra ở mức 77,5-79,5 triệu đồng/lượng, không đổi so chốt phiên hôm 23/7. Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC 9999 giao dịch mua vào 75,8 triệu đồng/lượng, bán ra 77,2 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng so chốt phiên hôm trước.

Vàng PNJ mua vào ở mức 75,85 triệu đồng/lượng và bán ra mức 77,21 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 30.000 đồng và 40.000 đồng so kết phiên trước đó.

Tính đến 12 giờ 30 phút ngày 23/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng 19,6 USD so kết phiên hôm trước lên mức 2.415,2 USD/ounce.

- Chứng khoán hồi phục sau 3 phiên giảm mạnh, khối ngoại trở lại mua ròng

Sau 3 phiên giảm mạnh, thị trường chứng khoán bất ngờ hồi phục vào cuối phiên chiều hôm nay 24/7. Cùng đó, khối ngoại đã trở lại mua ròng.

Chốt phiên giao dịch ngày 24/7, VN-Index tăng 6,66 điểm lên 1.238,47 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 740,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 17.865 tỷ đồng. Toàn sàn có 259 mã tăng giá, 177 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 1,57 điểm lên 236,17 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 64,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.387,9 tỷ đồng. Toàn sàn có 96 mã tăng giá, 57 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,13 điểm lên 94,53 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 44,9 triệu đơn vị, tương ứng hơn 731 tỷ đồng. Toàn sàn có 145 mã tăng giá, 125 mã giảm giá, 89 mã đứng giá.

Sự hồi phục của nhóm vốn hóa lớn đã giúp cho chỉ số VN-Index lấy lại sắc xanh vào cuối phiên giao dịch. Rổ VN30 có 18 mã tăng giá, 9 mã giảm giá và 3 mã đứng ở tham chiếu. Đáng chú ý, GVR tăng 6,86% lên mức giá trần. Các mã PLX, POW, SSB tăng có mức tăng trên 2%, VJC tăng 1,79%. Các mã còn lại có mức tăng nhẹ.

Sắc xanh cũng trở lại nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, dầu khí. Đáng chú ý nhất là nhóm sản xuất nhựa – hóa chất tăng mạnh.

Về giao dịch của khối ngoại, khối này quay lại mua ròng hơn 169 tỷ đồng trên sàn HOSE sau phiên bán ròng hôm qua; trong đó, nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua ròng tại các mã VNM (81,38 tỷ đồng), HPG (56,35 tỷ đồng), HDG (37,6 tỷ đồng) và DBC (36,18 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 49 tỷ đồng, tập trung vào mã PVS (32,18 tỷ đồng), IDC (6,53 tỷ đồng), MBS (6,51 tỷ đồng) và TNG (5,62 tỷ đồng).

- 20 thương nhân phân phối xăng dầu có dấu hiệu vi phạm

Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 4 thương nhân đầu mối; 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định.

Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của 6 thương nhân đầu mối và 8 thương nhân phân phối và hiện nay đang trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, qua rà soát báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 04 thương nhân đầu mối; 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu bám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao và kế hoạch đăng ký theo từng quý.

Đối với các thương nhân đầu mối xăng dầu, yêu cầu chủ động sản xuất, nhập khẩu bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định. Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.

Năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) là 28,4 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó: xăng dầu mặt đất: bao gồm xăng, diesel, dầu mazut, dầu hỏa: 27.457.817 m3/tấn; nhiên liệu hàng không: bao gồm Jet A1, xăng tàu bay: 980.039 m3).

co.opmart-co.opxtra-giam-gia-cac-mat-hang-rau-da-lat.-anh-quang-dinh.jpg

- 116 doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tỷ lệ chậm trả tiếp tục tăng nhanh khi nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với gánh nặng đáo hạn lớn. Trong tháng 7, đã ghi nhận thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc khiến cho tổng số chậm trả lên tới 116 doanh nghiệp.

Theo MBS, tỷ lệ chậm trả tiếp tục tăng nhanh khi nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với gánh nặng đáo hạn lớn. Trong tháng 7, đã ghi nhận thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc khiến cho tổng số chậm trả lên tới 116 doanh nghiệp.

Hiện tại, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 209,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ TPDN của toàn thị trường. Trong đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68% giá trị chậm trả.

MBS ước tính, có khoảng hơn 95,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong 6 tháng cuối năm, trong đó chủ yếu đến từ nhóm ngành bất động sản với giá trị trái phiếu đáo hạn lên đến hơn 61,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 65% tổng giá trị đáo hạn. Tiếp theo là ngành ngân hàng - tổng giá trị là ước khoảng 14,2 tỷ đồng (chiếm 15% giá trị đáo hạn).

- TP. Hồ Chí Minh: Tổng mức bán lẻ năm 2024 ước tăng 10,9%

Tại Báo cáo tình hình sản xuất - thương mại năm 2024, Lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhận định hoạt động thương mại hàng hóa trên địa bàn tăng trưởng ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2024 ước đạt 557.910 tỷ đồng, tăng 10,9% (năm 2023 tăng 9,6%).

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn duy trì ổn định, lưu thông thông suốt, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng cho người dân.

Bên cạnh đó, việc được tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 8% cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng.

Song song đó, Sở Công Thương tiếp tục triển khai côn tác bình ổn thị trường hàng hóa nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm… Lượng hàng bình ổn của TP. Hồ Chí Minh tăng từ 4-6% so với năm 2023, chiếm từ 21-32% thị phần trong các tháng thường của năm và chiếm từ 24 - 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết đã đủ sức chi phối, điều tiết thị trường trên địa bàn.

Đến nay, TP. Hồ Chí Minh có 230 chợ, 3 chợ đầu mối, 267 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và hơn 3000 cửa hàng tiện lợi đã khiến cho hệ thống phân phối duy trì đảm bảo khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Kinh doanh 25/7: Giá vàng: Vàng nhẫn tăng nhẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO