- Giá vàng quay đầu giảm mạnh
Theo đó, giá vàng SJC hôm 24/10 ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 70,1 triệu đồng/lượng mua vào và 70,82 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, giá vàng SJC ngày 24/10 đang mua vào mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng. Như vậy, so với hôm 23/10, giá vàng SJC đã điều chỉnh giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua và 250.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Giá vàng Doji tại khu vực Hà Nội đang là 69,95 triệu đồng/lượng mua vào và 70,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 350.000 đồng/lượng ở chiều mua và 300.000 đồng/lượng ở chiều bán so với hôm 23/10. Giá vàng Doji ngày 24/10 ở TP.HCM đang mua vào và bán ra tương tự so với Hà Nội.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 70,05 triệu đồng/lượng mua vào và 70,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua và 300.000 đồng/lượng ở chiều bán so với 23/10.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 70,1 triệu đồng mua vào, 70,75 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán so với hôm qua.
Như vậy, giá vàng trong nước ngày 24/10, đồng loạt quay đầu giảm mạnh ở một số thương hiệu vàng.
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến trưa 24/10 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 24/10 giảm nhẹ với vàng giao ngay giảm 0,7 USD xuống còn 1.973 USD/ounce so với rạng sáng 23/10. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.987,8 USD/ounce, giảm 6,6 USD so với mức chốt phiên giao dịch tuần trước.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 23/10, giá vàng đã giảm nhẹ, chấm dứt mức tăng ấn tượng lên gần 2.000 USD trong phiên tuần trước, khi xung đột ở Trung Đông vẫn tiếp diễn căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Dự báo về xu hướng giá vàng, khảo sát vàng hằng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy, các nhà đầu tư bán lẻ vẫn rất lạc quan về kim loại màu vàng trong tuần kết thúc vào ngày 27/10.
Trong số các nhà phân tích Phố Wall tham gia khảo sát, 31% dự báo vàng sẽ tăng trong tuần này; 46% dự báo giá sẽ giảm. Trong khi đó, 69% nhà đầu tư bán lẻ kỳ vọng vàng sẽ tăng, 20% cho rằng giá sẽ giảm.
Các nhà phân tích thị trường thì cho rằng sẽ có một đợt giảm giá sau đợt tăng đột biến kéo dài 2 tuần này.
- Giá Bitcoin: Bứt phá, tiệm cận ngưỡng 35.000 USD
Giá Bitcoin hôm 24/10 giao dịch ở mức 34.594,42 USD/BTC, tăng mạnh 13,88% trong 24 giờ qua, tiệm cận ngưỡng 35.000 USD.
Theo dữ liệu của Coindesk, cập nhật tới 9h57 ngày 24/10 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin giao dịch ở mức 34.594,42 USD/BTC, tăng mạnh 13,88% trong 24 giờ qua, tiệm cận ngưỡng 35.000 USD. Thanh khoản của đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 100,78 tỉ USD, tăng tới 312,88% so với ngày 23/10. Vốn hóa của Bitcoin đạt 674,97 tỉ USD, chiếm 52,27% tổng vốn hóa của thị trường tiền mã hóa.
Vốn hóa toàn bộ thị trường ghi nhận vào thời điểm 10h12 là 1.297,02 tỉ USD, tăng khoảng 97 tỉ USD so với 24 giờ trước. Đồng thời, khối lượng giao dịch trong 24 giờ trên thị trường tăng 169,28% so với ngày 23/10, đạt 69,82 tỉ USD.
Trong khi đó, nhiều đồng tiền mã hóa khác cũng có xu hướng tăng trong 24 giờ qua. Theo đó, đồng ETH tăng 9,35% giao dịch ở mức 1.863,03 USD/ETH. Binance Coin (BNB) và Ripple (XRP) - những đồng tiền mã hóa phổ biến khác - cũng có xu hướng tăng.
Theo đó, vào lúc 9h57 trong 10 đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất, có tới 9 đồng có xu hướng tăng so với 24h trước đó. Trong đó, chỉ có duy nhất đồng Chainlink (LINK) là giảm ở mức 2,88%.
- IEA: Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này, trong bối cảnh ô tô điện ngày càng phổ biến và nền kinh tế Trung Quốc đang hạ nhiệt.
Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới hàng năm của IEA được công bố hôm thứ Ba (24/10), thế giới sẽ tiêu thụ tới 102 triệu thùng dầu mỗi ngày vào cuối thập kỷ này, với khối lượng giảm xuống còn 97 triệu thùng mỗi ngày vào giữa thế kỷ 21.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang diễn ra trên toàn thế giới và không thể ngăn cản được. Những tuyên bố rằng dầu khí đại diện cho những lựa chọn an toàn hoặc đảm bảo cho tương lai năng lượng và khí hậu của thế giới có vẻ yếu hơn bao giờ hết”.
IEA cho biết, nhu cầu dầu trong các ngành hóa dầu, hàng không và vận tải biển sẽ tiếp tục tăng đến năm 2050 nhưng sẽ không đủ để bù đắp cho nhu cầu thấp hơn từ vận tải đường bộ trong bối cảnh “doanh số bán xe điện tăng đáng kinh ngạc”. Theo báo cáo, Trung Quốc - quốc gia trong nhiều năm đã thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ dầu thô toàn cầu - sẽ chứng kiến nhu cầu tiêu thụ của nước này suy yếu trong vài năm tới, với tổng mức tiêu thụ giảm trong thời gian dài.
- Lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của Vinasun (VNS) giảm 46% so với cùng kỳ
CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã chứng khoán VNS - sàn HOSE) mới công bố BCTC hợp nhất quý III và luỹ kế 9 tháng năm 2023.
Theo đó, trong quý III/2023, Vinasun ghi nhận doanh thu thuần đạt 312,5 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn cũng giảm hơn 6,3% về mức 246 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm gần 27%, xuống còn 66,3 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 26% xuống còn 21,1%.
Kỳ này, doanh thu tài chính của VNS tăng hơn 32%, lên gần 8,2 tỷ đồng. Trong khi đó, tất cả các chi phí của VNS đều đồng loạt tăng, cụ thể: chi phí tài chính tăng mạnh từ 1,6 tỷ đồng, lên đến 7,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng VNS tăng 15%, lên 18,9 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 23,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty có khoản lợi nhuận khác tăng 47%, lên 8,1 tỷ đồng,
Kết quả, Vinasun báo lãi quý III/2023 giảm 46% so với cùng kỳ, về mức 32,8 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 32,7 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Vinasun mang về 941 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi đạt 789 tỷ đồng, doanh thu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng đạt 133,3 tỷ đồng, còn lại là doanh thu các dịch vụ khác. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp lại giảm hơn 3%, xuống còn xấp xỉ 126 tỷ đồng.
Năm 2023, Vinasun lên kế hoạch doanh thu 1.345 tỷ đồng, tăng 24% so với thực hiện năm trước; lãi sau thuế dự kiến hơn 209 tỷ đồng, tăng gần 13%. Như vậy, với kết quả đạt được sau 9 tháng, Công ty đã hoàn thành lần lượt 70% và 60% kế hoạch năm.
- Standard Chartered: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 5%
Dù hạ mức tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống mức 5% so với 5,4% đã đưa ra trước đó, song chuyên gia của Standard Chartered cho rằng mục tiêu này vẫn là một thách thức của nền kinh tế.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ mức tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam xuống 5,0%, từ mức 5,4% trước đó. Điều này phản ánh dữ liệu kinh tế từ đầu năm cho đến nay thấp hơn mức kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn.
Mức điều chỉnh dự báo này đòi hỏi tăng trưởng của quý 4 năm nay đạt mức 7,0% và điều này có thể vẫn là một thách thức.
Standard Chartered cũng duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 ở mức 6,7% (6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm).
Mặc dù các chỉ số kinh tế vĩ mô đã được tạm thời cải thiện, thương mại vẫn chưa thấy tín hiệu phục hồi sản xuất rõ ràng. Tuy nhiên, các tín hiệu phục hồi trong nước vẫn tiếp tục và có khả năng tăng mạnh hơn nữa nhờ doanh số bán lẻ tăng mạnh. Lĩnh vực xây dựng, lưu trú duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay, trong khi đó sản xuất đã bắt đầu mở rộng. Các yếu tố triển vọng bên ngoài đang được cải thiện với thặng dư tài khoản vãng lai tăng lên 3,5% của GDP vào năm 2024 từ mức 2,0% vào năm 2023.
Dự báo lạm phát năm 2023 được điều chỉnh tăng lên mức 3,4% (so với trước đó là 2,8%). Tỷ lệ lạm phát của quý 4 được dự báo ở mức 4,3% (so với trước đó là 2,7%) và có khả năng sẽ tăng cao hơn trong năm tới. Lạm phát có thể dẫn đến khả năng tìm kiếm lợi nhuận và gia tăng rủi ro bất ổn tài chính. Giáo dục, nhà ở, thực phẩm, chi phí vận chuyển là những nhân tố chính dẫn đến lạm phát gần đây.