Điểm tin kinh doanh 25/6: USD tăng mạnh, vàng giảm giá sâu: Cuộc tháo chạy âm thầm bắt đầu

Việt Báo (Tổng hợp)| 25/06/2023 06:00

Quốc hội thống nhất giảm thuế VAT 2% nhưng không mở rộng thêm đối tượng; 27 doanh nghiệp sắp chốt quyền chia cổ tức, cao nhất 5.000 đồng/cp

vang-6.jpg

- USD tăng mạnh, vàng giảm giá sâu: Cuộc tháo chạy âm thầm bắt đầu

Giá vàng thế giới trong tuần giảm mạnh (quy đổi tương đương hơn 1 triệu đồng/lượng), giá vàng trong nước vẫn giữ nguyên, kéo khoảng cách chênh lệch giá giữa vàng thế giới và trong nước lên gần 12,5 triệu đồng/lượng.

Ngày cuối tuần 24/6, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,5- 67,1 triệu đồng/lượng, giữ nguyên cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước.

Hiện nay chênh lệch giá mua- bán vẫn hiện chỉ còn 600.000 đồng/lượng, bằng với tuần trước.

Giá vàng thế giới hôm 24/6 cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce, với mức 1.920,7 USD/ounce, giảm mạnh đến 38 USD/ounce so với giá cuối tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ngày 24/6 mua bán quanh mức 55,35- 56,35 triệu đồng/lượng, giảm đến 250.000 đồng mỗi lượng so với mức giá cuối tuần trước. Chênh lệch mua- bán vàng trang sức tuần này hiện ở mức 1 triệu đồng/lượng, nhích tăng thêm 50.000 đồng so với tuần trước.

Trong các tuần qua, giá vàng thế giới liên tục biến động sau khi lùi sâu dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce. Nhưng giá vàng miếng SJC trong nước không đi cùng chiều vàng thế giới. Tính ra trong tuần, giá vàng đã giảm mạnh, quy đổi tương đương hơn 1 triệu đồng mỗi lượng, nhưng vàng miếng SJC luôn níu giữ ngưỡng 67 triệu đồng/lượng.

Điều này dẫn đến khoảng cách giữa giá vàng thế giới và trong nước cũng tăng không ngừng. Hiện quy đổi theo tỷ giá, vàng thế giới đang rẻ hơn vàng miếng SJC gần 12,5 triệu đồng/lượng và rẻ hơn vàng trang sức khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng.

Đêm 23/4, giá vàng thế giới có lúc tăng hàng chục USD/ounce nhưng sau đó giảm mạnh sau khi hàng loạt quốc gia tăng thêm lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất cơ bản từ 4,5% lên 5%.

Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng tăng thêm 0,5 điểm % để nâng lãi suất lên mức cao nhất là 3,75%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 11 liên tiếp của Na Uy khi quốc gia này phải đối mặt với tình trạng lạm phát dai dẳng. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tăng lãi suất cơ bản từ 1,5% lên 1,75% và cho biết sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất nữa...

Theo nhà phân tích của Công ty Giao dịch ngoại hối OANDA (Mỹ), việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhiều hơn đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Điều này có thể khiến đồng USD trở thành nơi trú ẩn an toàn, hấp dẫn hơn so với vàng.

Phản ứng các thông tin trên, giá vàng thế giới từ 1.910 USD lao lên 1.935 USD/ounce lúc 22 giờ ngày 23/6. Thế nhưng, ngay sau đó, có lẽ giới đầu cơ lo ngại đồng USD tăng giá, tạo sức ép lên thị trường vàng nên liền bán ra. Chỉ sau vài phút giao dịch, giá vàng thế giới rơi thẳng đứng 15 USD để đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.920,7 USD/ounce.

Thị trường vàng tiếp tục trầm lắng, giao dịch èo uột đối với cả vàng SJC lẫn vàng trang sức 24K. Kết quả kinh doanh lũy kế 5 tháng đầu năm của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ cho thấy, sức mua chung của thị trường suy giảm, doanh thu trang sức bán lẻ 5 tháng đầu năm nay giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, theo PNJ, do sức mua mặt hàng trang sức nội địa và đơn đặt hàng từ khách hàng doanh nghiệp có phần sụt giảm, doanh thu trang sức bán sỉ trong 5 tháng đầu năm giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.920,2 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.929,6 USD/ounce.

Giá vàng thế giới hiện nay đang xuống mức thấp nhất 3 tháng qua. USD mạnh lên khiến vàng kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tính trong vòng 7 ngày, giá của loại tài sản này đã giảm tổng cộng 2,3%. Theo chuyên gia về vàng tại State Street Global Advisors, nếu thị trường vàng có thể tiếp tục giữ mức hỗ trợ quan trọng quanh mức 1.900 USD/ounce, thì rất có thể, kim loại quý sẽ kết thúc năm ở mức cao hơn.

- Quốc hội thống nhất giảm thuế VAT 2% nhưng không mở rộng thêm đối tượng

Quốc hội đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% từ ngày 1/7 đến cuối năm nay, trừ nhóm hàng viễn thông, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng.

Chiều 24/6, với 482 đại biểu tán thành (chiếm 97,57% số đại biểu), Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 5, trong đó quyết nghị giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết 43/2022. Việc giảm thuế này được thực hiện từ 1/7 đến hết năm 2023.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 21/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị ĐBQH về dự thảo Nghị quyết này. Kết quả đã nhận được 432 ý kiến của các vị ĐBQH. Có 342 đại biểu Quốc hội nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo Nghị quyết; 90 ĐBQH cơ bản tán thành và góp ý thêm đối với một số nội dung.

Đối với các ý kiến đề nghị bổ sung quy định Chính phủ có giải pháp thanh toán chi phí mua thuốc, thiết bị vật tư y tế từ quỹ BHYT, trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không đảm bảo được thuốc, thiết bị vật tư y tế để đảm bảo quyền lợi của người khám chữa bệnh tham gia BHYT. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là nội dung có tính quy phạm pháp luật, chưa được thực hiện theo quy trình, thủ tục của luậtu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy xin phép Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét báo cáo Ủy ban Thường vụ để trình Quốc hội trong thời gian tới.

Liên quan đến giảm thuế VAT, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT 2% để áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, nâng mức giảm lên 3%, 4% hoặc 5% và kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu mở rộng hơn nữa phạm vi, mức độ giảm thuế VAT sẽ tác động, ảnh hưởng nhiều đến thu NSNN, Chính phủ chưa có tính toán và đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách, nhất là trong bối cảnh thu NSNN các tháng đầu năm giảm hơn so với cùng kỳ năm trước”, Chủ nhiệm Bùi Văn Cường nói.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế VAT như dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế (nếu có).

- 27 doanh nghiệp sắp chốt quyền chia cổ tức, cao nhất 5.000 đồng/cp

Trong tuần từ 26/6 đến 30/6, thị trường chứng khoán Việt Nam có 27 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt, bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:

Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) chốt ngày 26/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức niên độ 2021-2022 với tỷ lệ 3% (cổ đông cứ sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 3 cổ phiếu mới).

Qua đợt này, công ty sẽ phát hành thêm hơn 17,94 triệu cổ phiếu để nâng số lượng cổ phiếu lưu hành từ 598,05 triệu lên 616 triệu cổ phiếu. Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới 30/9/2022 theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán.

Trong đợt chốt quyền lần này, Chứng khoán SmartInvest (Mã: AAS) là đơn vị chốt quyền chia cổ tức cao nhất với tỷ lệ 50%. Công ty sẽ phát hành 40 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2021. Đồng thời trong đợt này, công ty sẽ chào bán thêm ra công chúng 80 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, thấp hơn 38% thị giá AAS chốt phiên 23/6.

Đây là kế hoạch tăng vốn đã được thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Sau đợt phát hành này vốn điều lệ của SmartInvest sẽ tăng lên 2.000 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư và phát triển Cảng Đình Vũ (Mã: DVP) cũng chốt ngày 28/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 2 năm 2022 với tỷ lệ cũng 50% (5.000 đồng/cp). Với 40 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Cảng Đình Vũ phải chi 200 tỷ đồng trả cổ tức đợt này.

Trước đó, tháng 12/2022, Cảng Đình Vũ đã trả cổ tức đợt 1 bằng tiền (tỷ lệ 10%). Như vậy, cổ đông công ty nhận về cổ tức năm 2022 là 6.000 đồng/cp. Tính đến hiện tại, Cảng Hải Phòng đang là cổ đông lớn nhất của Cảng Đình Vũ với tỷ lệ 51%.

Cảng Đình Vũ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đều đặn trên 250 tỷ đồng hằng năm. Quý I/2023, công ty lãi sau thuế 106 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ nhờ khoản tiền bồi thường gần 130 tỷ từ tàu Hồng Kông. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty).

CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND) sẽ trả cổ tức đợt 1 bằng tiền, tỷ lệ 4,84% (tương ứng 01 cổ phiếu được nhận 484 đồng), tương ứng với 242,5 tỷ đồng. Ngày chốt danh sách cổ đông là ngày 27/6 và ngày thanh toán là 6/7.

Sau khi hoàn tất chi trả đợt 1, HND sẽ tiến hành trả cổ tức đợt 2 cũng bằng tiền, tỷ lệ 5%, tương ứng với 250 tỷ đồng. Ngày chốt danh sách cổ đông là 31/7 và ngày thanh toán từ ngày 11/8.

Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức 2 đợt này của HND là 9,84%, tương ứng số tiền chi trả là 492,5 tỷ đồng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 25/6: USD tăng mạnh, vàng giảm giá sâu: Cuộc tháo chạy âm thầm bắt đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO